Nữ doanh nhân Đỗ Thị Ánh Nguyệt: “Lạc quan giúp tôi vượt qua khó khăn một cách nhẹ nhàng”

Nhận được bài học quý giá sau khi khởi nghiệp không thành công trong lĩnh vực ăn uống, Đỗ Thị Ánh Nguyệt quyết định dồn sức vào Công ty Tư vấn Đầu tư Toàn cầu Ana (ANA Immigration) với lĩnh vực chính là “tư vấn đầu tư, định cư”. Chia sẻ với Thương Gia, nữ doanh nhân trẻ thừa nhận: Kinh doanh chưa bao giờ là dễ dàng nhưng nhờ tinh thần lạc quan, chị đã truyền cảm hứng, cùng các cộng sự đưa Ana Global vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.

“Thành lập năm 2015, trong hơn 8 năm qua, ANA Immigration đã tư vấn định cư, đầu tư cho hơn 2.300 khách hàng, hơn 2.500 visa đã trao tay, gần 50 gia đình có thị thực định cư và quốc tịch…”, nữ doanh nhân Đỗ Thị Ánh Nguyệt hào hứng chia sẻ và cho biết đang ấp ủ nhiều kế hoạch mới với ANA Immigration.

Ana Global
Nữ doanh nhân Đỗ Thị Ánh Nguyệt - Tổng giám đốc ANA Immigration

- Xin chúc mừng những thành công của ANA Immigration! Chị có thể chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình, vì sao lại chọn lĩnh vực tư vấn đầu tư, định cư để phát triển?

Là một người luôn muốn làm chủ cuộc sống và công việc, tôi đã ấp ủ dự định khởi nghiệp ngay từ khi còn là sinh viên. Sau tốt nghiệp ngành tài chính, trải qua một số công việc, tôi nhận thấy mình cần học hỏi thêm nên đã sang Pháp du học. Tôi luôn tự nhủ, mình sẽ phải khởi nghiệp để làm chủ công việc của mình.

Vì vậy, sau khi về nước, năm 2015, tôi quyết định thành lập ANA Immigration, song song đó cũng mở thêm một nhà hàng kinh doanh ăn uống, vừa để thử sức, vừa trải nghiệm thêm xem ngành nào là phù hợp với mình. Do chưa có kinh nghiệm, cách thức nhìn nhận thị trường cũng như việc quản lý con người nên nhà hàng đã phải đóng cửa sau chưa đầy 1 năm. Thất bại tất nhiên chẳng vui vẻ gì nhưng nhờ đó, tôi nhận được nhiều bài học, thấy được vai trò cực kỳ quan trọng của “sale – marketing” và bắt đầu dồn sức cho ANA Immigration.

Cũng cần nói thêm là ý tưởng ban đầu của tôi khi thành lập công ty cũng không quá phức tạp. Bởi trong quá trình học tập và làm việc cả trong lẫn ngoài nước, tôi nhận ra nhiều người Việt có mong muốn định cư và phát triển ở các nước như Mỹ, Úc, Canada…

Tuy nhiên, tại Việt Nam thời điểm này chưa có nhiều doanh nghiệp hỗ trợ tốt các nhu cầu định cư, làm việc cũng như giải đáp những thắc mắc của mọi người về hình thức định cư và quy trình xin visa. Do đó mà tôi chọn lĩnh vực này để phát triển với mong muốn mở ra những cơ hội và điều kiện tốt đáp ứng tối đa nhu cầu được làm việc và sinh sống tại nước ngoài của khách hàng.

- Chị đánh giá thế nào về xu hướng định cư tại nước ngoài của người Việt trong thời gian qua?

Việt Nam là một trong những nước đứng ở top đầu về số lượng người định cư ở nước ngoài. Trong đó, năm 1990 – 2015, Tổ chức Di cư quốc tế đã thống kê và rà soát thấy rằng có hơn 2,5 triệu người Việt sang nước ngoài định cư. Nếu tính theo mỗi năm thì số lượng người Việt chuyển đi định cư ở nước ngoài dao động khoảng 100.000 người. Như vậy, có thể thấy nhu cầu định cư nước ngoài của người Việt là rất lớn. Đặc biệt, khoảng 5 năm gần đây tăng mạnh ở các nước như: Mỹ, Canada, Úc, Hy Lạp, Hàn Quốc, Đức, Bồ Đào Nha, Nhật Bản…

Ana Global
Nữ doanh nhân Đỗ Thị Ánh Nguyệt cùng các cộng sự tại Tòa nhà Đức (Deutsches Haus), quận 1, TP.HCM. ANA Immigration cũng là thành viên của Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA)

- Liệu có gì đó “không ổn” khi ngày càng nhiều người Việt muốn ra nước ngoài định cư, thưa chị?

