Mỗi mùa xuân, các công đoàn và ban quản lý tại các công ty Nhật Bản lại tổ chức các cuộc đàm phán, được gọi trong tiếng Nhật là shunto, để ấn định mức lương hàng tháng trước khi bắt đầu năm tài chính vào tháng tư.
Và vào ngày thứ 4 vừa qua, các công ty sử dụng nhiều lao động nhất đã công bố mức tăng lương kỷ lục. Động thái này được cho là chỉ báo cho thấy Nhật Bản đang thoát khỏi tư duy giảm phát dẫn đến thời kỳ tăng trưởng kinh tế thấp kéo dài của đất nước được gọi là "những thập kỷ mất mát".
CAO NHẤT 31 NĂM
Một số công ty lớn nằm trong danh sách đáp ứng đầy đủ yêu cầu tăng lương của liên đoàn lao động Nhật Bản gồm có Toyota Motor, Hitachi và Panasonic Holdings…
Riêng Nippon Steel thậm chí đã vượt cả yêu cầu của công đoàn, tăng lương hàng tháng lên mức kỷ lục 35.000 yên (237 USD), tương đương mức tăng tới 14%. Nhà sản xuất thép này cho biết: "Điều cần thiết là phải giữ chân được những nhân tài đầy hứa hẹn và giúp tất cả nhân viên làm việc hiệu quả hơn".
Toyota không tiết lộ chi tiết về việc tăng lương nhưng cho biết họ sẽ đáp ứng đầy đủ yêu cầu của công đoàn. Liên đoàn Công nhân Toyota Motor đã yêu cầu một khoản tiền thưởng kỷ lục trị giá 7,6 tháng lương, với lý do dự báo lợi nhuận hoạt động hàng năm của công ty cao nhất mọi thời đại là 4,5 nghìn tỷ yên cho năm tài chính hiện tại. Công đoàn cũng đã đề xuất các yêu cầu cụ thể cho từng loại công việc, mức tăng lương hàng tháng lên tới 28.440 Yên.
Hitachi và Toshiba cho biết mức tăng lương của họ là lớn nhất kể từ khi các cuộc đàm phán như kể trên được áp dụng vào năm 1998.
Theo Hội đồng Công đoàn Thợ kim loại Nhật Bản (JCM), một liên minh của các công đoàn trong ngành sản xuất, 87,5% tổ chức thành viên có nhu cầu được đáp ứng đầy đủ hoặc thậm chí vượt.
Chủ tịch JCM Akihiro Kaneko cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ tư: “Chúng tôi tin rằng động thái này sẽ đóng vai trò là động lực có thể hiện thực hóa một chu kỳ phát triển trong nền kinh tế Nhật Bản”. Ông nói thêm rằng điều quan trọng là phải lan tỏa “xu hướng cực kỳ tích cực này” đến các công đoàn khác trong ngành và cả những tổ chức không có công đoàn.
Chỉ có khoảng 16% công nhân ở Nhật Bản là thành viên công đoàn, nhưng các nhà kinh tế đã theo dõi chặt chẽ các cuộc đàm phán trong năm nay như một dấu hiệu quan trọng cho thấy những thay đổi trong chính sách tiền tệ.
Lạm phát cơ bản đã ở mức 2% hoặc cao hơn trong gần hai năm, nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Kazuo Ueda đã nhấn mạnh rằng cần phải có một "chu kỳ lành mạnh" về tăng lương và giá cả để đạt được mục tiêu ổn định giá cả, điều này sẽ mang lại cho ngân hàng trung ương sự tự tin cần thiết để bắt đầu tăng lãi suất.
BOJ sẽ tổ chức cuộc họp chính sách tháng trong tuần này. Tuy nhiên, các nhà kinh tế đang có những ý kiến chia rẽ về việc liệu có thay đổi chính sách tiền tệ hay không, nhưng hầu hết đều đồng ý rằng sự thay đổi sẽ diễn ra không muộn hơn cuộc họp vào tháng tới.
Do lạm phát thấp hay giảm phát, trong ba thập kỷ qua, nhiều công ty Nhật Bản trước đây chỉ đưa ra mức tăng lương dựa trên thâm niên, gắn liền với số năm nhân viên đã làm việc tại công ty. Làn sóng tăng lương hiện nay mạnh mẽ hơn nhiều vì nhiều công ty cũng đang đưa ra cơ sở để tăng lương mới, bất kể tình trạng thâm niên.
Nguyên nhân tăng lương là do tình trạng thiếu lao động trầm trọng và lạm phát kéo dài. Đồng yên yếu thúc đẩy lợi nhuận của các công ty định hướng xuất khẩu cũng giúp các nhà tuyển dụng lớn dễ dàng cam kết tăng lương lớn hơn.
Hisashi Yamada, giáo sư quản lý nguồn nhân lực tại Trường Quản lý Đổi mới Kinh doanh cho biết: “Một số công ty đã đạt được thỏa thuận một cách nhanh chóng, điều đó cho thấy rằng họ đã có kế hoạch tăng lương. Xét cho cùng, tình trạng thiếu lao động đang trầm trọng đến mức sẽ khó thu hút được người lao động nếu không tăng lương”.
Trong cuộc đàm phán năm nay, các công đoàn lao động đang yêu cầu tăng lương trung bình 5,85%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1993, theo Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản (RENGO) - liên đoàn lao động lớn nhất nước này. Rengo sẽ công bố kết quả đàm phán đầu tiên vào thứ sáu.
