Tăng cường ngăn chặn các sản phẩm bảo vệ sức khỏe có nguy cơ pha trộn chất cấm

Cục An toàn thực phẩm vừa có công văn đề nghị các đơn vị tăng cường kiểm tra trên địa bàn, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguy cơ pha trộn chất cấm.
Tăng cường ngăn chặn các sản phẩm bảo vệ sức khỏe có nguy cơ pha trộn chất cấm

Theo Cục An toan thực phẩm - Bộ Y tế, thời gian vừa qua đơn vị này đã nhận được báo cáo kết quả kiểm nghiệm mẫu kiểm tra, giám sát của một số Viện, địa phương phát hiện chất cấm trong thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, các sản phẩm có chất cấm đã phát hiện chủ yếu thuộc nhóm hỗ trợ giảm cân (chứa phenolphtalein, sibutramine), sinh lý (chất ức chế PDE5: Sildenafil, Tadalafil,…), xương khớp (Diclofenac, Corticoid…), v.v…

Để an toàn sức khoẻ cho người sử dụng, ngăn chặn kịp thời sản phẩm vi phạm, Cục An toàn thực phẩm vừa ban hành công văn số 136/ATTP-PCTTR ngày 19/01/2022 đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ban Quản lý An toàn thực phẩm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh phối hợp thực hiện nội dung tại Mục 3 Công văn số 62/ATTPPCTTR ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Cục An toàn thực phẩm về việc triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2022 tăng cường kiểm tra trên địa bàn, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguy cơ pha trộn chất cấm thuộc các Danh mục quy định tại Thông tư số 10/2021/TT-BYT để kiểm nghiệm, ưu tiên lấy mẫu các sản phẩm có nguy cơ thuộc nhóm hỗ trợ giảm cân, sinh lý, xương khớp, tiểu đường v.v…

Cục An toàn thực phẩm đề nghị các đơn vị tiếp tục tuyên truyền, phổ biến đến người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về Thông tư số 10/2021/TT-BYT ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Bộ Y tế quy định Danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ; quá trình hậu kiểm nếu phát hiện vi phạm cần xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời báo cáo về Cục An toàn thực phẩm để phối hợp quản lý.

Về những hoạt chất trong nhóm thực phẩm hỗ trợ giảm cân gồm phenolphtalein, sibutramine. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Phenolphtalein còn được biết đến là Hln, phph. Đây là hợp chất hóa học thường được sử dụng để đo độ pH của dung dịch. Ngoài ra, Phenolphtalein có tác dụng rất tốt trong việc nhuận tràng nên được sử dụng phổ biến. Đặc biệt là hỗ trợ điều trị các vấn đề liên quan đến tiêu hóa hoặc kích thích nhuận tràng. Tuy nhiên, Phenolphtalein trong thuốc giảm cân có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hoá, tim mạch, gan của người dùng. Ngoài ra, sử dụng Phenolphtalein để giảm cân, còn gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi…

Trong khi đó, Sibutramine là một hoạt chất trong dược phẩm. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng Sibutramine có khả năng ức chế cảm giác thèm ăn, hạn chế hấp thu chất béo, giúp cơ thể giảm cân hiệu quả. Song, chất này lại gây những tác dụng phụ nguy hại như: gây nên các triệu chứng đau đầu (tỷ lệ xảy ra khoảng 30,3%), đau lưng (chiếm 8,2%), dị ứng (3,8%), cảm cúm (8,2%), suy nhược (5,9%), đau bụng (4,5%), đau ngực (1,8%), đau nhức cổ vai gáy (1,6%)... Do đó, từ tháng 10/2010, FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) đã ban hành quyết định cấm lưu hành tất cả sản phẩm có sibutramine. Hiện nay, tại Việt Nam, cục Quản lý Dược, bộ Y tế đã ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine và tiến hành thu hồi các sản phẩm chứa chất này.

Có thể bạn quan tâm