Tất nhiên là không. Việc ra nước ngoài định cư là một nhu cầu và cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho cá nhân và đất nước. Trước hết, với cá nhân, khi ra nước ngoài định cư, người Việt sẽ được sống tại các nước có nền kinh tế phát triển, chất lượng sống tốt hơn, mở ra nhiều cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp, phát triển kinh tế cho bản thân và gia đình. Từ đó, cũng sẽ có cơ hội để đóng góp, cống hiến trở lại cho đất nước, không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà còn ở nhiều mặt khác.

Bằng chứng là thời gian qua, cộng đồng người Việt tại nước ngoài đã chuyển về nước hàng chục tỷ USD kiều hối mỗi năm. Nhiều người Việt đã quay về quê hương triển khai nhiều hoạt động, rót vốn đầu tư vào nhiều dự án rất hiệu quả… Tôi tin là khi cộng đồng người Việt ở nước ngoài càng mạnh thì sẽ càng đóng góp nhiều cho đất nước.

- Sau nhiều làm việc, chị thấy người Việt gặp phải những khó khăn, thách thức gì khi đầu tư, định cư ở nước ngoài?

- Khó khăn lớn nhất là rào cản về ngôn ngữ, đó là chìa khóa để kết nối, hòa nhập nhanh chóng hơn. Đây là điều mà những người muốn định cư nước ngoài cần hết sức lưu ý trau dồi tốt khả năng ngoại ngữ trước khi đi. Việc lựa chọn định cư tại các quốc gia nói tiếng Anh cũng sẽ giúp rút ngắn được khoảng cách hơn so với các quốc gia sử dụng các ngôn ngữ khác.

Khó khăn thứ hai là “sốc văn hóa”, đến từ sự khác biệt về phong cách sống, khoảng cách địa lý, cách cư xử của những người xung quanh hay khác biệt về thời tiết, món ăn, ngôn ngữ… Nhưng những cảm giác đó chỉ là tạm thời, theo thời gian, khi dần quen với môi trường mới, cảm giác này sẽ biến mất một cách tự nhiên. Ở khía cạnh này, tôi thường khuyên khách hàng của mình hãy mang theo vài thứ quen thuộc ở quê nhà, nó không chỉ giúp vơi bớt cảm giác nhớ nhà mà còn tạo ấn tượng tốt với người địa phương khi bạn chia sẻ với họ.

Thêm nữa là sự khác biệt về luật pháp - chính trị. Khi chuyển đến sinh sống tại một đất nước hoàn toàn mới, với một nền chính trị và luật pháp khác biệt sẽ khiến không ít người băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, các nước phát triển thường có hệ thống luật pháp chặt chẽ và nghiêm minh để bảo vệ quyền lợi của tất cả công dân. Việc học hỏi về pháp luật của quốc gia định cư sẽ không quá khó khăn, đặc biệt khi được hỗ trợ, chia sẻ các thông tin về pháp luật cơ bản hàng ngày bởi cộng đồng người Việt.

Một điểm chung của nhiều người khi đi định cư là họ chỉ đi làm rồi về nhà nghỉ ngơi. Thế nhưng, để hòa nhập tốt vào cộng đồng dân cư mới, hãy dùng thời gian rảnh khám phá các khu phố, quán ăn, quán cà phê hay đường phố và phương tiện di chuyển ở nơi mình sống. Điều đó sẽ giúp cho mọi thứ dần trở nên thân thuộc như là một ngôi nhà của mình vậy.

Ana Global
ANA Immigration luôn hướng đến chất lượng dịch vụ 5 sao đối với khách hàng

- Hiện tại, thị trường chính của ANA Immigration là những quốc gia nào, thưa chị?

Hiện nay, ANA Immigration vẫn đang tập trung phát triển mạnh về mảng đầu tư - tư vấn ở Canada. Tuy nhiên, tôi không chỉ muốn ANA Immigration dừng lại ở việc giúp mọi người định cư ở Canada mà sẽ mở rộng ra cánh cửa định cư ở khắp mọi miền trên thế giới như Mỹ và các nước châu Âu.

- Đâu là giá trị cốt lõi mà chị theo đuổi khi thành lập và phát triển ANA Immigration?

Khi bắt đầu dấn thân vào ngành dịch vụ này cho tới nay, đối với tôi, ANA Immigration luôn xác định và theo đuổi một giá trị cốt lõi, không thay đổi cho dù có ra sao, đó chính là “sự thành công của khách hàng”.

Việc giúp khách hàng định cư thành công hay đầu tư dự án thành công là một niềm vui, một niềm vinh hạnh đối với ANA Immigration khi được đồng hành cùng khách hàng trên con đường thực hiện hóa giấc mơ. Và qua đó chứng minh sự cam kết chất lượng dịch vụ khách hàng 5 sao mà Ana xây dựng những năm qua.

- Trong kinh doanh, triết lý nào chị cảm thấy tâm đắc nhất? Chị đã áp dụng triết lý này vào quản trị, điều hành ANA Immigration như thế nào?

