Kế hoạch thúc đẩy người dân Nhật Bản - những người tích trữ tiền mặt “tận tâm” nhất thế giới - chuyển sang sử dụng phương pháp thanh toán điện tử của Thủ tướng Shinzo Abe đang dần có tiến triển, nhưng vẫn chưa đạt được thành công như dự tính ban đầu. Bởi, những người cao tuổi - chiếm phần lớn dân số Nhật Bản - đều e dè với sự thay đổi này, khiến Nhật Bản - vốn là một trong những quốc gia đi đầu về công nghệ lại chậm hơn so với các nước láng giềng trong việc áp dụng thanh toán và tiền điện tử.
Tokyo mong muốn tăng gấp đôi tỷ lệ các khu định cư không sử dụng tiền mặt lên 40% vào năm 2025 và sau đó là 80% nhằm thúc đẩy năng suất lao động. Việc chuyển đổi sang giao dịch kỹ thuật số sẽ giúp nước này đối phó với việc giảm thiểu dân số và thị trường lao động bị thu hẹp. Thanh toán điện tử cũng sẽ cho phép các cửa hàng tự động hoá các bước mua-bán hàng và ngân hàng sẽ cắt giảm được những chiếc máy rút tiền ATM tốn kém. Người tiêu dùng tại Nhật Bản gần đây đã được chính phủ khuyến khích sử dụng tiền điện tử với những ưu đãi hoàn tiền, tích điểm thưởng hấp dẫn.
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định đưa ra khoản trợ cấp gần 3 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang hình thức thanh toán điện tử mới này.
Các công ty công nghệ lớn đã mở rộng nhiều chiến dịch quảng cáo và ưu đãi để thúc đẩy các hệ thống thanh toán tiền điện tử của họ như SoftBank Group Corp, Yahoo Japan Corp, Mercari và LINE Corp. Một số đã đạt được thành công nhất định, ứng dụng QR Paypay do SoftBank và Yahoo Japan đồng sở hữu đã chứng kiến số người dùng tăng thêm 5 triệu tài khoản kể từ tháng 8. Công ty đường sắt Đông Nhật Bản cũng thấy được dấu hiệu tích cực trong hệ thống thanh toán điện tử của mình. Ông Tomoyuki Soyama, phó tổng giám đốc phụ trách phát triển kinh doanh của hãng cho biết: “Khách hàng nhận được sự thuận tiện trong thanh toán cùng 1 số ưu đãi, còn chúng tôi nhận được phần nào phần trăm phí đồng thời giảm thiểu chi phí in ấn vé tàu. Đây là một trong những tình huống đôi bên cùng có lợi.”
Chi phí trực tiếp liên quan đến giao dịch tiền mặt, bao gồm lao động tại quầy thanh toán lên tới khoảng 73,60 tỷ USD mỗi năm, theo ước tính của Tập đoàn Tài chính Mizuho. Việc sử dụng thanh toán điện tử sẽ giúp giảm đáng kể những khoản phí khổng lồ như vậy.
Satoshi Kumagai, phó chủ tịch cấp cao phụ trách dịch vụ tài chính và kinh doanh kỹ thuật số tại nhà điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson Inc, cho biết tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng 25% kể từ tháng 10. “Đây được coi là một phương pháp lý tưởng đối với sự thuận tiện cho khách hàng và giải quyết vấn đề thiếu lao động của công ty. Nhưng mặt khác, chúng tôi cũng cần phải tìm cách để giúp đỡ những khách hàng lớn tuổi đã quen với việc sử dụng tiền mặt.”
Thói quen sử dụng tiền mặt của người Nhật
Các hộ gia đình tại Nhật Bản giữ một nửa tài sản của họ bằng tiền mặt hoặc tiền gửi ngân hàng. Tỷ lệ đó lại càng cao hơn đối với người cao tuổi, bởi họ luôn quan niệm rằng sử dụng tiền mặt sẽ giúp chúng ta tránh chi tiêu lãng phí. Một người phụ nữ 65 tuổi tại Tokyo khi được hỏi về việc này, đã nói: “Tất cả chúng ta đều thích tiền mặt chứ nhỉ? Tôi không quan tâm đến mấy ứng dụng thanh toán công nghệ cao này. Bản thân tôi thấy không thoải mái với nó bởi sẽ quá rắc rối khi tôi làm mất hoặc để quên điện thoại. Nó cũng sẽ không mang đến cảm giác kiểm soát chi tiêu so với việc rút và đếm tiền ra từ ví của mình.”
Nhiều doanh nghiệp nhỏ tại Nhật Bản cũng đang phải vật lộn với sự thay đổi trong hình thức thanh toán mới này. Rất nhiều cửa hàng tạp hoá nhỏ của người dân dựa vào thu nhập tiền mặt hàng ngày để hoạt động, vì vậy họ không thể phụ thuộc vào những khoản thu (receivable) quá nhiều. Chưa đến một nửa trong số 2 triệu doanh nghiệp nhỏ tại đây có đủ điều kiện để nhận trợ cấp của chính phủ đối với thay đổi phương thức thanh toán, trong khi chi phí giới thiệu máy móc và phí giao dịch vẫn còn khá cao.
Với tỷ lệ tội phạm thấp, lãi suất ngân hàng không cao và mạng lưới ATM phủ sóng khắp nơi, tiền mặt từ lâu đã vốn quá "hấp dẫn" và thuận tiện đối với người dân Nhật Bản. Nhưng xu hướng này đang dần thay đổi khi các ngân hàng thương mại hợp nhất nhiều địa điểm ATM của họ vào một, làm giảm khả năng tiếp cận tiền mặt của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để thuyết phục nhóm người cao tuổi, chiếm gần 1/3 dân số thay đổi thói quen của họ không phải là một việc dễ dàng.
Mitsuo Kotake, chủ sở hữu 70 tuổi của một hàng hoa nhỏ, cho biết ông vừa mới cung cấp hình thức thanh toán bằng PayPay cho khách hàng vào ba tháng trước. Nhưng việc nhập mã PIN và thiết lập ứng dụng trên điện thoại thông minh là khá khó hiểu đối với phần đông khách hàng đến với ông, bởi hầu hết trong số họ là người cao niên đến mua hoa khi đi thăm mộ người thân.
“Đây là một dịch vụ dễ dàng đối với những người trẻ, nhưng người cao tuổi như chúng tôi lại không quen với nó. Bản thân tôi cũng không sử dụng những dịch vụ điện tử này. Tiền mặt vẫn là nhanh nhất,” ông Kotake chia sẻ.
Nguồn: Reuters