Ba năm trước, doanh nhân người Mỹ Raj Oswal đã thay mặt cho một khách hàng đến thăm thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc. Chuyến đi đã để lại ấn tượng lớn và ông Oswal quyết định ở lại để thành lập công ty công nghệ của riêng mình.
“Bạn không thể tìm thấy quá nhiều thành phố khác ở Trung Quốc hoặc xung quanh châu Á thực sự đón nhận sự đổi mới như Thâm Quyến,” ông Oswal nhận xét. Ông mô tả Thâm Quyến, thành phố 17,5 triệu dân ở biên giới phía nam của Trung Quốc với Hồng Kông, là một nơi tràn ngập “sự lạc quan của tuổi trẻ”.
Làng chài trước đây, hiện là trung tâm công nghệ với tên gọi “Thung lũng Silicon của Trung Quốc”, đã cùng với Bắc Kinh và Thượng Hải trở thành ba thành phố hàng đầu thế giới dành cho các tỷ phú, lần đầu tiên vượt qua New York trong năm nay.
Theo Danh sách người giàu toàn cầu Hurun, một bảng xếp hạng hàng năm do một công ty tư nhân có trụ sở tại Thượng Hải tổng hợp, Bắc Kinh là quê hương của số lượng tỷ phú nhiều nhất thế giới với 144 người, tiếp theo là Thượng Hải với 121. Có 113 tỷ phú ở Thâm Quyến, so với 110 ở New York, trong khi London đứng thứ 5 với 101 người.
Rupert Hoogewerf, chủ tịch kiêm trưởng nhà nghiên cứu của Hurun Report, công ty đứng sau danh sách nói trên cho biết: “Trong khi thứ hạng có thể dao động, số lượng tỷ phú ngày càng tăng ở Thâm Quyến phản ánh một ‘xu hướng lớn’ sẽ thu hút nhiều doanh nhân trẻ đến thành phố hơn trong những năm tới.”
“Sự trỗi dậy” của Thâm Quyến bắt đầu vào năm 1980, khi nó được đặt tên là đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc trong khuôn khổ “cải cách và mở cửa” của đất nước dưới thời nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Điều này cho phép thành phố thử nghiệm chủ nghĩa tư bản thị trường trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài. Từ năm 1979 đến năm 2021, tổng sản phẩm quốc nội của Thâm Quyến đã tăng từ dưới 28 triệu USD lên gần 475 tỷ USD.
Ngày nay, thành phố này là nơi đặt trụ sở của một số công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, bao gồm gã khổng lồ viễn thông Huawei và tập đoàn internet Tencent… Năm ngoái, 2.500 công ty công nghệ cao mới được nhà nước công nhận đã được thành lập ở Thâm Quyến, nâng tổng số lên 17.000, theo chính quyền địa phương.
Đây cũng là một phần của khu vực mà Trung Quốc gọi là Khu vực Vịnh Lớn, trung tâm kinh tế và kinh doanh tổng hợp nhằm kết nối Thâm Quyến với 8 thành phố khác ở tỉnh Quảng Đông cùng với các lãnh thổ của Trung Quốc là Hồng Kông và Ma Cao.
Heng Chen, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Hồng Kông, cho biết động lực phát triển của Thâm Quyến được hỗ trợ bởi môi trường luôn “chào đón” các doanh nhân.
“Cơ cấu dân số trẻ hơn nhiều so với các thành phố hạng nhất khác ở Trung Quốc, đó là một trong những lý do tại sao đây là một nơi rất hấp dẫn.”
Ngoài ra, các quan chức chính phủ ở Thâm Quyến “cam kết dành nhiều nguồn lực, tài chính để thu hút những nhân tài hàng đầu từ phần còn lại của thế giới”.
