Chính quyền Trump “bật đèn xanh” cho ngành ô tô nhưng lại mở rộng điều tra chip và dược phẩm

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cho biết ông đang xem xét một số biện pháp hỗ trợ ngành ô tô Mỹ; nhưng lại yêu cầu mở rộng điều tra thương mại đối với lĩnh vực bán dẫn và dược phẩm nhập khẩu…

Chính quyền Trump “bật đèn xanh” cho ngành ô tô nhưng lại mở rộng điều tra chip và dược phẩm

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cho biết ông đang xem xét việc hỗ trợ ngành ô tô nội địa, một động thái cho thấy ông dường như có ưu ái hơn với một số lĩnh vực.

“Tôi đang cân nhắc một số biện pháp hỗ trợ cho các công ty ô tô, những công ty sản xuất xe ở Bắc Mỹ. Họ đang chuyển sang sử dụng các bộ phận được sản xuất ở Canada, Mexico và một số nơi khác, và họ cần thêm một chút thời gian, bởi vì chắc chắn họ sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất tại Mỹ”, ông Donald Trump phát biểu tại Phòng Bầu dục vào 14/4.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi chính quyền Mỹ vào cuối tuần trước đã miễn trừ điện thoại thông minh, máy tính xách tay và một số hàng điện tử tiêu dùng khác khỏi danh sách các mặt hàng chịu thuế đối ứng cao, mặc dù sau đó một số quan chức Mỹ nói rằng những sản phẩm này có thể bị đánh thuế trong các vòng tiếp theo.

Vào tháng trước, chính quyền Trump đã công bố mức thuế 25% với ô tô và linh kiện nhập khẩu, một động thái có thể khiến giá xe tại Mỹ tăng cao và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo quy định thương mại hiện hành, ô tô và linh kiện sản xuất tại Canada và Mexico chỉ chịu mức thuế 25% đối với phần linh kiện không có nguồn gốc từ Mỹ, nếu như không đáp ứng các điều kiện trong Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) ký năm 2020.

Phát biểu của ông Trump vào thứ Hai cho thấy ông có thể tạo điều kiện để các hãng xe có thêm thời gian chuyển chuỗi cung ứng về Bắc Mỹ.

Cổ phiếu của nhóm "Big Three" tại Detroit, bao gồm Ford, Stellantis và General Motors, đều bật tăng. Riêng GM và Ford tăng khoảng 4%, còn cổ phiếu của Stellantis (công ty mẹ của Chrysler) leo 5%.

Ông Matt Blunt, Chủ tịch Hội đồng Chính sách Ô tô Mỹ chia sẻ: “Tôi nghĩ ngày càng có nhiều người nhận ra rằng một số loại thuế áp lên linh kiện đang gây ra hậu quả ngoài ý muốn và khiến việc lắp ráp xe tại Mỹ trở nên khó khăn hơn”.

Thời điểm ông Trump công bố mức thuế 25% đối với ô tô vào ngày 27/3, ông mô tả đó là mức thuế vĩnh viễn. Tuy nhiên, lập trường cứng rắn của ông về thương mại đang trở nên mềm mỏng hơn, khi ông muốn hạn chế tác động tiêu cực về kinh tế và chính trị từ các chính sách này. “Tôi không thay đổi ý kiến, nhưng tôi linh hoạt”, ông Trump nhấn mạnh.

Nhưng khác với tín hiệu có phần tích cực mà ngành ô tô Mỹ đang đón nhận, thì lĩnh vực bán dẫn và dược phẩm lại vô cùng lo lắng về chương trình mở rộng điều tra do Bộ Thương mại Mỹ thực hiện. Các biện pháp này được công bố hôm 14/4 trên Công báo Liên bang, được xem là bước chuẩn bị cho vòng áp thuế tiếp theo.

Tổng thống Mỹ từ lâu đã cho rằng việc sản xuất chip và thuốc ở nước ngoài là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, và ông từng đe dọa áp thuế mạnh tay để thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, thuế quan có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng và khiến chi phí tới tay người tiêu dùng Mỹ tăng cao.

