Tờ RT thông tin, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng tỷ trọng tiền tệ của Trung Quốc và vàng thỏi trong kho dự trữ của mình, đa dạng hóa các tài sản ngoại hối truyền thống như đồng đô la Mỹ.
Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Nga công bố hôm 2/7, tỷ trọng tờ nhân dân tệ đã tăng từ 1% (quý 3/2016) lên 2,8% trong quý cuối cùng của năm 2017.
Nga đang mua nhiều đồng nhân dân tệ hơn bất cứ ngân hàng trung ương nào khác trên thế giới với số tiền 12 tỷ USD trong nửa cuối năm 2017.
Đồng nhân dân tệ hấp dẫn trong mắt người Nga kể từ khi nước này chịu các đòn trừng phạt từ phương Tây.
Nga đã tăng cường giao dịch với Trung Quốc, hoán đổi tờ nhân dân tệ thay thế vị trí cho đồng đô la Mỹ.
RT cho biết, phần lớn tài sản ngoại hối của Ngân hàng Nga vẫn bằng đô la Mỹ, nhưng vai trò của đồng bạc xanh đang giảm dần. Tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ của Nga đã giảm từ mức 46,5% trong ba tháng trước đó xuống còn 45,8% trong quý IV/2017.
Piotr Matys, một nhà chiến lược tiền tệ thị trường mới nổi tại Rabobank (London, Anh) nói với Bloomberg rằng: "Sự gia tăng tỷ trọng đồng nhân dân tệ, mặc dù vẫn còn tương đối nhỏ, nhưng đã phản ánh ý định của Nga trong việc đa dạng hóa khỏi các đồng tiền chính".
Nhưng "sẽ không dễ dàng gì cho Nga trong việc giảm đáng kể tỷ trọng đồng đô la Mỹ trong dự trữ của họ vì đồng bạc xanh vẫn là một trong những đồng tiền mạnh nhất."
Bốn năm trước, các ngân hàng trung ương của Nga và Trung Quốc đã đồng ý một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ để tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa hai nước. Ngay sau đó, ngân hàng trung ương của Nga đầu tư 14,5 tỷ rúp (228 triệu đô la Mỹ) vào trái phiếu Trung Quốc.
Nhiều doanh nghiệp Nga khi đó đã chuyển thanh toán các hợp đồng bằng đồng Nhân dân tệ và một số tiền tệ châu Á, do lo ngại lệnh trừng phạt của phương Tây khiến họ khó tiếp cận thị trường USD.
Động thái mở nhiều tài khoản để giao dịch bằng đồng NDT, đôla Hong Kong hay đôla Singapore đã cho thấy nỗ lực của Nga trong việc kết thân với châu Á, khi mối quan hệ với châu Âu ngày càng căng thẳng. Các lệnh trừng phạt đã khiến công ty Nga phải giảm phụ thuộc vào thị trường tài chính phương Tây. Do các nhà băng Mỹ và châu Âu giảm mạnh hoạt động cho vay tại Nga từ khi nước này sáp nhập Crimea hồi tháng 3.
Ngân hàng Trung ương Nga cũng đã thiết lập một hệ thống thanh toán riêng để giảm phụ thuộc vào các công ty như Visa hay MasterCard.
Giám đốc chi nhánh một ngân hàng phương Tây tại Nga khi đó nhận xét: "Việc Nga giảm phụ thuộc vào đồng USD chẳng có gì sai cả, nếu không muốn nói là hoàn toàn hợp lý. Chẳng có lý do gì khi anh làm ăn với Nhật Bản mà phải dùng USD".
CEO một hãng sản xuất của Nga có 70% doanh thu từ xuất khẩu cũng đã tìm cách thay đổi điều khoản thanh toán của các hợp đồng sang nhiều loại tiền tệ khác nhau, để tránh bị lệnh trừng phạt ảnh hưởng. "Nếu có việc gì xảy ra, chúng tôi sẵn sàng chuyển sang các tiền tệ khác, như NDT hay đôla Hong Kong", một vị cho biết.
Alexander Dyukov - Giám đốc mảng dầu mỏ của Gazprom cho biết công ty ông đã đàm phán với khách hàng về khả năng thay đổi tiền tệ thanh toán. Trong khi đó, CEO hãng nickel và palladium - Norilsk Nickel đang thảo luận về việc thanh toán các hợp đồng dài hạn bằng NDT với đối tác Trung Quốc.
Chuyên gia Teplukhin của Deutsche Bank nhận định: "Việc này không chỉ là nhất thời, mà là xu hướng".
Rõ ràng cho đến nay, các biện pháp trừng phạt của phương Tây dù đã gây cú sốc cho Nga nhưng tác động tích cực của nó đã mạnh mẽ hơn rất nhiều. Trong bối cảnh Nga đang tìm cách kích hoạt các dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt ra nước ngoài mà vẫn phải chịu các đòn trừng phạt của Mỹ thì việc sử dụng và tăng dự trữ đồng nhân dân tệ có ý nghĩa to lớn.