Dân Mỹ "than trời" vì “ông lớn logistic” DHL tạm ngừng vận chuyển hàng hoá trên 800 USD

Kể từ ngày 21/4, DHL sẽ tạm ngừng giao hàng quốc tế có giá trị trên 800 USD đến người tiêu dùng Mỹ do thay đổi trong quy định hải quan khiến việc thông quan trở nên chậm trễ hơn…

Dân Mỹ "than trời" vì “ông lớn logistic” DHL tạm ngừng vận chuyển hàng hoá trên 800 USD

DHL Express, một đơn vị trực thuộc Tập đoàn Deutsche Post của Đức, cho biết họ sẽ tạm ngừng vận chuyển hàng hoá thương mại điện tử với giá trị trên 800 USD đến người tiêu dùng Mỹ kể từ ngày 21/4.

Theo tiết lộ của DHL trên website, nguyên nhân chính là bởi các quy định mới của hải quan Mỹ yêu cầu phải xử lý thủ tục thông quan chính thức đối với mọi lô hàng trị giá trên 800 USD. DHL nói thêm rằng việc tạm ngưng giao hàng là một biện pháp tạm thời và họ sẽ cập nhật thêm thông tin khi tình hình thay đổi. Đồng thời, đơn vị cũng khẳng định các lô hàng từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp vẫn được xử lý bình thường, nhưng có thể sẽ chậm trễ.

“Cho dù chúng tôi đang nỗ lực mở rộng quy mô và tối ưu hoá hoạt động điều phối để thích ứng với hàng loạt thay đổi mới, nhưng các lô hàng có giá trị trên 800 USD, bất kể xuất xứ, có thể sẽ bị trì hoãn thông quan trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Do đó, DHL buộc phải tạm ngừng cung cấp dịch vụ trong thời gian trước mắt”, thông báo từ hãng cho thấy.

Trong khi đó, các gói hàng trị giá dưới 800 USD, dù là gửi cho doanh nghiệp hay người tiêu dùng, sẽ không bị ảnh hưởng.

Trước đây, các lô hàng dưới 2.500 USD đều được phép vào Mỹ với rất ít thủ tục giấy tờ, nhưng bắt đầu từ tuần tới, ngưỡng miễn thủ tục sẽ bị hạ xuống mức 800 USD. Động thái mới này của chính phủ Mỹ được cho là để thu hẹp phạm vi áp dụng “ngoại lệ de minimis” và dự kiến sẽ ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đến hàng hóa từ Trung Quốc và Hồng Kông.

Hai nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc Temu và Shein, vốn được ưa chuộng bởi mô hình kinh doanh hàng giá rẻ gửi trực tiếp từ Trung Quốc sang Mỹ, đều đã lên tiếng cảnh báo khách hàng rằng giá hàng hoá có thể sẽ tăng do những thay đổi về quy định.

Rất nhiều người tiêu dùng tỏ ra bất mãn trước những diễn biến mới. Trên diễn đàn Reddit, một số tài khoản cho biết lựa chọn vận chuyển của DHL vốn đã đắt đỏ hơn so với những nơi khác, nhưng nay lại liên tục vướng phải tình trạng gián đoạn trong dịch vụ. Một số người còn than thở rằng trước đó đã bị yêu cầu thanh toán các khoản phí phát sinh để nhận đơn hàng từ nước ngoài. Chính vì điều này mà nhiều người tiêu dùng thậm chí từ chối nhận hàng vì phí quá cao so với giá trị đơn ban đầu.

Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ, vốn chủ yếu dựa vào nguồn hàng từ nước ngoài, cũng vô cùng lo lắng khi công việc kinh doanh của họ đột ngột bị ảnh hưởng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn nhấn mạnh rằng việc siết chặt quy định là một biện pháp nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, khép lại các “kẽ hở” từng giúp một số nhà vận chuyển nước ngoài né thuế và kiểm tra hải quan, với mục tiêu quan quan trọng là để hạn chế dòng chảy của các chất gây nghiện tổng hợp vào nước Mỹ.

Ở một số trường hợp, Washington còn nhiều lần cáo buộc một số nhà xuất khẩu nước ngoài cố tình ghi sai nhãn hàng hóa nhằm che giấu các chất cấm.

Đại diện từ phía Trung Quốc phản bác rằng cuộc khủng hoảng opioid là vấn đề do chính nước Mỹ gây ra và khẳng định Trung Quốc là quốc gia có các chính sách kiểm soát ma túy nghiêm ngặt nhất thế giới.

Vào tuần trước, dịch vụ bưu chính Hồng Kông tuyên bố sẽ tạm dừng việc chuyển phát bưu kiện từ Mỹ, như một phản ứng đáp trả các mức thuế mới mà Tổng thống Donald Trump ban hành. Có nhiều ý kiến phản đối quyết định của chính phủ Mỹ trong việc loại bỏ ưu đãi miễn thuế và thậm chí còn tăng thuế đối với các bưu kiện hàng hoá gửi từ Hồng Kông sang Mỹ kể từ ngày 2/5.

Trả lời về vấn đề này, đại diện DHL chia sẻ trên Reuters rằng họ vẫn sẽ xử lý các lô hàng từ Hồng Kông đến Mỹ theo đúng quy định và luật lệ hải quan hiện hành, đồng thời nhanh chóng thông tin tới khách hàng để giúp họ hiểu rõ và thích nghi với những điều chỉnh dự kiến.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chiến tranh thương mại lan rộng sang TikTok

Chiến tranh thương mại lan rộng sang TikTok

Các nhà sáng tạo nội dung Trung Quốc, tự xưng là đơn vị sản xuất cho hàng loạt thương hiệu xa xỉ, đã nhanh chóng tạo nên một làn sóng “trả đũa” trên TikTok khi chào bán các sản phẩm “dupe” giá rẻ như một phản ứng trước thuế quan của Mỹ đối với quốc gia này…

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Tới lượt Trung Quốc "ra tay"

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Tới lượt Trung Quốc "ra tay"

Từ Apple và Boeing đến Nike và Starbucks và cả Tesla đều đang trở thành nạn nhân trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi Trung Quốc có những quyết định cứng rắn với hoạt động của các ông lớn này tại thị trường quan trọng nhất của họ...

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể đi đến đâu?

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể đi đến đâu?

Tổng thống Trump khơi mào cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bằng các áp đặt thuế quan, Trung Quốc cũng không ngần ngại đáp trả bằng các áp đặt thuế quan tương đương. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã bắt đầu. Câu hỏi đặt ra là cuộc chiến này sẽ đưa cả hai bên, và cả thế giới đi đến đâu?

Thuế quan vô tình "cản trở" thỏa thuận TikTok Mỹ

Thuế quan vô tình "cản trở" thỏa thuận TikTok Mỹ

Theo Reuters đưa tin, thỏa thuận bán lại hoạt động TikTok Mỹ dường như đã bị hoãn lại sau khi phía Trung Quốc đưa ra tín hiệu phản đối trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang do thuế quan…