Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa kết thúc tuần giao dịch “tệ” nhất từ đầu năm đến nay với chỉ số VN-Index kết thúc ở mức 1.174,85 điểm, “bốc hơi” 100 điểm sau 4 phiên giao dịch, tương ứng giảm 8%.
Đà giảm mạnh của thị trường chứng khoán diễn ra trong bối cảnh tỷ giá USD/VND liên tục tăng nóng, vượt ngưỡng 25.000 VND. Điều này khiến một bộ phận nhà đầu tư cho rằng tỷ giá chính là “tội đồ”, đạp đổ mọi thành quả mà chỉ số VN-Index nỗ lực gây dựng từ đầu năm đến nay.
Đưa ra quan điểm cá nhân, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho rằng chứng khoán và tỷ giá trong thời gian qua. Cụ thể, ông Báu cho rằng nguyên nhân thị trường giảm điểm không hoàn toàn do tỷ giá. Yếu tố tỷ giá chỉ là cộng hưởng về tâm lý và làm đảo chiều sự kỳ vọng của nhà đầu tư trung hạn.
Thực tế, có nhiều yếu tố để chứng khoán điều chỉnh ngắn hạn sau giai đoạn tăng "vượt trên kỳ vọng" trong suốt gần 5 tháng qua. “Tỷ giá chỉ là "cái cớ" dễ vơ lấy nhất mà thôi. Nhưng nếu chúng ta cũng như bao người khác, vật vã đổ lỗi và không chịu dành thời gian hiểu được thực sự vấn đề thì chúng ta sẽ lại tiếp tục mắc sai lầm tập hai”, dẫn lời của ông Báu.
Về cơ chế tác động của tỷ giá tới chứng khoán, ông Báu cho rằng nếu tỷ giá tăng 3-5%, thậm chí hơn nhưng nằm trong vùng mục tiêu Ngân hàng Nhà nước cam kết thì không tác động nhiều tới chứng khoán. Bởi lúc này Ngân hàng Nhà nước sẽ không can thiệp gì gây ảnh hưởng đến lãi suất hay thanh khoản hệ thống tài chính. Đó là lý do vì sao tỷ giá tăng từ đầu năm nhưng VN-Index giai đoạn đó cũng vẫn tăng tốt.
Nếu tỷ giá chạm vào vùng Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp thì lúc này họ sẽ có nhiều công cụ để xử lý và tuỳ vào việc Ngân hàng Nhà nước dùng công cụ nào mà sự tác động đến thị trường sẽ khác nhau. Vị chuyên gia này đưa ra những khả năng có thể xảy ra và tác động của từng phương án đối với thị trường chứng khoán.
Thứ nhất, nới thêm trần để tỷ giá có phạm vị biến động lớn hơn. Để thực hiện biện pháp này có hai cách, một là tăng tỷ giá trung tâm, hai là mở rộng biên độ. Công cụ này sẽ tác động không nhiều đến chứng khoán, chỉ tác động nhất định vào dòng vốn ngoại FII trên sàn, tuy nhiên dòng vốn này thì chiếm tỷ lệ khá nhỏ và khối nội vẫn có thể "cân" được thị trường nếu dòng tiền mạnh. Tuy nhiên, phương án này có một rủi ro là làm tăng nguy cơ tâm lý kỳ vọng mất giá VND và từ đó thúc Ngân hàng Nhà nước phải hành động mạnh mẽ hơn.
Thứ hai, căng thẳng hơn thì Ngân hàng Nhà nước sẽ bán USD ra để can thiệp thông qua 2 hình thức là bán Giao ngay (Spot) hoặc bán Kỳ hạn (FW). Nếu bán Spot thì USD sẽ được cung ra thị trường luôn để xoa dịu tỷ giá nhưng VND sẽ bị hút về Ngân hàng Nhà nước và làm thị trường tài chính ít tiền hơn.
Chứng khoán dĩ nhiên sẽ bị tác động mạnh nếu điều này xảy ra. Với việc bán FW thì mọi thứ sẽ "ít áp lực" hơn vì đồng VND sẽ bị hút về trong tương lai và hợp đồng FW vẫn có thể huỷ ngang. Vậy nên nhà đầu tư cần phải theo dõi quy mô và hình thức bán để từ đó đánh giá tác động.
Thứ ba, nếu bán USD vẫn không ổn thì khả năng nâng lãi suất lên cần được tính đến. Việc nâng lãi suất cũng cần tách làm 2 đó là lãi suất chính sách hay lãi suất thị trường. Nếu khung lãi suất chính sách được nâng lên đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi định hướng chính sách và điều này sẽ tác động khá tiêu cực.
Ngược lại, nếu âm thầm để lãi suất thị trường (huy động, liên ngân hàng) tăng khả năng sẽ tác động ít hơn. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang đi theo hướng mở lãi suất thị trường trước và động thái tiếp theo chúng cần sẽ theo dõi kỹ.
Thứ tư, trường hợp Ngân hàng Nhà nước phải bán USD nhiều đến mức dự trữ ngoại hối chạm mức cảnh báo và lãi suất cũng tăng trên cả hai mặt trần mà chưa giải quyết được tỷ giá thì khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ phải dừng bán và can thiệp bằng kết hối - việc các doanh nghiệp phải bán lại ngoại tệ cho các ngân hàng trung ương (một phần hoặc toàn bộ) để tránh tình trạng nắm giữ làm căng thẳng tình hình tỷ giá. Nếu trường hợp này xảy ra, chuyên gia Wigroup cho rằng sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán và nhà đầu tư cần hết sức thận trọng.
"Hiện tại Ngân hàng Nhà nước đang dùng "song kiếm hợp bích" một phần của công cụ 1, 2 và 3. Nếu tình hình không ổn thì đẩy mạnh hơn dùng 2 và 3 tiếp. Nhà đầu tư cần quan sát và hành động bám theo những động thái này. Theo phán đoán của tôi, khả năng Ngân hàng Nhà nước chỉ cần dùng tốt công cụ 2 và một phần 3 là tỷ giá sẽ ổn", ông Trần Ngọc Báu dự báo.