Trong tuyên bố, Ủy ban Đàm phán ở Daraa al-Balad kêu gọi Abdullah II gây áp lực buộc chính quyền Syria chấm dứt cuộc bao vây khu vực này. Ủy ban cũng hy vọng rằng Jordan sẽ cho phép cư dân trong khu vực tị nạn nếu cuộc khủng hoảng không được giải quyết.
Các thủ lĩnh Daraa kêu gọi Jordan hoặc Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào Syria.
Trước đó một ngày, Ủy ban đàm phán Daraa al-Balad tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hòa giải do Nga làm trung gian. Các tay súng bị truy nã ở Daraa al-Balad từ chối giao nộp vũ khí, không cho phép Quân đội Syria thiết lập các vị trí kiểm soát trong khu vực.
Ủy ban đàm phán kêu gọi Nga và chính quyền Syria mở hàng lang an toàn cho tất cả người dân Daraa al-Balad tới Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Jordan.
Chính quyền Syria đáp trả bằng cách cho xe buýt xanh tới lối vào Daraa al-Balad sáng ngày 4/9. Hãng thông tấn nhà nước Syria cho biết, những người quyết định rời đi sẽ được đưa đến các khu vực do lực lượng đối lập chiếm giữ ở miền bắc Syria. Ủy ban Đàm phán Daraa al-Balad bác bỏ điều này, nhấn mạnh rằng họ sẽ chỉ đến Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Jordan.
Cuối ngày 4.9, Quân đội Syria tiếp tục các hoạt động quân sự nhằm vào các tay súng Hồi giáo nổi dậy bị truy nã còn lại ở Daraa al-Balad.
Lực lượng Sư đoàn cơ giới số 4 tấn công các tay súng Hồi giáo cực đoan nổi dậy bằng pháo tăng, súng máy hạng nặng và nhiều rockets không điều khiển. Cuộc pháo kích chỉ mang tính gây áp lực, nên không có thông tin về thương vong dân sự.
Lực lượng sư đoàn cơ giới số 4 tấn công hỏa lực trấn áp quân nổi dậy.
Quyết định tiến hành các hoạt động quân sự của quân đội Syria ở Daraa al-Balad là phản ứng cứng rắn đối với Ủy ban Đàm phán ở Daraa al-Balad, sau khi nhóm này quyết định rút khỏi thỏa thuận do Nga làm trung gian ngày 3/9.
Các tay súng Hồi giáo cực đoan còn lại ở Daraa al-Balad không quan tâm đến bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào, mà chỉ nhằm phá hoại chủ quyền nhà nước của Syria, lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan vào một cuộc chiến mới với Syria.
Điều đó có nghĩa là quân đội Syria có khả năng sẽ tấn công trấn áp các tay súng Hồi giáo cực đoan này.