Singapore có đứng ngoài “con đường tơ lụa” của Trung Quốc?

Kế hoạch của Trung Quốc về một “con đường tơ lụa” trên biển tới châu Âu dự kiến sẽ rót vốn vào các công trình hạ tầng như đường bộ, đường sắt và cảng biển ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, giữa “cơn số
Singapore có đứng ngoài “con đường tơ lụa” của Trung Quốc?

Theo hãng tin Bloomberg, dù có những mối liên hệ lịch sử và văn hóa mạnh mẽ với Trung Quốc, đảo quốc nhỏ bé Singapore hiện nay không có quan hệ nồng ấm với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, một phần do lập trường của nước này với tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông.

Trong khi lãnh đạo các nước Đông Nam Á khác đều tới dự hội nghị thượng đỉnh về sáng kiến “Vành đai và Con đường” diễn ra ở Bắc Kinh mới đây, Singapore chỉ cử đại diện là Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia Lawrence Wong.

Trung Quốc xem Singapore là một quốc gia kém mặn mà với kế hoạch “con đường tơ lụa” mới mà Chủ tịch nước này Tập Cận Bình khởi xướng, bởi không giống như những quốc gia khác đều tuyên bố rằng lãnh đạo của họ sẽ đến dự hội nghị trên mà không cần lời mời chính thức, Singapore đã đòi hỏi phải có thư mời chính thức - nguồn tin thân cận tiết lộ.

“Mối quan hệ chính trị lạnh đi giữa Singapore và Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai bên”, nhà nghiên cứu Lu Jianren thuộc Viện Nhiên cứu Trung Quốc-ASEAN thuộc Đại học Quảng Tây nhận định.

Ông nói: “Singapore ít tích cực hơn trong việc hợp tác với Trung Quốc, trong khi nhiều nhà lãnh đạo trong khu vực đều thể hiện mong muốn Bắc Kinh đóng vai trò lớn hơn trong tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á”.

Singapore là nước giàu nhất Đông Nam Á, và vị trí án ngữ eo biển Malacca đem lại cho đảo quốc sư tử vai trò quan trọng chiến lược là cửa ngõ đi vào biển Đông. Với vị thế như vậy, Singapore được cho là quốc gia sẽ hưởng lợi từ nỗ lực của ông Tập nhằm kết nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới thông qua thương mại và hạ tầng, như những gì mà kế hoạch con đường tơ lụa mới vạch ra.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore, trong khi Singapore là nhà đầu tư lớn thứ nhì ở Trung Quốc, dù vốn đầu tư của nước này đã giảm còn 6,18 tỷ USD vào năm 2016 từ mức 6,97 tỷ USD vào năm 2015 - theo số liệu chính thức của Trung Quốc.

Singapore đã tham gia vào sự phát triển kinh tế ở Trung Quốc từ đầu thập niên 1990. Vào năm 1994, Singapore giúp Trung Quốc xây dựng một khu công nghiệp ở Tô Châu, và khu này đã được coi là một hình mẫu thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Sau đó, Singapore tiếp tục phát triển cảng Thiên Tân. Gần đây hơn, nước này tham gia một dự án ở Trùng Khánh nhằm phát triển thành phố này với vai trò một trung tâm logistic khu vực.

Mặc dù vậy, những thỏa thuận được ký trong hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh đã cho thấy một diễn biến mới trong quan hệ hai nước, theo Bloomberg.

Hãng tin này liệt kê: Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã ký 9 thỏa thuận đầu tư trị giá 7,2 tỷ USD với Trung Quốc, còn ông Tập Cận Bình nói quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn “tốt chưa từng thấy”. Indonesia ký một thỏa thuận vay vốn 5 tỷ USD, và Tổng thống nước này Joko Widodo có cuộc gặp với ông Tập về dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung.

Trong khi đó, Bộ trưởng Wong của Singapore chỉ ký vỏn vẹn một biên bản ghi nhớ với Trung Quốc về “cho phép hai bên tăng cường quan hệ song phương, phát triển quan hệ kinh tế thực chất hơn, và đẩy mạnh giao lưu nhân dân”.

Cách đây hai năm, quan hệ Singapore-Trung Quốc còn ở giai đoạn nồng ấm. Vào cuối năm 2015, Singapore là nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên sau 7 thập kỷ giữa lãnh đạo Đài Loan và Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số sự việc xảy ra trong vòng một năm qua đã phủ bóng lên quan hệ hai nước. Singapore, với vai trò điều phối viên quan hệ ASEAN-Trung Quốc, đã rơi vào một cuộc tranh cãi xung quanh việc xác định xem tập thể ASEAN nên phản ứng thế nào với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông.

