Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (12/7). Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 86,01 điểm, tương đương tăng 0,25%, chốt ở 34.347,43 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,74%, đạt 4.472,16 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,15%, đạt 13.918,96 điểm.
Cổ phiếu ngân hàng đã nhảy vọt trong phiên. Trong đó, cổ phiếu của Citigroup và Goldman Sachs lần lượt nhích 1,8% và 1,7%. Các ngân hàng khu vực cũng đi lên, trong đó Comerica tăng 3,1% và Zions Bancorporation đi lên 2,8%.
Diễn biến tăng giá chủ yếu được kích thích bởi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) yếu hơn dự báo - nhân tố giúp xoa dịu nỗi lo rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể phải gây ra một cuộc suy thoái mới có thể khống chế được lạm phát. Hy vọng khấp khởi về việc Fed sắp dừng hẳn việc tăng lãi suất cũng giúp giá dầu thô vượt qua ngưỡng 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 5.
Cụ thể, theo số liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ vừa công bố, chỉ số CPI tháng 6 của quốc gia này tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Nếu so sánh với tháng trước, chỉ số này đã tăng 0,2%. Như vậy, cả hai mức tăng đều thấp hơn dự báo của các chuyên gia lần lượt là 3,1% và 0,3%.
Lạm phát cơ bản (không tính giá nhiên liệu và lương thực thường xuyên biến động) tăng 4,8%, chậm nhất kể từ cuối năm 2021. So với tháng trước đó, chi phí này chỉ tăng 0,2%. Trong đó, chi phí nhà ở chiếm 70% mức tăng trong tháng 6.
Đáng chú ý, một chỉ số theo dõi giá thuê nhà cũng ghi nhận mức tăng thấp nhất kể từ năm 2021. Nhiều nhà kinh tế học dự báo giá nhà tiếp tục hạ nhiệt trong vài tháng tới.
Theo chuyên gia Tom Lee của Fundstrat, với báo cáo lạm phát mới nhất, kỳ vọng về sự nới lỏng của Fed trong tương lai, và diễn biến thị trường chứng khoán gần đây vẽ nên một bức tranh rằng thị trường đang hành xử nghiêng về một kịch bản hạ cánh mềm cho nền kinh tế, điều mà nhiều người ở thời điểm đầu năm 2023 đã cho là không thể đạt được.
“Tôi nghĩ là Fed có vẻ đã bắt đầu chấp nhận rằng áp lực lạm phát đang dịu đi, nên họ có thể giảm bớt ý tưởng về giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, hoặc chí ít là thị trường cũng bắt đầu phản ánh điều đó vào giá các tài sản. Đây chưa phải là một sự đảm bảo, nhưng chúng tôi tin câu chuyện đi theo hướng như vậy”, ông Lee nhận định.
Hiện công cụ FedWatch của CME Group cho thấy, thị trường đang kỳ vọng Fed tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 7, xác suất lên tới 94,2%. Tuy nhiên, dữ liệu lạm phát khả quan đã khiến thị trường bớt chắc chắn vào kết quả cuộc họp tháng 9.
Hiện tại, xác suất Fed nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 9 đã giảm xuống chỉ còn 13,2%, từ mức 22,3% của ngày 11/7 và 18,1% một tuần trước.
Về thị trường dầu mỏ, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,71 USD/thùng, tương đương tăng 0,9%, chốt ở 80,11 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 0,92 USD/thùng, tương đương tăng 1,2%, đạt 75,75 USD/thùng.
Ngoài số liệu lạm phát yếu, giá dầu còn được hỗ trợ bởi dự báo về sự thắt chặt của nguồn cung dầu.
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều dự báo thị trường dầu sẽ thắt chặt sang năm 2024. IEA nhận định nguồn cung dầu sẽ siết lại từ nửa sau của năm nay do nhu cầu mạnh của Trung Quốc và các nước đang phát triển, cộng thêm nỗ lực cắt giảm sản lượng của các nước sản xuất dầu lớn.