Người đưa ngành xây dựng dân dụng và hạ tầng Việt Nam ra Kuwait là ai?

Kể về người "chèo lái" con thuyền Hòa Bình suốt 27 năm với bao thăng trầm, sóng gió, nhiều người phải thán phục vì sự bản lĩnh trong kinh doanh cũng như sự hòa nhã, lãng mạn trong cuộc sống của ông Lê
Người đưa ngành xây dựng dân dụng và hạ tầng Việt Nam ra Kuwait là ai?

Mới đây, tại Kuwait, CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (mã HBC) đã chính thức "vươn" ra thị trường Trung Đông về ngành xây dựng dân dụng và hạ tầng bằng việc ký kết hợp tác với Công ty Kỹ thuật và Xây dựng HOT (HOT Engineering & Construction, Kuwait) - một trong những công ty xây dựng và bảo dưỡng kỹ thuật đa ngành lớn nhất trong ngành dầu khí và công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, dân dụng ở Kuwait và khu vực Trung Đông.

Sau khi ký kết, cả hai công ty sẽ cùng tham gia liên doanh, đấu thầu các dự án từ chính phủ và của tư nhân trong thị trường Kuwait cũng như tham gia vào các dự án mà HOT hiện đã trúng thầu. Bên cạnh đó, hai bên sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch chi tiết về thủ tục hoạt động và hợp tác các dự án cụ thể đã có sẵn cho kế hoạch từ nay đến 5 năm tới, đồng thời lên kế hoạch tham gia các dự án xây dựng của chính phủ trong công cuộc hiện thực hóa tầm nhìn 2035 là “Biến đổi Kuwait thành một trung tâm tài chính thương mại của khu vực”.

HBC có được sự thành công và đặt nhiều dấu mốc quan trọng đó không thể không kể đến vai trò của người "chèo lái con thuyền" Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình.

Khởi nghiệp táo bạo

Nhìn vào thành công của hiện tại, ít ai biết Kiến trúc sư Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình, TOP 5 doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam lại có con đường lập nghiệp khá vất vả. Năm lên 9, cha ông khi đó là một hiệu trưởng trường trung tiểu học tại Thành phố Huế đã quyết định đưa vợ con vào Sài Gòn sinh sống. Nhà đông con, nên ông Hải phải làm qua nhiều việc từ việc nhà cho đến việc sản xuất kinh doanh để phụ giúp bố mẹ … Chính những năm tháng đó đã giúp Lê Viết Hải tích lũy được nhiều bài học quý cho hoạt động kinh doanh sau này, đặc biệt là bài học về chữ nhẫn, không ngại khó, ngại khổ, tận tâm tận lực với khách hàng.

Năm 1985, sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, ông được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty Quản lý nhà thuộc Sở Nhà đất TP. HCM. Sẵn chuyên môn cộng thêm đam mê kinh doanh từ nhỏ, nhận thấy tiềm năng của ngành xây dựng rất lớn, năm 1987, Lê Viết Hải quyết định thành lập Văn phòng Xây dựng Hòa Bình.

Từ quy mô ban đầu chỉ gồm 5 kỹ sư và gần 20 công nhân, chỉ ba năm sau, Văn phòng Xây dựng Hòa Bình đã hoàn thành công trình khách sạn Riverside (trên đường Tôn Đức Thắng, TP. HCM), một công trình được đánh giá là có quy mô lớn, kỹ thuật thi công khá phức tạp lúc bấy giờ. Từ cột mốc này, Hòa Bình liên tục trúng thầu các dự án lớn như khách sạn International, Saigon Food Center, Tecasin Business Center… Gây dựng thương hiệu từng chút một, Hòa Bình đã vươn lên vị thế TOP5 doanh nghiệp xây dựng lớn nhất trong nước, là nhà thầu chính của nhiều dự án có quy mô hàng trăm tỷ đồng. Năm 2009, thời điểm thị trường xây dựng đang tăng trưởng tốt, Hòa Bình có doanh thu 1.763 tỷ đồng từ hoạt động xây lắp.

Đối với ông Hải, “mỗi công trình đều là một sự sáng tạo mới, công trình càng phức tạp thì đòi hỏi sự sáng tạo càng cao”. Nhờ phát huy sáng kiến của kỹ sư mà Hòa Bình đã rút ngắn được thời gian thi công những dự án như Novaland hàng tháng trời so với kỹ thuật thi công thông thường.

Đề cao vai trò của tố chất kiên trì, bền bỉ, nhưng theo ông Hải, với người làm kinh doanh, để chạm đến thành công, chỉ tinh thần thép thôi chưa đủ, mà cần phải có trí tuệ, cái tâm và cả chút may mắn.

Khác với nhiều doanh nghiệp cùng ngành, Hòa Bình nói “không” với việc “gặt lúa non” bán thầu cho doanh nghiệp khác, để đảm bảo chất lượng, giữ uy tín lâu dài với doanh nghiệp và thị trường.

Không chỉ tập trung vào lĩnh vực xây lắp, Lê Viết Hải còn mở mang hoạt động của Công ty sang mảng sản xuất vật liệu xây dựng. Xưởng mộc Hòa Bình được thành lập từ năm 1993, nhận thiết kế, sản xuất các sản phẩm đồ gỗ cho các công trình. Hay xưởng sơn đá Hòa Bình được thành lập năm 1995 với nhiều sản phẩm độc đáo có nhãn hiệu Hodastone.

