Khi năm 2020 sắp kết thúc, nhiều nhà đầu tư coi châu Á là một trong những khu vực có triển vọng kinh tế tốt nhất vào năm tới nhờ khả năng kiểm soát đại dịch Covid-19 tương đối thành công. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại cảnh báo, sự tái gia tăng các ca nhiễm trong thời gian gần đây ở một số quốc gia đang có nguy cơ làm mờ đi triển vọng phục hồi của khu vực.
Một số quốc gia châu Á hiện phải chống chọi với làn sóng dịch bệnh mới - thậm chí tồi tệ hơn so với trước đó. Ngay cả những vùng lãnh thổ có thành công lớn trong việc ngăn chặn virus, điển hình là Đài Loan - tuần này đã báo cáo các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên kể từ ngày 12/4 - một lần nữa nhấn mạnh những khó khăn trong việc tiêu diệt triệt để Covid-19.
Dưới đây là cái nhìn về một số nền kinh tế châu Á đang phải chiến đấu với tình hình tái bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng và điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến triển vọng kinh tế.
Nhật Bản
Thống kê Covid-19: 207.007 trường hợp nhiễm bệnh và 2.941 trường hợp tử vong tính đến thứ Tư (23/12), theo dữ liệu của ĐH John Hopkins. Số ca nhiễm được báo cáo hàng ngày ở Nhật Bản bắt đầu tăng trở lại vào tháng 11 và vào tuần trước đã vượt qua con số 3.000.
Các nhóm y tế nước này cảnh báo, hệ thống chăm sóc sức khỏe đang chịu áp lực đáng kể từ đại dịch. Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã từ chối ban bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia” - nhưng nói rằng ông sẽ đình chỉ chương trình trợ cấp du lịch để làm chậm sự lây lan của coronavirus.
Các nhà kinh tế từ Pantheon Macroeconomics viết trong báo cáo mới đây rằng các quy tắc giãn cách xã hội “tương đối nhẹ nhàng” của chính phủ Nhật Bản dường như không mang đến tác dụng và điều đó có thể sẽ phải thay đổi trong những tháng tới. “Việc ban hành ‘tình trạng khẩn cấp quốc gia’ lần thứ hai ở Nhật Bản vào đầu năm tới là một khả năng không thể loại trừ. Việc đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Nhật Bản trong quý đầu tiên của năm 2021.”
Hàn Quốc
Thống kê Covid-19: 53.533 trường hợp nhiễm bệnh và 756 trường hợp tử vong tính đến thứ Tư (23/12), theo dữ liệu của Hopkins. Giống như Nhật Bản, các ca mắc mới hàng ngày của Hàn Quốc trong tháng này đã đạt mức chưa từng thấy trước đây - lần đầu tiên vượt qua 1.000 ca kể từ khi đại dịch bùng phát.
Nhưng không giống như Nhật Bản, chính phủ Hàn Quốc đã có lập trường cứng rắn hơn để đối phó với làn sóng dịch bệnh. Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, chính phủ đã ban hành lệnh cấm trên toàn quốc đối với việc tụ tập từ 5 người trở lên và ra lệnh đóng cửa tất cả các điểm du lịch - bao gồm cả resort trượt tuyết và các cơ sở thể thao mùa đông ngoài trời khác.
Theo Pantheon Macroeconomics, nếu thực hiện tốt biện pháp đó, phần lớn thiệt hại kinh tế của Hàn Quốc sẽ được kiềm chế trong quý IV năm nay.
Malaysia
Thống kê Covid-19: 98.737 trường hợp nhiễm bệnh và 444 trường hợp tử vong tính đến thứ Tư (23/12), theo dữ liệu của Hopkins. Trước đó, Malaysia đã kiểm soát được dịch bệnh và giảm thiểu các trường hợp nhiễm bệnh mới xuống mức “nhỏ giọt” cho đến khi đợt gia tăng mới nhất bắt đầu bùng phát vào tháng 10. Tình hình này đã khiến chính phủ phải áp đặt một vòng biện pháp khóa cửa mới ở một số vùng của đất nước.
Các nhà kinh tế từ công ty tư vấn Capital Economics cho biết, triển vọng của nền kinh tế Malaysia đang trở nên "kém lạc quan hơn" trong quý này, đặc biệt là trên mặt trận tiêu dùng cá nhân. “Làn sóng thứ hai của virus và việc quay lại với nhiều hạn chế di chuyển, xã hội sẽ khiến mảng tiêu dùng cá nhân - vốn đang phục hồi vào quý III - sụt giảm.” Nhưng các bộ phận khác của nền kinh tế - chẳng hạn như xuất khẩu - sẽ tiếp tục hoạt động mạnh mẽ, do đó, tác động kinh tế tổng thể từ làn sóng dịch bệnh gần đây có thể sẽ "nhẹ hơn nhiều" so với làn sóng trước đó, các nhà kinh tế cho biết.
Nguồn: CNBC