Singapore cũng cho phép hải quân Mỹ sử dụng cơ sở của mình để đưa chiến hạm và máy bay trinh sát thực hiện các cuộc tuần tra trên biển Đông.

Tháng 11/2016, Hồng Kông bắt giữ 9 xe bộ binh của Singapore được chở bằng một tàu container từ Đài Loan sau khi được sử dụng cho hoạt động tập trận. Singapore từ lâu vẫn có hoạt động huấn luyện quân sự ở Đài Loan, nhưng vụ việc này đã khiến Bắc Kinh nổi giận và phải tới thận tháng 1/2007, số xe bộ binh của Singapore mới được Hồng Kông trao trả.

Ngoài ra, Singapore còn là một nước đi đầu trong việc thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận không có Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Zhai Kun, Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu ASEAN của Trung Quốc nói rằng mối quan hệ giữa Singapore và Trung Quốc có thể sẽ đến lúc được cải thiện. “Singapore đã có một số động thái chứng tỏ thiện chí rằng nước này có thể đóng một vai trò quan trọng về tài chính trong sáng kiến con đường tơ lụa, và hai nước có truyền thống làm ăn với nhau”, ông Zhai nói.

Hôm thứ Ba tuần này, ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Zhao Leji đã dẫn đầu một đoàn đại biểu tới tham dự Diễn đàn Singapore - Trung Quốc tổ chức một năm hai lần diễn ra tại Singapore. Trong cuộc gặp giữa ông Zhao với Thủ tướng Trung Quốc Lý Hiển Long, hai bên đã đánh giá cao “quan hệ mạnh mẽ và thực chất” giữa hai nước.

Trong khi đó, một số nước Đông Nam Á vẫn quan ngại về những vấn đề có thể xảy đến từ sự bành trướng quân sự của Trung Quốc và sức mạnh gia tăng của nước này trong khu vực.

“Họ [Trung Quốc] là nước duy nhất có tiền dôi dư để đầu tư vào Đông Nam Á”, ông Oh Ei Sun, trưởng tư vấn thuộc Trung tâm Nghiên cứu Thái Bình Dương ở Malaysia, phát biểu. “Về chiến lược, họ vẫn còn một chặng đường dài phải đi để đạt tới độ rộng và chiều sâu như ảnh hưởng ở khu vực này của Mỹ, nước đã bắt đầu có ảnh hưởng tại đây từ nhiều thập kỷ trước”.

Theo Vneconomy.vn

Có thể bạn quan tâm

Nền kinh tế thú cưng 3.0 tại Trung Quốc

Nền kinh tế thú cưng 3.0 tại Trung Quốc

Ngành công nghiệp thú cưng tại Trung Quốc đang bước vào giai đoạn 3.0 với sự bùng nổ của các dịch vụ cao cấp như chăm sóc sức khỏe, phụ kiện cá nhân hóa và trải nghiệm độc đáo…

Hermès vững vàng trước “sóng lớn”

Hermès vững vàng trước “sóng lớn”

Bất chấp bối cảnh thị trường đầy biến động, thương hiệu Pháp Hermès vẫn ghi nhận doanh thu quý 4/2024 tăng mạnh vượt dự báo và tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu trong ngành xa xỉ….

Thuế quan có thể đẩy giá xe ô tô tại Mỹ lên cao

Thuế quan có thể đẩy giá xe ô tô tại Mỹ lên cao

Người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ phải chi thêm hàng nghìn USD khi mua ô tô mới nếu kế hoạch áp thuế đối với Mexico và Canada của Tổng thống Mỹ Donald Trump được thực thi, theo dữ liệu từ ngân hàng Benchmark Co…

Gen Z Trung Quốc vung tiền cho “tiêu dùng cảm xúc”

Gen Z Trung Quốc vung tiền cho “tiêu dùng cảm xúc”

Người tiêu dùng trẻ tuổi Trung Quốc đang ngày càng ưa chuộng xu hướng mua sắm dựa trên cảm xúc, thúc đẩy một làn sóng chuyển dịch trong thái độ tiêu dùng và dự kiến sẽ sớm trở thành một điểm nóng đáng chú ý trong tương lai…

Doanh nghiệp đường Thái Lan “gặp hạn” tại Trung Quốc

Doanh nghiệp đường Thái Lan “gặp hạn” tại Trung Quốc

Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu siro đường và bột pha sẵn từ Thái Lan, khiến hàng hóa bị mắc kẹt tại các cảng biển và có nguy cơ gây ra thiệt hại lên tới 1 tỷ baht (khoảng 29,5 triệu USD) cho các doanh nghiệp xứ Chùa Vàng…