Những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến xu hướng ngày càng tăng trong các chương trình đầu tư “hộ chiếu vàng” và “thị thực vàng”, nhằm thu hút đầu tư bằng cách cấp cho nhà đầu tư quyền công dân hoặc quyền cư trú. Đảo Síp, Malta và Bulgaria là những quốc gia có lượng đầu tư “hộ chiếu vàng” cao nhất thế giới. Tuy nhiên, những chương trình đầu tư và chấp thuận hộ chiếu như vậy đã làm dấy lên lo ngại về một số rủi ro cố hữu, đặc biệt là liên quan đến an ninh quốc gia, rửa tiền, trốn thuế và tham nhũng.
Những kẻ lừa đảo bị kết án, rửa tiền và thậm chí những nhân vật chính trị bị cáo buộc tham nhũng là một trong số hàng chục người từ hơn 70 quốc gia đã mua cái-được-gọi-là “hộ chiếu vàng” từ đảo Síp, dựa trên những tài liệu rò rỉ mà Đơn vị Điều tra của Al Jazeera thu được.
"Hồ sơ Síp" là vụ rò rỉ hơn 1.400 hồ sơ xin hộ chiếu đã được chính phủ đảo quốc này phê duyệt từ năm 2017 đến 2019, đặt ra câu hỏi lớn về “bức màn” thực sự đằng sau Chương trình Đầu tư Đảo Síp.
Hộ chiếu từ Cộng hoà Síp có thể rất quan trọng đối với các cá nhân từ những quốc gia bị hạn chế tiếp cận châu Âu, vì đảo Síp là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và hộ chiếu sẽ cho phép người sở hữu nó có quyền đi lại, làm việc và sử dụng dịch vụ ngân hàng miễn phí ở tất cả 27 quốc gia thành viên.
Trong những ngày tới, Al Jazeera sẽ tiết lộ danh tính của hàng chục người đã nhập quốc tịch Síp, những người mà theo quy định riêng của đất nước, trong nhiều trường hợp, lẽ ra không được cấp hộ chiếu.
Để xin hộ chiếu Síp, người nộp đơn phải đầu tư ít nhất 2,5 triệu USD vào nền kinh tế Síp (thường thông qua cách mua bất động sản) và không có tiền án tiền sự. Tuy nhiên, người nộp đơn lại chỉ phải tự cung cấp bằng chứng về điều kiện của mình và mặc dù Síp tuyên bố sẽ kiểm tra lý lịch của người nộp đơn, nhưng các tài liệu mà Al Jazeera thu thập được lại cho thấy điều này không phải lúc nào cũng được thực hiện.
Kể từ khi bắt đầu vào năm 2013, chương trình xin hộ chiếu của Síp đã liên tục bị nhận chỉ trích từ EU và kêu gọi đóng cửa chương trình này. “Đó là một chương trình dành cho những kẻ có liên quan đến tiền bẩn đến từ nước ngoài,” ông Sven Giegold của Đức, một nhà phê bình nói với Al Jazeera. “Bạn có thể mở tài khoản ngân hàng, các mối quan hệ kinh doanh mà không bị yêu cầu thị thực, không bị hỏi nhiều và dễ dàng tiếp cận tới mọi nơi để du lịch hơn là nếu bạn chỉ sở hữu hộ chiếu Nga, Trung Quốc hay một số quốc gia khác.” Tuy nhiên, chương trình cấp hộ chiếu đã giúp đảo Síp kiếm về 8 tỷ USD, được sử dụng để duy trì nền kinh tế đang rơi vào bế tắc.
Từ năm 2017 đến 2019, các quốc gia có số người nộp đơn xin hộ chiếu đảo Síp cao nhất là Nga, Trung Quốc và Ukraine. Trong số các đơn xin mà Al Jazeera phát hiện được có nhà tài phiệt Ukraine Mykola Zlochevsky, chủ sở hữu công ty năng lượng khổng lồ Burisma. Khi ông Zlochevsky mua hộ chiếu Síp vào năm 2017, ông đang bị điều tra vì tội tham nhũng ở quê nhà. Vào tháng 6/2020, các công tố viên Ukraine cho biết họ đã được đề nghị cung cấp cho 6 triệu USD tiền mặt để huỷ bỏ cuộc điều tra. Zlochevsky và Burisma phủ nhận mọi thông tin về khoản hối lộ.
