Nhật Bản lần đầu tiên nhập khẩu gạo từ Hàn Quốc sau hơn 25 năm

Người tiêu dùng Nhật Bản, vốn từ lâu đã có định kiến với gạo nhập khẩu, nay buộc phải làm quen với những sản phẩm đến từ nước ngoài khi nguồn cung trong nước trở nên khan hiếm...

Nhật Bản lần đầu tiên nhập khẩu gạo từ Hàn Quốc sau hơn 25 năm

Lần đầu tiên sau hơn 2 thập kỷ, chính phủ Nhật Bản quyết định đẩy mạnh việc nhập khẩu gạo từ Hàn Quốc như một phần trong nỗ lực kiểm soát giá cả và xoa dịu sự lo lắng của người tiêu dùng.

Theo các hãng địa phương, lô gạo Hàn Quốc đầu tiên đã cập cảng Nhật Bản vào tháng trước, lần đầu tiên kể từ năm 1999, trong bối cảnh giá gạo nội địa tiếp tục tăng cao dù chính phủ đã rất cố gắng để bình ổn thị trường. Thậm chí, Nhật Bản đã buộc phải triển khai một biện pháp chưa từng có, đó là mở cửa kho dự trữ gạo quốc gia. Vào tháng 3/2025, chính phủ bắt đầu xả 210.000 tấn gạo từ kho nhằm kiềm chế đà tăng giá, tình trạng mua hàng hoảng loạn và các vấn đề trong khâu phân phối gây ra.

Trước đây, xứ sở mặt trời mọc chỉ sử dụng kho dự trữ gạo sau các thảm họa thiên nhiên hoặc mùa vụ thất bát. Đây là lần đầu tiên họ can thiệp do vấn đề phân phối. Tuy nhiên, biện pháp này gần như không mang lại hiệu quả.

Ngay tuần trước, Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho biết chỉ một phần rất nhỏ lượng gạo được xả kho thực sự đến được các cửa hàng, nguyên nhân là do thiếu phương tiện vận chuyển và thời gian chuẩn bị gạo để bán. Trong số 142.000 tấn gạo được đưa ra đấu giá đợt đầu vào giữa tháng 3, thì đến cuối tháng chỉ có 426 tấn, tương đương 0,3%, đến được siêu thị và các điểm bán lẻ khác.

Bên cạnh đó, nguồn dự trữ cũng vốn đã cạn kiệt sau đợt nắng nóng kỷ lục làm hỏng mùa vụ năm 2023. Tình trạng này còn trầm trọng hơn khi lượng tiêu thụ còn tăng cao do lượng khách du lịch kỷ lục, cùng với tình trạng người dân đổ xô mua tích trữ khi có cảnh báo về bão và động đất, buộc một số nhà bán lẻ phải giới hạn lượng bán ra.

Trong tuần tính đến ngày 6/4, giá gạo trung bình tại các siêu thị Nhật Bản là 4.214 yên (tương đương 30 USD) cho mỗi bao 5kg, cao hơn hơn gấp đôi so với quý 1 năm ngoái. Chính vì vậy mà người tiêu dùng nước này đã buộc phải chuyển sang các lựa chọn nhập khẩu rẻ hơn, bất chấp các mức thuế rất cao mà Nhật Bản áp dụng đối với hàng ngoại.

Hiện tại lượng gạo Hàn Quốc nhập về Nhật Bản chỉ vào khoảng 2 tấn và mới được bán tại một số địa điểm. Tuy nhiên, như đài truyền hình quốc gia NHK đưa tin, chính phủ có kế hoạch nhập thêm 20 tấn nữa trong vài ngày tới. Dự kiến, xuất khẩu gạo của Hàn Quốc sang Nhật năm nay sẽ đạt mức cao nhất kể từ 1990.

Lâu nay, người tiêu dùng Nhật Bản vốn hay hoài nghi về chất lượng và hương vị của gạo ngoại, minh chứng rõ ràng nhất là khi gạo Thái được nhập khẩu vào Nhật năm 1993 đã bị ế ẩm chỉ sau một mùa hè. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nguồn cung và lạm phát hiện tại đã buộc họ phải làm quen với gạo nước ngoài.

Điều này cũng đã mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất Mỹ. Anh Arata Hirano, chủ một nhà hàng tại Tokyo, đã chuyển từ gạo Nhật sang gạo Mỹ từ năm ngoái, khi giá gạo nội địa tăng vọt do nguồn cung khan hiếm.

Anh cho biết giá gạo từ California hiện cao gấp đôi so với lần đầu nhà hàng mua vào mùa hè năm ngoái, nhưng nhìn chung vẫn rẻ hơn gạo Nhật. Khách hàng của anh cũng không phàn nàn gì, một trong số đó là cô Miki Nihei, người tỏ ra bất ngờ khi biết bát cơm mình ăn không phải từ gạo Nhật.

“Hoàn toàn không nhận ra. Tôi không ngại ăn gạo nhập khẩu. Giá cả tăng nhiều, nên tôi luôn tìm kiếm các lựa chọn rẻ hơn”, cô Nihei chia sẻ.

Xem thêm

Lửa chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã lan đến Phố Tàu New York

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Lửa lan tới "Phố Tàu" New York

Tuần trước, một gói bánh gạo tại cửa hàng tạp hóa Sun Vin trên phố Mulberry ở khu phố Tàu của New York có giá 4,99 USD. Nhưng sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đắt đỏ hơn nhiều. Hiện tại, loại bánh quy này có mức giá mới: 6,99 USD...

Có thể bạn quan tâm

Chiến tranh thương mại lan rộng sang TikTok

Chiến tranh thương mại lan rộng sang TikTok

Các nhà sáng tạo nội dung Trung Quốc, tự xưng là đơn vị sản xuất cho hàng loạt thương hiệu xa xỉ, đã nhanh chóng tạo nên một làn sóng “trả đũa” trên TikTok khi chào bán các sản phẩm “dupe” giá rẻ như một phản ứng trước thuế quan của Mỹ đối với quốc gia này…

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Tới lượt Trung Quốc "ra tay"

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Tới lượt Trung Quốc "ra tay"

Từ Apple và Boeing đến Nike và Starbucks và cả Tesla đều đang trở thành nạn nhân trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi Trung Quốc có những quyết định cứng rắn với hoạt động của các ông lớn này tại thị trường quan trọng nhất của họ...

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể đi đến đâu?

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể đi đến đâu?

Tổng thống Trump khơi mào cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bằng các áp đặt thuế quan, Trung Quốc cũng không ngần ngại đáp trả bằng các áp đặt thuế quan tương đương. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã bắt đầu. Câu hỏi đặt ra là cuộc chiến này sẽ đưa cả hai bên, và cả thế giới đi đến đâu?