Thái Lan bế tắc trong vụ dẫn độ bà Yingluck

Thái Lan đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề xác thực vị trí của bà Yingluck và tìm cách dẫn độ bà về nước.
Thái Lan bế tắc trong vụ dẫn độ bà Yingluck

Các cơ quan chức năng Thái Lan gặp khó khăn trong việc xác thực vị trí của bà Yingluck, mặc dù có nhiều tin đồn bà đã xin visa ở Anh

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đang trú tại Anh bằng “visa khởi nghiệp” và vẫn chưa được cấp tị nạn chính trị, báo The Nation của Thái Lan cho biết.

Bà Yingluck ở lại Anh tối đa bao lâu?

Dẫn nguồn tin giấu tên từ nội bộ đảng Puea Thai, tờ The Nation tiết lộ bà Yingluck đã xin visa loại 1 (visa khởi nghiệp), cho phép bà ở lại nước Anh trong thời gian tối đa là ba năm bốn tháng.

Nếu đúng như xác nhận của Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai rằng cựu thủ tướng Thái Lan đã đến London từ tháng 9-2017, bà Yingluck sẽ còn gần ba năm để lưu lại nước Anh trong trường hợp không bị dẫn độ hay trục xuất về nước. Theo cổng thông tin của chính phủ Anh, người có visa loại 1 cũng có thể nộp đơn xin gia hạn thêm hai năm và có cơ hội định cư nếu như ở Anh trong năm năm.

Trong tháng qua, nhiều đồn đoán đã xuất hiện cho rằng bà Yingluck có thể xin tị nạn chính trị tại Anh sau khi đào thoát khỏi Thái Lan để tránh án tù. Nhiều bức ảnh chụp bà Yingluck trên đường phố và các trung tâm mua sắm tại Anh cũng đã xuất hiện liên tục trên các trang mạng xã hội.

Sau khi chính quyền Thái Lan xác nhận bà Yingluck đã đến London, đảng Puea Thai ngày 10-1 cũng đưa ra lời xác nhận bà Yingluck đang ở đảo quốc sương mù. Các thành viên đảng này khẳng định không biết rõ địa điểm và tình trạng pháp lý của bà Yingluck hiện nay tại Anh, theo The Nation. Tổng thư ký của Puea Thai là Phumtham Wechayachai cũng khẳng định đảng này không có liên lạc gì với bà Yingluck những tháng qua.

Thái Lan bế tắc về dẫn độ

Trong khi đó, ông Amnat Chotchai, lãnh đạo Phòng Các vấn đề quốc tế thuộc Văn phòng bộ trưởng Tư pháp Thái Lan (OAG), ngày 10-1 cũng cho biết OAG chưa thể đề nghị chính phủ Anh cho dẫn độ bà Yingluck vì chưa nắm được thông tin về nơi ở hiện tại của bà. Dù đã có nhiều bức ảnh cho thấy bà Yingluck ở London, tuy nhiên theo ông Amnat, những bức ảnh “chưa được xác thực” không thể làm căn cứ để đưa ra đề nghị dẫn độ.

Trả lời tờ Bangkok Post, ông Amnat cho biết vẫn phải chờ Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan xác thực vị trí và nơi ở hiện tại của bà Yingluck thì văn phòng công tố mới có các bước đi tiếp theo. Ông Amnat cho biết OAG chưa gửi đề nghị dẫn độ bà Yingluck đến bất kỳ quốc gia nào. “Các đề nghị dẫn độ của Thái Lan đều uy tín, được các nước châu Âu và Mỹ xem trọng. Chúng tôi cần có thông tin rõ ràng và tuân thủ đúng pháp luật” - ông Amnat cho biết. Ông cũng nhấn mạnh hiện Thái Lan chưa có thông tin liệu bà Yingluck đã xin tị nạn hay chưa, vì vậy chính phủ Bangkok không muốn hành động vội vã mà phản tác dụng.

"200.000 bảng Anh (tức gần 270.000 USD) là mức tiền đầu tư một người phải nắm trong tay nếu muốn xin visa khởi nghiệp tại Anh, trong trường hợp người xin visa đến từ quốc gia nằm ngoài Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) hoặc Thụy Sĩ, theo The Nation.

Thái Lan đang đối diện với nhiều khó khăn trong vụ truy tìm bà Yingluck. Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan mới đây đã gửi thêm cho Interpol phán quyết của tòa án tối cao liên quan đến vụ kiện cựu thủ tướng vào năm ngoái. Theo Phòng Quan hệ đối ngoại của lực lượng cảnh sát Thái Lan, cơ quan Interpol đến nay vẫn chưa phát lệnh cảnh báo về bà Yingluck vì muốn nước này bổ sung hồ sơ và chứng cứ. Mặt khác, theo ngoại trưởng Thái Lan, nhiều nước phương Tây không đòi hỏi người xin tị nạn chính trị phải có hộ chiếu. Việc chính quyền Thái Lan vô hiệu hóa các hộ chiếu của bà Yingluck có thể không ngăn được bà xin tị nạn chính trị ở châu Âu. Phía Bộ Ngoại giao Anh cũng không tiết lộ tình trạng pháp lý của bà Yingluck tại nước này và liệu bà có xin visa hay tị nạn hay chưa.

Trong tình hình các nỗ lực dẫn độ có phần bế tắc, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nhận định không nên nhìn nhận việc đưa bà Yingluck về nước là một vấn đề quá lớn. Ông cho rằng mọi quốc gia đều có các tiêu chuẩn và lý do riêng khi cân nhắc các đề nghị dẫn độ. “Nếu anh em nhà Shinawatra được đưa về nước, đó sẽ là điều rất tốt. Nhưng vấn đề này liên quan đến nước ngoài và chúng ta không có khả năng kiểm soát. Vẫn còn nhiều phương diện khác cần cân nhắc” - ông Prayut nhận định.

Đối với trường hợp cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra đã sống lưu vong nhiều năm qua để tránh án hai năm tù giam, ông Amnat xác nhận chính quyền Thái Lan đã gửi đi nhiều yêu cần dẫn độ ông về nước. Theo tờ Bangkok Post, các yêu cầu dẫn độ được gửi đến một số quốc gia châu Âu và châu Á để tìm cách xác nhận nơi ở chính xác hiện nay của ông Thaksin.

Có nhiều tin đồn cho rằng ông Thaksin đang ở Dubai, thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Tuy nhiên, tất cả quốc gia được Thái Lan liên hệ đều trả lời rằng ông Thaksin chưa từng hoặc đã không còn trú tại nước họ, ông Amnat cho biết. Không có thông tin cho thấy Thái Lan có gửi yêu cầu dẫn độ ông Thaksin đến UAE hay không, theo Bangkok Post.

Có thể bạn quan tâm

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…