Nghịch cảnh: Trung Quốc mấp mé giảm phát trong lúc các nước phương Tây vật lộn với lạm phát

Trung Quốc đang đi ngược lại xu hướng lạm phát của thế giới: Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang mấp mé giảm phát.
Nghịch cảnh: Trung Quốc mấp mé giảm phát trong lúc các nước phương Tây vật lộn với lạm phát

Trong khi ngân hàng trung ương ở các quốc gia đang phát triển phải vật lộn với tình trạng lạm phát cao thì tại Trung Quốc, vấn đề lại hoàn toàn trái ngược: Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang mấp mé giảm phát.

Bắc Kinh vào tuần này đã tiết lộ rằng giá tiêu dùng đang đi ngang trong tháng 6 so với 1 năm trước trong khi đó chỉ số giá sản xuất giảm ở mức nhanh nhất kể từ năm 2016. Con số này so với mức lạm phát ở Mỹ đạt đỉnh 9,1% vào tháng 6 năm ngoái và 3% vào tháng trước mặt dù đã thực hiện nhiều đợt tăng lãi suất. Ngay cả Nhật Bản, từng là hình mẫu giảm phát của thế giới cũng chứng kiến lạm phát ở mức 3,2% vào tháng 5.

Các quốc gia phát triển cũng đặc biệt khó khăn khi đối phó với tình trạng giá lương thực và năng lượng tăng cao. Tuy nhiên, việc kiểm soát giá năng lượng ở Trung Quốc đã bảo vệ nước này khỏi những biến động tồi tệ nhất. Thay vào đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng nước này có nguy cơ giảm phát vì nhu cầu tiêu dùng và đầu tư tư nhân thấp khi nền kinh tế thoát khỏi các biện pháp kiểm soát zero Covid hà khắc.

Với việc Trung Quốc sắp công bố số liệu tổng sản phẩm quốc nội quý 2/2023, các nhà kinh tế sẽ theo dõi chặt chẽ các manh mối về sức khỏe cơ bản của nền kinh tế và những gì các nhà hoạch định chính sách có thể làm để giữ cho sự phục hồi hậu Covid của đất nước đi đúng hướng. "Điểm mấu chốt là: Nhu cầu trong nước thực sự yếu và điều đó giải thích tâm lý rất tiêu cực", Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis cho biết.

Đi ngược xu hướng lạm phát toàn cầu

Trung Quốc là nền kinh tế lớn cuối cùng thoát khỏi đại dịch, dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát Covid-19 vào tháng 12 năm ngoái. Giống như các quốc gia khác, Trung Quốc đã tìm cách chống lại các tác động kinh tế tiêu cực của đại dịch bằng cách giữ chính sách tiền tệ và tài khóa phù hợp. Năm 2020, chính phủ đã phát hành trái phiếu trị giá 1 nghìn tỷ NDT (140 tỷ USD), thâm hụt tài khóa 3,6% GDP và cắt giảm lãi suất chính sách 30 điểm cơ bản.

Theo Citi Research, vào năm 2022, nước này đã chuyển thêm 1,4 nghìn tỷ NDT trong "tài trợ bán tài khóa" thông qua các ngân hàng nhà nước. Họ cũng cho phép phát hành trái phiếu chính quyền địa phương lớn hơn và cắt giảm lãi suất thêm 20 điểm cơ bản. Tuy nhiên, kích thích tài khóa của Bắc Kinh chủ yếu được chuyển sang các lĩnh vực như chi tiêu cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp dưới hình thức giảm thuế, cắt giảm các khoản thanh toán an sinh xã hội bắt buộc về tiền lương và các biện pháp khác nhằm ngăn ngừa mất việc làm.

Ngược lại, Mỹ đã đưa ra một kế hoạch kích thích tài chính và tiền tệ lớn hơn nhiều. Theo đó, người tiêu dùng Mỹ nhận được một phần tiền thưởng trong các khoản thanh toán trực tiếp và trợ cấp thất nghiệp.

