
Trung Quốc và Liên minh châu Âu khó có thể trở thành đồng minh thực sự thân thiết, ngay cả khi mối quan hệ riêng của họ với Mỹ đang ngày càng xấu đi do loạt chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, các chuyên gia phân tích quốc tế chia sẻ trên đài CNBC.
“Tôi không cho rằng EU và Trung Quốc sẽ cùng nhau chống lại Mỹ”, ông Max Bergmann, Giám đốc Chương trình châu Âu, Nga và Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhấn mạnh.
Ở cấp độ địa chính trị, Trung Quốc và EU có thể sẵn sàng tăng cường đối thoại, nhưng những va chạm kinh tế và các vấn đề tồn tại lâu nay trong thương mại và cạnh tranh vẫn là trở ngại lớn. “Khả năng EU và Trung Quốc cùng điều chỉnh lợi ích kinh tế với nhau là rất thấp, vì cả hai đều là nền kinh tế dựa vào xuất khẩu và vốn cạnh tranh gay gắt, đặc biệt trong các lĩnh vực như ô tô và công nghệ sạch”, Max Bergmann ông nói thêm.
Ông còn cho rằng mặc dù cả hai bên đều có thiện chí, nhưng khả năng cao là sẽ vấp phải nhiều rào cản lớn. Trừ khi Trung Quốc sẵn sàng nhượng bộ đáng kể, khó có thể thấy EU sẽ thống nhất thắt chặt quan hệ sâu sắc hơn với quốc gia tỷ dân.
CĂNG THẲNG EU - TRUNG QUỐC
Mối quan hệ giữa Liên Minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc vốn không hề êm đềm.
Mặc dù Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của EU bên cạnh Mỹ, nhưng quan hệ kinh tế giữa hai bên lâu nay vẫn thường bị phủ bóng bởi các cuộc điều tra và các biện pháp trả đũa liên quan đến thương mại.
EU cáo buộc Bắc Kinh trợ giá cho nhiều ngành công nghiệp chủ chốt như xe điện, pin, thép và nhôm, làm méo mó thị trường và tác động xấu đến môi trường cạnh tranh toàn cầu. Vào năm ngoái, EU đã áp thuế lên xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc như một động thái phản ứng.
Ngay sau đó, Bắc Kinh cũng tiến hành điều tra chống bán phá giá với thịt lợn và rượu mạnh của EU, đồng thời mở cuộc điều tra trợ cấp nhắm vào các sản phẩm sữa của EU.
Tuy nhiên, thương mại không phải là nguyên nhân duy nhất khiến quan hệ EU – Trung Quốc trở nên phức tạp, ông Carsten Nickel, Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Teneo chỉ ra. Ông cho biết còn tồn tại nhiều khác biệt mang tính mấu chốt giữa hai bên, bất chấp các diễn biến liên quan đến Mỹ trong thời gian gần đây.

“Từ vấn đề dư thừa năng lực sản xuất tại Trung Quốc, quan điểm của Nghị viện châu Âu về tình hình nhân quyền; hay cả mối quan ngại về sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Nga trong cuộc chiến ở Ukraine… đều là những yếu tố làm hằn sâu vết nứt trong mối quan hệ song phương”, ông Nickel giải thích.
Đồng tình với suy nghĩ này, ông Ian Bremmer, nhà sáng lập và Chủ tịch tổ chức Eurasia Group, lưu ý thêm rằng châu Âu còn nhiều hoài nghi với Trung Quốc trong các lĩnh vực như quyền sở hữu trí tuệ, giám sát công nghệ và chính sách công nghiệp.
“Rõ ràng việc Mỹ trở thành đối thủ không khiến những nghi ngờ đó biến mất”, ông Bremmer nói với CNBC.
MỞ RA HƯỚNG ĐI MỚI?
Dẫu vậy, Trung Quốc có thể sẽ tận dụng cơ hội khi quan hệ Mỹ - EU lỏng lẻo để tìm cách thắt chặt liên kết với EU, giới phân tích chỉ ra.
“Trung Quốc sẽ coi đây là cơ hội để phá vỡ liên minh xuyên Đại Tây Dương và kéo châu Âu lại gần mình hơn”, ông Max Bergmann từ CSIS nhận xét. Ở chiều ngược lại, một số thành viên EU có thể đang tính đến việc giữ thế cân bằng với cả Mỹ và Trung Quốc, đồng thời tìm cách khiến Trung Quốc hạn chế bớt hỗ trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga, ông Bergmann nói thêm.
Trên thực tế, thời gian gần đây Trung Quốc và EU dường như đã bày tỏ thiện chí hơn một chút. Chỉ riêng trong ngày 10/4, có thông tin tiết lộ hai bên đang xem xét thiết lập mức giá tối thiểu cho xe điện sản xuất tại Trung Quốc, thay vì áp thuế như trước đó. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez hôm 11/4 đã gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh và sau đó kêu gọi xây dựng một mối quan hệ cân bằng hơn. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã đến châu Âu vào đầu năm nay để kêu gọi thúc đẩy quan hệ và tăng cường hợp tác.

Ngay đầu tuần này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã có cuộc điện đàm cởi mở, trong đó, bà von der Leyen nhấn mạnh vai trò then chốt của Trung Quốc trong việc hạn chế nguy cơ xảy ra tái định hướng thương mại do tác động của thuế quan và kêu gọi Bắc Kinh hướng tới một giải pháp đàm phán.
“Giọng điệu được sử dụng trong cuộc gọi lần này từ phía EU có phần mềm mỏng hơn so với trước đây”, ông Carsten Nickel, Giám đốc điều hành Teneo nhận xét.
CÒN NHIỀU RÀO CẢN PHÍA TRƯỚC
Tuy nhiên, ông Carsten Nickel cho rằng mục tiêu cuối cùng vẫn là vượt qua tình thế đầy thách thức hiện nay của nền kinh tế toàn cầu và điều đó không có nghĩa là những bất đồng cơ bản trong quan hệ giữa Châu Âu và Trung Quốc sẽ biến mất chỉ sau một đêm.
Thậm chí, hành động áp thuế của Mỹ có nguy cơ khiến mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU thêm căng thẳng khi nó làm trầm trọng hơn các vấn đề vốn đã tồn tại, chẳng hạn như tình trạng dư thừa công suất xuất khẩu của Trung Quốc.
Hai chuyên gia Emre Peker và Mujtaba Rahman từ Eurasia Group cũng chia sẻ quan điểm này trong một bản tin mới đây: “Hệ quả từ sự chuyển hướng thương mại khi căng thẳng thuế Mỹ - Trung leo thang sẽ buộc Ủy ban châu Âu phải nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng vệ nhằm ngăn chặn Trung Quốc, và các nước khác, đổ hàng vào thị trường EU”.
Ngoài ra, các chính sách thuế của ông Trump có thể sẽ buộc Brussels phải có lập trường thương mại cứng rắn hơn với Bắc Kinh, vượt qua những nỗ lực hiện tại, nhằm đối phó với sự mất cân bằng kinh tế đe dọa các ngành công nghiệp châu Âu, theo Eurasia Group.
Và dù rằng các nhà hoạch định chính sách châu Âu có thể sẽ sử dụng giọng điệu ôn hoà hơn với Trung Quốc nhằm tránh khơi mào một cuộc chiến thương mại trên hai mặt trận nhưng sẽ khó dẫn tới việc Brussels và Bắc Kinh bắt tay hợp tác để đối đầu với Washington”, giới chuyên gia kết luận.