Ông Donald J. Trump đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 47 của Mỹ vào ngày 20/1/2025 và trở thành người thứ hai trong lịch sử được bầu chọn để phục vụ hai nhiệm kỳ không liên tiếp.
Ngay sau khi tuyên thệ, ông Donald Trump đã đặt bút ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp quan trọng, trước sự chứng kiến của khoảng 20.000 người ủng hộ tại Capital One Arena ở Washington.
Sau buổi lễ, ông đã trở về Phòng Bầu dục để ban hành lệnh ân xá toàn diện cho khoảng 1.500 người bị bắt do có liên quan đến vụ bạo loạn tại Điện Capitol ngày 6/1/2021.
Đáng chú ý, ông cũng nhanh chóng ký sắc lệnh tạm dừng thực thi lệnh cấm TikTok trong ít nhất 75 ngày, nhằm tạo cơ hội cho chính quyền mới xác định hướng đi phù hợp với TikTok.
Tổng thống Mỹ chỉ đạo Bộ Tư pháp không thi hành Đạo luật Ứng dụng do Đối thủ Nước ngoài Kiểm soát, một đạo luật đã được Quốc hội Mỹ thông qua với sự ủng hộ rộng rãi từ cả hai đảng và được cựu Tổng thống Joe Biden ký vào tháng 4/2024. Luật này yêu cầu TikTok phải bị cấm tại Mỹ từ ngày 19/1/2025, trừ khi ứng dụng được bán cho một bên thứ ba (thuộc Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ).
Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp năng lượng quốc gia và ra lệnh rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris. Ông cũng nhấn mạnh mục tiêu thúc đẩy khai thác nhiên liệu hóa thạch.
Hơn thế nữa, tân Tổng thống Mỹ cũng quyết định từ bỏ các cam kết trong nước và quốc tế đối với biến đổi khí hậu. Nước này cũng sẽ chính thức rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris ngay khi đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc thông báo với tổ chức, theo sắc lệnh của tổng thống.
“Cuộc khủng hoảng lạm phát là kết quả của thực trạng chi tiêu quá mức và giá năng lượng leo thang. Đó là lý do hôm nay tôi tuyên bố tình trạng khẩn cấp năng lượng quốc gia. Chúng ta sẽ khai thác mạnh mẽ hơn bao giờ hết”, ông Trump phát biểu trong lễ nhậm chức, đồng thời cam kết nỗ lực giảm một nửa chi phí năng lượng trong năm đầu nhiệm kỳ.
Ông Trump chỉ đạo các cơ quan liên bang xác định và sử dụng mọi quyền hạn khẩn cấp hợp pháp có sẵn để thúc đẩy việc cấp phép, triển khai, sản xuất và phát triển nguồn năng lượng nội địa, kể cả trên đất liên bang. “Điều này là cực kỳ cấp thiết vì chúng ta đang trong cuộc đua AI với Trung Quốc, và khả năng sản xuất năng lượng nội địa là yếu tố then chốt để duy trì vị thế công nghệ toàn cầu”, một quan chức Nhà Trắng cho biết.
Ông Donald Trump cũng ký các sắc lệnh thu hồi quyết định của cựu Tổng thống Biden về việc cấm khai thác dầu khí tại nhiều khu vực rộng lớn ở Bắc Cực và vùng biển ven bờ Mỹ, một động thái dự kiến sẽ vấp phải sự phản đối tại tòa án.
Các mục tiêu mang tính biểu tượng của chính quyền trước, như yêu cầu 50% xe mới bán ra vào năm 2030 phải là xe không phát thải, đạt được điện năng không phát thải carbon vào năm 2035 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050, cũng bị bãi bỏ.
Thay vào đó, tân Tổng thống muốn tập trung phát triển nền công nghiệp ô tô truyền thống.
Theo ông Glenn Schwartz, giám đốc chính sách năng lượng tại công ty tư vấn Rapidan Energy, có nhiều quy định khẩn cấp mà ông Trump có thể viện dẫn để tăng nguồn cung xăng dầu và điện. Các quy định về tình trạng khẩn cấp thường được định nghĩa mơ hồ trong luật liên bang, mang lại cho tổng thống sự tự do đáng kể. Ông Schwartz còn lưu ý rằng tòa án có khả năng sẽ không phản đối các quyết định này vì thường ngại can thiệp vào những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.
Song song với đó, Tổng thống Donald Trump tiết lộ về khả năng áp thuế Mexico và Canada ngay từ tháng 2/2025, một dấu hiệu cho thấy trọng tâm thương mại mà chính quyền mới đang theo đuổi. “Chúng tôi đang xem xét mức thuế 25% đối với Mexico và Canada”, ông Trump trả lời báo giới và dự đoán ngày áp thuế sẽ vào 1/2/2025.
Mặc dù kế hoạch áp thuế của ông Trump với các đối tác thương mại Mỹ không phải là một bí mật, nhưng thời điểm và quy mô vẫn là dấu hỏi lớn. Đã có nhiều đồn đoán rằng thuế quan có thể bị trì hoãn hoặc chỉ áp dụng với một số mặt hàng thiết yếu thay vì trên diện rộng.
Ông Trump không cung cấp thêm chi tiết về cách thức và thời điểm áp dụng các mức thuế này. Tuy nhiên, ông cũng đang cân nhắc việc tăng dần thuế suất theo thời gian.
Đối với Trung Quốc, ông Trump đề cập biện pháp áp thuế gay gắt hơn liên quan đến TikTok. Ông đã cứu ứng dụng này khỏi bị cấm tại Mỹ bằng một quyết định tạm thời, với điều kiện dựa vào việc TikTok tìm được đối tác tại Mỹ. Nếu Trung Quốc không đồng ý, ông Trump cho rằng áp thuế sẽ là công cụ phù hợp để thuyết phục và đàm phán.