Mỹ và các nước phương Tây khác cũng bị hạn chế về phía cung khi mọi người rời khỏi lực lượng lao động và chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Tại Trung Quốc, công xưởng của thế giới, có ít vấn đề về chuỗi cung ứng hơn. Người dân Trung Quốc bị mắc kẹt trong nhà lâu hơn và các doanh nghiệp đóng cửa, dẫn đến thất nghiệp lớn hơn và thiệt hại sâu sắc cho bảng cân đối kế toán hộ gia đình. Sự sụp đổ của thị trường bất động sản cũng ảnh hưởng đến giá hàng hóa, làm giảm lạm phát chỉ số giá sản xuất.

Đồng thời, nhiều chính quyền địa phương sau khi thoát khỏi đại dịch chìm trong nợ nần. Khu vực tư nhân bị bỏ lại với tình trạng dư thừa công suất và, cảm nhận được nhu cầu tiêu dùng yếu, không sẵn sàng đầu tư. "Trung Quốc đang trên bờ vực của một 'bẫy niềm tin' khi xung lực mở cửa trở lại ban đầu bắt đầu mờ dần", các nhà phân tích của Citi viết trong một lưu ý gần đây.

Giảm phát có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc?

Các nhà phân tích cho biết, mối nguy hiểm cho các nhà hoạch định chính sách là nếu xu hướng giảm phát “cố thủ” trong kỳ vọng của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Các công ty sẽ tiếp tục kìm hãm đầu tư khi lợi nhuận cạn kiệt trong khi người tiêu dùng sẽ chi tiêu ít hơn vì họ lo lắng về an ninh việc làm và giá bất động sản tiếp tục giảm.

Có bằng chứng cho thấy lĩnh vực bất động sản, sau khi ổn định vào đầu năm, một lần nữa đang trên đà đi xuống. Khối lượng giao dịch theo không gian sàn đã giảm 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 6 từ mức giảm 3,5% trong tháng 5.

Các nhà kinh tế cảnh báo về sự suy yếu tiềm tàng hơn nữa của giá tiêu dùng. Mặc dù tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc đi ngang trong tháng 6, nhưng lạm phát cơ bản - loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng biến động - đã giảm 0,1% so với một tháng trước đó, "điều này có thể chỉ ra sự mất đà trong quá trình phục hồi tiêu dùng", HSBC cho biết.

Trong khi lạm phát dự kiến sẽ tăng nhẹ trong những tháng tới, nhưng nhiều nhà phân tích cho biết chính phủ cần phải can thiệp với sự hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế để giữ kỳ vọng. Các nhà phân tích của Morgan Stanley viết trong một nghiên cứu: "Việc nới lỏng chính sách hơn nữa đối với nhà ở và cơ sở hạ tầng, có thể đến trong những tuần tới, sẽ rất quan trọng để ổn định tổng cầu".

Trong tuần này, chính phủ Trung Quốc cũng đã gia hạn một gói các biện pháp liên quan đến tín dụng cho các nhà phát triển BĐS nhằm ngăn chặn sự sụt giảm giá nhà đất. Chính phủ đã giảm lãi suất chính sách 10 điểm cơ bản trong năm nay và nhiều người kỳ vọng sẽ tiếp tục cắt giảm trong quý 3/2023 để duy trì tăng trưởng tín dụng.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Lou Jiwei cho biết chính phủ nên mở rộng thâm hụt tài khóa năm nay thêm 1,5 nghìn tỷ NDT để cung cấp trợ cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các biện pháp, cùng với việc loại bỏ các hạn chế liên quan đến thế chấp và mua nhà, là cần thiết "để đưa sự phục hồi kinh tế trở lại trên một con đường vững chắc hơn", ông Lou nói thêm.

Có thể bạn quan tâm

Elon Musk sắp tiếp quản TikTok?

Elon Musk sắp tiếp quản TikTok?

Theo một báo cáo mới đây từ Bloomberg, các nhà chức trách tại Trung Quốc đang cân nhắc về khả năng bán TikTok Mỹ cho tỷ phú Elon Musk…

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…