Một trường hợp tương tự đến từ Nikolay Gornovskiy, quốc tịch Nga, cựu giám đốc của tập đoàn năng lượng quốc doanh khổng lồ Gazprom. Gornovskiy đã nằm trong danh sách truy nã của Nga vì lạm quyền khi chính phủ đảo Síp phê duyệt hộ chiếu vào năm 2019 và cho đến nay đã ngăn cản mọi nỗ lực dẫn độ của Nga.
Nhiều đơn xin khác thậm chí được chấp thuận ngay cả sau khi người nộp đã bị bắt và ngồi tù. Ali Begov, quốc tịch Nga, đã mua hộ chiếu của mình mặc dù đang thụ án vì tội tống tiền, điều đáng lẽ không thể nào được phê duyệt theo quy định của chính Cộng hoà Síp.
Doanh nhân Trung Quốc Zhang Keqiang cũng nhận được hộ chiếu Síp khi đang ngồi tù vì một thương vụ lừa đảo cổ phần.
Tại Việt Nam, hồ sơ của một doanh tên tuổi cũng được phê duyệt chỉ một tháng sau khi ông bị buộc tội hối lộ hàng triệu USD. Một trường hợp khác là ông Phạm Phú Quốc, một chính trị gia.
Theo Laure Brillaud, cán bộ chính sách cao cấp của Tổ chức Minh bạch Quốc tế - một tổ chức phi chính phủ tập trung chống tham nhũng quốc tế - cho biết “những kết quả này thật đáng lo ngại nhưng cũng không quá ngạc nhiên”. “Những chương trình kiểu này sẵn sàng chịu rủi ro về rửa tiền, tham nhũng và trốn thuế. Chúng vốn được thiết kế ra để thu hút những kẻ đang tìm cách đến EU một cách nhanh chóng.”
Quy định chặt chẽ hơn
Vào tháng 5/2019, Síp đã đưa ra các quy định cứng rắn hơn về điều kiện xin nhập quốc tích, cấm bất kỳ ai đang bị điều tra, truy nã, kết án hoặc chịu các lệnh trừng phạt quốc tế. Các nghị sĩ đảo Síp mới đây cũng thông qua một đạo luật cho phép nước này tước bỏ quyền công dân của những cá nhân vi phạm sau một số vụ bê bối liên quan đến các nhà đầu tư “hộ chiếu vàng” khét tiếng, nhưng các chính trị gia lại bỏ phiếu phản đối bất kỳ động thái nào công bố tên của những người mua quốc tịch Síp.
Đảo Síp đang xem xét lại tất cả các đơn đăng ký trước đây và thông báo khoảng 30 người giấu tên phải đối mặt với việc mất quyền công dân, nhưng theo "Hồ sơ Síp" thì có thể nhiều người khác không chịu bất kỳ ảnh hưởng gì bởi luật mới - áp dụng cho bất kỳ ai phạm tội nghiêm trọng, bị Interpol truy nã hoặc bị áp lệnh trừng phạt trong vòng 10 năm sau khi mua hộ chiếu.
Trả lời câu hỏi của Al Jazeera, thành viên Quốc hội Síp Eleni Mavrov nói: “Cách chương trình nhập quốc tịch được thực hiện trong vài năm qua rõ ràng là một thủ tục cho phép những trường hợp đáng lo ngại, điều mà Cộng hoà Síp cần phải tự cảm thấy xấu hổ.”
“Tôi tin rằng các quy định mới sẽ không để lại chỗ cho các hành vi chơi xấu hoặc vượt qua ranh giới mà một quốc gia nên tôn trọng.”
Theo tài liệu từ Uỷ ban Châu Âu cho biết, Uỷ ban sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp quản trị nghiêm khắc hơn, thành lập một nhóm chuyên gia nhằm đảm bảo tính minh bạch, ngăn ngừa nguy cơ xâm nhập của các nhóm tội phạm có tổ chức ngoài EU và giải quyết các vấn đề về quản trị, an ninh.
Tổng hợp
Nguồn: Al Jazeera