Nói triết lý thì to tát quá nhưng tôi luôn chú trọng đến 5 yếu tố khi điều hành ANA Immigration. Yếu tố thứ nhất là con người. Đã làm doanh nghiệp thì ai cũng biết, con người là quan trọng nhất nhưng cũng là khó nhất bởi con người luôn biến động, có cảm xúc vui buồn, năng lực, tính cách khác nhau.

Tôi đã từng thất bại khi xây dựng đội ngũ nên khi điều hành ANA Immigration, tôi đặt nhân viên của mình lên hàng đầu nhưng có cơ chế vận hành đồng bộ, thưởng phạt phân minh, có kỷ luật, văn hóa chung, tạo ra môi trường làm việc thoải mái nhất, truyền cảm hứng để mỗi nhân viên có thể phát huy giá trị vượt trội của bản thân, có thể bung hết 100% sức lực của mình, mang tới những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Khi khách hàng hài lòng thì thành quả mang lại sẽ rất xứng đáng.

Yếu tố thứ hai là vai trò của người chủ doanh nghiệp. Tôi cho rằng đã là chủ doanh nghiệp thì phải luôn nhất quán, nỗ lực, không cho phép bị ngã, dù sóng to gió lớn cỡ nào thì vẫn phải đương đầu, dẫn dắt đội ngũ, lèo lái con thuyền.

Và đặc biệt là mình không được phép đổ lỗi cho bất kỳ hoàn cảnh, con người nào, ngay cả nhân sự của mình cũng không nên đổ lỗi, thay vào đó bản thân luôn phải nỗ lực tìm tòi, học hỏi, thay đổi. Chỉ như vậy, đội ngũ của mình mới đồng lòng, yên tâm cống hiến. Tôi cũng luôn đồng hành cùng nhân viên trong mọi hoàn cảnh. Khi gặp những ca tư vấn khó khăn, tôi luôn sẵn sàng có mặt giúp đỡ nhân viên để cùng nhau mang hết giá trị tốt nhất tới khách hàng.

Yếu tố thứ ba là các cổ đông, đối tác chiến lược. Khi doanh nghiệp lớn lên thì rất cần các cổ đông, đối tác chiến lược để tạo ra hệ thống vững mạnh và có thể đi cùng nhau xa hơn.

Yếu tố thứ tư rất quan trọng là giá trị mà mình mang lại cho khách hàng. Đây là giá trị cốt lỗi của bất kỳ doanh nghiệp nào bởi nếu mình có một đội ngũ tuyệt vời, những đối tác tuyệt vời nhưng không mang lại giá trị gì cho khách hàng thì cũng không thể nào phát triển được. Chính những giá trị mà mình mang tới cho khách hàng sẽ là thứ giúp cho đội ngũ nhân sự vững niềm tin, có động lực để chiến đấu.

Yếu tố thứ năm là các giá trị mang lại cho cộng đồng. Tuy còn khá khiêm tốn nhưng Ana Glabal luôn chú trọng giá trị này bằng các hoạt động kết nối cộng đồng, có thể tự làm hoặc thông qua các tổ chức như BNI, GBA…

Ana Global
Nữ doanh nhân Đỗ Thị Ánh Nguyệt luôn đón nhận mọi thứ với tinh thần lạc quan nhất. Tinh thần lạc quan đã giúp chị tìm thấy điểm cân bằng cả trong kinh doanh và cuộc sống

- Khi đối diện với áp lực, chị thường làm gì?

Tôi nỗ lực, tự tạo ra động lực cho mình để vượt lên. Tôi xác định, khi đã làm kinh doanh thì khó khăn là chuyện bình thường, nhất là trong lĩnh vực tư vấn đầu tư định cư, phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của nước sở tại. Một chính sách thay đổi, mình có thể mất cả một thị trường. Tuy nhiên, tôi luôn đón nhận với một tinh thần lạc quan, tích cực nhất. Chính sự lạc quan đã giúp tôi vượt qua khó khăn một cách nhẹ nhàng hơn.

Tinh thần lạc quan đã giúp tôi cân bằng cả trong kinh doanh và cuộc sống. Dù bận rộn đến đâu, tôi cũng luôn dành thời gian để chăm sóc bản thân, gia đình và quan tâm đến bạn bè. Tôi cũng lựa chọn thiền định mỗi buổi sáng để tịnh tâm, tìm điểm căn bằng cho chính mình.

Tôi cũng có một quan niệm sống khá đơn giản, đó là mang sự yêu thương của mình tới những người mình yêu quý nhất cũng như tới xã hội. Tôi luôn tin rằng trong xã hội dù như thế nào thì chỉ cần có sự cho đi thì chúng ta luôn luôn được nhận lại một điều tốt đẹp nào đó.

Khi bạn đến một độ tuổi nhất định hoặc bôn ba làm việc qua nhiều năm, bạn sẽ nhận ra sự yêu thương rất quan trọng và lớn lao. Và khi sự yêu thương đủ lớn thì tâm hồn lẫn thể xác của bạn sẽ rất vui vẻ và hạnh phúc!

- Xin cảm ơn và chúc chị thành công.

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…