Cuộc điều tra về bán dẫn sẽ có phạm vi rất rộng, bao gồm cả chip thế hệ cũ lẫn chip tiên tiến dùng cho trí tuệ nhân tạo. Các nhà sản xuất chip tiên tiến như TSMC (Đài Loan) và SK Hynix (Hàn Quốc) đứng trước khả năng buộc phải tăng giá hoặc chấp nhận lợi nhuận thấp hơn.

Bên cạnh đó, thuế quan chắc chắn sẽ khiến chi phí cho kế hoạch mở rộng sản xuất chip nội địa tại Mỹ bị đội lên rất nhiều, nhất là nếu thiết bị sản xuất chip nhập khẩu từ công ty nước ngoài như ASML (Hà Lan) bị đánh thuế. ASML hiện là nhà cung cấp hàng đầu các máy quang khắc tiên tiến được dùng để sản xuất những con chip nhỏ nhất phục vụ cho AI và các ứng dụng nhạy cảm khác.

Cuộc điều tra riêng biệt về dược phẩm cũng sẽ xem xét ở quy mô lớn, bao gồm cả thuốc generic, thuốc đặc trị, nguyên liệu làm thuốc và cả nguồn cung các thành phần dược quan trọng. Nếu bị áp thuế, các tập đoàn dược lớn như Merck & Co. và Eli Lilly & Co. sẽ chịu thiệt hại nặng nề, vì phần lớn các công ty này có nhà máy sản xuất ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Xem thêm

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể đi đến đâu?

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể đi đến đâu?

Tổng thống Trump khơi mào cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bằng các áp đặt thuế quan, Trung Quốc cũng không ngần ngại đáp trả bằng các áp đặt thuế quan tương đương. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã bắt đầu. Câu hỏi đặt ra là cuộc chiến này sẽ đưa cả hai bên, và cả thế giới đi đến đâu?

Giá xe sẽ tăng sau khi Hoa Kỳ áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu

Tổng thống Donald Trump áp thuế 25% với ô tô nhập khẩu: Giá xe sẽ tăng tới mức nào?

Thông báo áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu của Tổng thống Donald Trump đã gây chấn động khi các nhà sản xuất ô tô toàn cầu cảnh báo về việc tăng giá ngay lập tức cũng như những lo ngại về tình trạng mất việc làm ở các nước xuất khẩu ô tô lớn, trong đó có nhiều nước là đồng minh của Hoa Kỳ...

Mỹ giáng thuế 25% đối với ô tô không “Made in USA”

Mỹ giáng thuế 25% đối với ô tô không “Made in USA”

Ngành công nghiệp ô tô Mỹ rúng động trước tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc áp thuế 25% đối với tất cả xe hơi và linh kiện ô tô nhập khẩu. Quyết định này có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại và tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất ô tô toàn cầu…

Có thể bạn quan tâm

Lửa chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã lan đến Phố Tàu New York

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Lửa lan tới "Phố Tàu" New York

Tuần trước, một gói bánh gạo tại cửa hàng tạp hóa Sun Vin trên phố Mulberry ở khu phố Tàu của New York có giá 4,99 USD. Nhưng sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đắt đỏ hơn nhiều. Hiện tại, loại bánh quy này có mức giá mới: 6,99 USD...

Chiến tranh thương mại lan rộng sang TikTok

Chiến tranh thương mại lan rộng sang TikTok

Các nhà sáng tạo nội dung Trung Quốc, tự xưng là đơn vị sản xuất cho hàng loạt thương hiệu xa xỉ, đã nhanh chóng tạo nên một làn sóng “trả đũa” trên TikTok khi chào bán các sản phẩm “dupe” giá rẻ như một phản ứng trước thuế quan của Mỹ đối với quốc gia này…

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Tới lượt Trung Quốc "ra tay"

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Tới lượt Trung Quốc "ra tay"

Từ Apple và Boeing đến Nike và Starbucks và cả Tesla đều đang trở thành nạn nhân trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi Trung Quốc có những quyết định cứng rắn với hoạt động của các ông lớn này tại thị trường quan trọng nhất của họ...