Con số này cao hơn nhiều so với dự đoán của các nhà kinh tế, khiến đồng Yên tăng giá so với đồng USD trong những ngày gần đây trong bối cảnh có đồn đoán rằng BOJ sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm trong tháng này.
Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 2 của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản, dự báo trung bình của một nhóm các nhà kinh tế là shunto sẽ khiến lương tăng 3,88%.
Theo Rengo, năm ngoái, các công ty lớn đã đồng ý tăng lương 3,58%, mức tăng lớn nhất trong 30 năm. Tuy nhiên, việc tăng lương đã không theo kịp tốc độ tăng giá. Tiền lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát đã giảm trong 22 tháng liên tiếp cho đến tháng 1, làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng.
Chi tiêu hộ gia đình trong tháng 1 giảm 6,3% so với một năm trước đó, mức giảm lớn nhất trong gần 3 năm. Tiêu dùng cá nhân yếu kém đã là lực cản cho tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc liệu tăng lương có dẫn đến mức tiêu dùng mạnh hơn hay không và liệu xu hướng này có tiếp tục hay không.
Theo thống kê của chính phủ, mức tăng lương mùa xuân tại các công ty lớn đạt hai con số trong những năm 1960 và 1970 nhưng dao động quanh mức 1% đến 2% kể từ đầu những năm 2000.
Takeshi Niinami, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất đồ uống Suntory Holdings và Chủ tịch Hiệp hội các nhà điều hành doanh nghiệp Nhật Bản, hôm thứ ba cho biết ông kỳ vọng các công ty lớn sẽ tăng lương hơn 5% trong năm nay, điều mà ông cho rằng sẽ giúp tăng trưởng lương thực tế chuyển biến tích cực “vào khoảng tháng 5 hoặc tháng sáu".
Niinami cho biết: “Với việc tiền thưởng sắp được chi trả vào tháng 7, sẽ có nhiều tin tức tích cực hơn về tiêu dùng” khi bước vào mùa hè.
Chúng tôi tin rằng động thái này sẽ đóng vai trò là động lực có thể hiện thực hóa một chu kỳ phát triển trong nền kinh tế Nhật Bản
Nhưng Toshihiro Nagahama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life cho biết mức tăng lương cơ bản sẽ được bù đắp một phần nhờ nỗ lực của công ty trong việc giảm thời gian làm thêm giờ.
Ông lưu ý: “Sẽ có thêm những hạn chế về giờ làm việc đối với một số công việc nhất định như tài xế xe tải”, đề cập đến luật mới giới hạn giờ làm thêm có hiệu lực vào tháng tư. “Tôi nghi ngờ liệu tiền lương danh nghĩa có thể vượt lạm phát trong ngắn hạn hay không”.
Marcel Thieliant, chuyên gia kinh tế cấp cao về Nhật Bản tại Capital Economics kỳ vọng năm nay sẽ đánh dấu “mức tăng lương cao nhất”.
Ông nói: “Lạm phát năm nay gần như chắc chắn sẽ thấp hơn năm ngoái, vì vậy Rengo sẽ khó có thể biện minh cho một đợt tăng lương lớn như năm nay trong năm tới”.
Kết quả đàm phán do công đoàn chủ trì chỉ phản ánh tâm lý của các doanh nghiệp lớn, mà trọng tâm sẽ là liệu việc tăng lương có lan sang các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đang phải vật lộn với giá cả tăng cao và khó khăn về nhân sự hay không.
Một cuộc khảo sát của chính phủ đối với các công ty này vào năm ngoái cho thấy họ chỉ có thể chuyển 46% chi phí tăng thêm cho khách hàng.
NHÂN VIÊN "TRỌN ĐỜI"
Hãng tin CNN nhận định một yếu tố lớn khiến các doanh nghiệp Nhật Bản nổi tiếng “lười” tăng lương là bởi văn hóa làm việc trọn đời cho 1 tổ chức. Công ty sẽ chăm lo hết mức có thể cho nhân viên, hạn chế sa thải, nhấn mạnh vào sự trung thành với doanh nghiệp để người lao động phục vụ trọn đời cho tổ chức. Thế nhưng đi kèm với những ưu đãi này là một mức lương vừa phải.
Chiến lược không tăng lương trong thời điểm công ty làm ăn tốt này để có thể bảo vệ lao động, hạn chế sa thải khi có khó khăn thường được áp dụng khá phổ biến ở Nhật Bản.
“Họ không muốn đuổi việc nhân viên nên cần tích trữ lợi nhuận để có thể trả lương lao động trong thời buổi khó khăn”, chuyên gia Angrick của Moody nhận định.
Với cơ chế trả lương dựa trên thâm niên thay vì kết quả công việc như vậy thì lao động Nhật không muốn chuyển việc nhiều vì họ sẽ phải bắt đầu lại, nhưng năng suất làm việc cũng vì thế mà không thực sự cao. Đây là điều khác biệt hoàn toàn so với những nền kinh tế phát triển như Mỹ, khi mức lương dựa trên năng lực và thành tích.
“Vấn đề lớn nhất của thị trường lao động Nhật Bản là sự cố chấp trong văn hóa trả lương theo thâm niên. Nếu tính thu nhập theo thành tích thì chắc chắn sẽ có nhiều người nhảy việc và mức lương cũng sẽ đi lên”, nhà đầu tư nổi tiếng Jesper Koll tại Nhật Bản nói với CNN.