“Nhưng sự nghiệp kinh doanh của tôi không phải đơn giản như cách đánh dấu những cột mốc đi lên của Hòa Bình. Tôi đã từng trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn trong việc điều hành Công ty. Có thời điểm, ba mẹ tôi phải bán nhà, mượn tài sản của anh em thế chấp ngân hàng, quay vòng vốn, giúp Công ty thoát khỏi vũng lầy”, ông Hải chia sẻ.

Ngành xây lắp có mối quan hệ chặt chẽ với thị trường bất động sản. Vài năm trở lại đây, khi thị trường bất động sản lao dốc, hàng loạt công trình bị “đắp chiếu” do chủ đầu tư cạn kiệt nguồn tài chính, cả hai mảng hoạt động là xây lắp và kinh doanh bất động sản của Hòa Bình đều chịu ảnh hưởng.

Năm 2013, tỷ trọng doanh thu kinh doanh bất động sản của Hòa Bình giảm từ 32,4% xuống còn 23,9%; doanh thu hoạt động xây dựng chỉ bằng 84% mức thực hiện năm 2012, lợi nhuận chỉ bằng 20% năm 2012. Một số dự án Hòa Bình đang thi công bị đọng vốn, do chủ đầu tư mất khả năng chi trả. Với quan điểm “Cứu người cũng là cứu mình”, ông Hải cùng HĐQT Hòa Bình đã chọn giải pháp tích cực tìm đối tác giúp chủ đầu tư có nguồn tài chính để tiếp tục triển khai dự án. Có trường hợp, Hòa Bình mua luôn lại toàn bộ dự án và tiếp tục thi công. Cách làm này đã cho hiệu quả tốt. Hầu hết khách hàng của Công ty sau này đã trở thành những đối tác chiến lược của Hòa Bình.

Tinh tế trong xây dựng văn hóa kinh doanh

Ông Lê Viết Hải rất tâm đắc với cuốn sách “Tâm hồn cao thượng”, đặc biệt là quan niệm cho rằng, những giá trị tinh thần có ý nghĩa quyết định sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như tổ chức, doanh nghiệp. Không chỉ tâm đắc, ông Hải còn muốn hiện thực hóa tư tưởng này trong Hòa Bình Corp. Với ông, văn hóa doanh nghiệp hết sức quan trọng, nó giống như những giá trị đạo đức, tinh thần của một dân tộc chi phối rất lớn tới sự thành công trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chính vì vậy mà văn hóa doanh nghiệp tại Công ty Hòa Bình được thể hiện trong các kế hoạch kinh doanh, trong mỗi gói thầu xây dựng và giá trị cốt lõi của Công ty.

Giá trị cốt lõi giúp doanh nghiệp thành công và phát triển bền vững chỉ khi các thành viên trong doanh nghiệp sẵn sàng phục vụ khách hàng bằng tất cả niềm đam mê, lòng yêu nghề và thành tâm cống hiến cho xã hội, với tất cả tài năng và lòng nhiệt huyết của mình. Đó chính là tâm hồn cao thượng mà ông Lê Viết Hải cố gắng truyền đưa vào doanh nghiệp của mình.

“Với nhà thầu xây dựng thì mối quan hệ với thị trường bất động sản là “môi hở, răng lạnh”. Có những giai đoạn, lãi suất ngân hàng lên đến hơn 20%, thị trường bất động sản lao đao. Nếu tiếp tục kéo dài hơn, khó có doanh nghiệp nào đứng vững nổi. Tại những thời điểm khó khăn như vậy, Hòa Bình đã chủ động chia sẻ khó khăn với chủ đầu tư, với tinh thần cứu người cũng là cứu mình, đồng thời giải quyết các mâu thuẫn bằng sự thiện chí và lợi ích phù hợp với mỗi bên”, ông Lê Viết Hải chia sẻ.

Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình thành lập ngày 27/9/1987, tiền thân là Văn phòng Hòa Bình, bắt đầu hoạt động với việc thiết kế và thi công một số công trình nhà ở tư nhân.

Hòa Bình đã hoàn thành hơn 80 công trình xây dựng nhà cao tầng và đang triển khai gần 50 công trình trên cả nước. Năm 2006, Hòa Bình là nhà thầu tổng hợp đầu tiên niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Hòa Bình là doanh nghiệp duy nhất khu vực phía Nam được Chính phủ chọn tham gia “Chương trình thương hiệu quốc gia” và được vinh danh với nhiều giải thưởng cao quý trong nước cũng như quốc tế.

Trên thực tế, trong giai đoạn khó khăn, Hòa Bình còn mở rộng thị trường nước ngoài, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh tốt trong điều kiện thị trường xây dựng trong nước “đóng băng”. Điều này không những giúp Công ty mở rộng thị phần, mà còn có cơ hội để học hỏi kinh nghiệm nước ngoài, từ đó nâng cao năng lực, giúp bảo vệ thị phần trong nước.

Hiện nay, màu xanh của thương hiệu Hòa Bình đang hòa vào nhịp sống hối hả của chốn thị thành và cũng hiện diện tại những làng quê yên ả. Hòa Bình đã tự tin bước chân ra thị trường thế giới rộng lớn, như việc hợp tác với Tập đoàn UOA (Malaysia) trong Dự án Xây dựng Khu dân cư Le Yuan với 670 căn hộ - dự án nhà ở đầu tiên có bãi biển nhân tạo tại Thủ đô Kuala Lumpur.

Nha Trang

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…