Nhưng thành phố cũng phải đối mặt với những thách thức lớn trong đại dịch Covid-19, đặc biệt là trong những tuần gần đây khi Trung Quốc phải đối mặt với đợt bùng phát tồi tệ nhất từ trước đến nay. Chiến lược zero Covid không khoan nhượng của chính phủ dựa vào việc đóng cửa biên giới, xét nghiệm hàng loạt và “lockdown” nghiêm ngặt, kéo theo những hạn chế đã gây ra sự chậm trễ tại các nhà máy cũng như cảng của Thâm Quyến - với những nhà máy lớn nhất thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề.
Trong đợt “lockdown” kéo dài một tuần ở Thâm Quyến vào tháng trước, các nhà chức trách đã cho phép một số nhà cung cấp như Foxconn Technology Group của Apple khởi động lại một số hoạt động sản xuất bằng cách sử dụng một hệ thống “khép kín” yêu cầu nhân viên ở lại nhà máy.
Bất chấp những áp lực tài chính của đại dịch, nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển, “một phần là do các thành phố của Trung Quốc rất linh hoạt”, Shang-Jin Wei, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Columbia và là cựu chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Phát triển Châu Á, cho biết. “Họ có thể thích nghi với những tình huống mới.” Ông Wei cũng cho biết Thâm Quyến đưa ra các chính sách thuận lợi cho các công ty công nghệ cao, chẳng hạn như giảm thuế.
Theo Báo cáo của Hurun, tính đến ngày 14/1, có 3.381 tỷ phú trên thế giới, hơn 153 người so với năm ngoái và tổng tài sản của họ tăng 4% lên 15,2 nghìn tỷ USD. Trong số đó, 1.133 người ở Trung Quốc và 716 người ở Mỹ. Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về số lượng tỷ phú vào năm 2016.
Nhưng các tỷ phú Trung Quốc cũng đã bị ảnh hưởng khá nhiều trong năm qua, báo cáo cho biết, trong bối cảnh các quy định về công nghệ, giáo dục và các ngành công nghiệp khác bị cấm vận cùng chiến dịch “thịnh vượng chung” của chính phủ thúc đẩy phân phối của cải đồng đều hơn.
Trung Quốc đã mất 160 tỷ phú trong năm qua, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Colin Huang, người sáng lập nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo, đã trải qua sự mất mát tài sản lớn nhất lên tới 50 tỷ USD khi cổ phiếu của công ty trên sàn Nasdaq lao dốc. Xu Jiayin, chủ tịch của nhà phát triển bất động sản có liên quan Evergrande Group, đã mất hơn 23 tỷ USD do công ty tiếp tục trễ hạn thanh toán trái phiếu.
Zhong Shanshan, người sáng lập công ty nước giải khát và nước đóng chai Nongfu Spring, vẫn là người giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản 72 tỷ USD. Người sáng lập ByteDance Zhang Yiming, công ty sở hữu ứng dụng video TikTok, đứng thứ hai với 54 tỷ USD. Xếp ngay sau anh là Zeng Yuqun, người sáng lập hãng sản xuất pin xe điện CATL, người trị giá 53 tỷ USD.
Pony Ma của Tencent và Jack Ma của Alibaba, hai trong số những tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực kinh doanh của Trung Quốc, đều lần đầu tiên lọt khỏi top 3 người giàu nhất Trung Quốc kể từ năm 2015. Pony Ma tụt xuống thứ 4 trong danh sách khi tài sản của ông giảm xuống còn 52 tỷ USD, tiếp theo là Jack Ma với 37 tỷ USD.
Không có tỷ phú Trung Quốc nào lọt vào top 10 toàn cầu - hiện dẫn đầu bởi CEO Tesla và SpaceX Elon Musk với giá trị tài sản ròng hơn 200 tỷ USD. Tại châu Á, tỷ phú viễn thông của Ấn Độ Mukesh Ambani đã phải "nhường” danh hiệu giàu có nhất khu vực cho tỷ phú đồng hương Gautam Adani. Cả hai người đàn ông đều sở hữu khối tài sản vào khoảng 100 tỷ USD, giữ vị trí thứ 10 và 11 trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes vừa được công bố trong tuần qua.