Chính thức về chung nhà, Honda và Nissan cho ra đời đế chế ô tô lớn thứ ba thế giới

Nissan và Honda chính thức đàm phán sáp nhập, đặt mục tiêu mở rộng quy mô, chia sẻ nguồn lực và thúc đẩy lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực xe điện và công nghệ lái tự động…

Chính thức về chung nhà, Honda và Nissan cho ra đời đế chế ô tô lớn thứ ba thế giới

Hai nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Nissan và Honda chính thức bắt đầu các cuộc đàm phán sáp nhập để trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới tính theo doanh số.

Tại một buổi họp báo vào thứ Hai, CEO Honda Toshihiro Mibe cho biết công ty cần mở rộng quy mô đáng kể để có thể cạnh tranh với các đối thủ trong việc phát triển công nghệ xe điện và hệ thống lái thông minh.

Ông Mibe cũng tiết lộ, thỏa thuận mới sẽ tập trung vào việc chia sẻ trí tuệ và nguồn lực, đồng thời tối ưu hóa quy mô kinh tế và tạo ra giá trị cộng hưởng, trong khi vẫn bảo vệ bản sắc của cả hai thương hiệu.

Một công ty mẹ sẽ được thành lập để quản lý cả Honda và Nissan, và doanh nghiệp sẽ được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo.

Honda, với quy mô lớn hơn, sẽ đề cử phần lớn các thành viên trong ban quản trị vào tổ chức hợp nhất. Theo ông Toshihiro Mibe, doanh nghiệp hợp nhất sẽ có khả năng đạt doanh thu 30 nghìn tỷ yên (tương đương 191,4 tỷ USD) và lợi nhuận hoạt động trên 3 nghìn tỷ yên.

Honda đã ghi nhận 1,382 nghìn tỷ yên lợi nhuận hoạt động trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024, cao gấp đôi so với con số 568,7 tỷ yên của Nissan. Giá trị thị trường của hai công ty cộng lại vào khoảng 54 tỷ USD, trong đó Honda chiếm phần lớn với 43 tỷ USD.

Các cuộc thảo luận dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 6/2025. Đối tác chiến lược của Nissan, Mitsubishi, đã được đề nghị tham gia vào doanh nghiệp hợp nhất và sẽ đưa ra quyết định vào cuối tháng 1/2025.

Nếu được phê duyệt, quá trình hợp nhất sẽ là một dự án trung và dài hạn, nhưng ông Toshihiro Mibe nói rằng họ không kỳ vọng sẽ đạt được tiến triển rõ ràng cho đến năm 2030.

Toyota của Nhật Bản hiện là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới theo doanh số, tiếp theo là Volkswagen của Đức. Nếu Nissan và Honda hợp nhất, doanh nghiệp này sẽ vượt qua Hyundai của Hàn Quốc.

Cổ phiếu Nissan đã tăng mạnh sau báo cáo ban đầu về kế hoạch. Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý gần đây nhất, Nissan thừa nhận sẽ phải cắt giảm 9.000 việc làm và hạ bớt năng lực sản xuất toàn cầu xuống còn 1/5. Vào tuần trước, ông Peter Wells, giáo sư về kinh doanh và phát triển bền vững tại Trung tâm Nghiên cứu Ngành Công nghiệp Ô tô của Trường Kinh doanh Cardif đã chia sẻ trên CNBC rằng Nissan đang gặp khó khăn trên thị trường, gặp khó khăn trong nước và không có danh mục sản phẩm nào nổi bật.

CEO Honda lưu ý, có thể một số cổ đông có thể cảm thấy thoả thuận này đồng nghĩa với việc Honda phải hỗ trợ Nissan, nhưng ông khẳng định việc hợp nhất được dựa trên kỳ vọng rằng Nissan hoàn thành các dự định tái cấu trúc của mình. “Nếu Nissan và Honda không thể tự mình đứng vững, các cuộc đàm phán hợp nhất kinh doanh sẽ không thành công”, ông Mibe khẳng định.

Về phần mình, CEO Nissan Makoto Uchida nhấn mạnh rằng thảo luận hợp nhất không có nghĩa là công ty đang tìm kiếm một chiếc “phao cứu sinh” mà thay vào đó là để đảm bảo khả năng cạnh tranh của Nissan trong tương lai. “Sau khi hoàn thành các chiến lược tái cơ cấu để phát triển và đẩy mạnh tăng trưởng trong, chúng tôi cần nhìn vào quy mô và kỳ vọng phát triển dài hạn. Thành công này sẽ đến thông qua các mối quan hệ đối tác”, ông Uchida bổ sung.

Cổ phiếu của Renault đã giảm 1,2% vào buổi sáng giao dịch tại châu Âu hôm thứ Hai. Công ty trực tiếp nắm giữ 17% cổ phần tại Nissan và sở hữu thêm 18,7% thông qua một quỹ tín thác của Pháp, trong khi Nissan là nhà đầu tư chiến lược vào thực thể xe điện và phần mềm Ampere của Renault.

Trong giao dịch tại châu Á, cổ phiếu Nissan tăng 1,2% trước thông báo, Honda tăng 3,8% và Mitsubishi tăng 0,6%.

Xem thêm

Honda và Nissan bắt tay sáp nhập

Honda - Nissan: Sáp nhập hay là "chết"?

Thông tin về việc Honda và Nissan tìm kiếm thỏa thuận sáp nhập cho thấy các nhà sản xuất ô tô đang tìm cách đối mặt với sự cạnh tranh từ Trung Quốc, thị trường trong nước đang thu hẹp cũng như mối đe dọa về thuế quan...

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…