Hiện nay, thương mại điện tử đang nhanh chóng trở thành xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. Không chỉ là điểm sáng trong phát triển kinh tế số của Việt Nam, thương mại điện tử còn tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong sự phục hồi của kinh tế Việt Nam, thương mại điện tử tiếp tục là phương thức mua bán hiện đại được doanh nghiệp và người tiêu dùng lựa chọn.
Nhìn lại năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Cũng trong năm qua, Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Cả nước hiện có khoảng 61 triệu người tham gia mua sắm qua thương mại điện tử, đưa giá trị mua sắm trung bình đạt 300 USD/người/năm.
“MIẾNG BÁNH” HẤP DẪN
Theo thống kê của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), số lượng người tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng. Nếu như năm 2017 chỉ chiếm khoảng 28% tổng số người tiêu dùng, thì đến năm 2020, số lượng người tiêu dùng trực tuyến đã chiếm gần 50%. Ước tính đến năm 2025, với dân số khoảng 100 triệu người, số lượng người tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam sẽ chiếm hơn 70%.
Cũng theo số liệu này, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của Việt Nam đang nhanh chóng bắt nhịp và vượt qua các nước trong khu vực Asean. Hiện, Việt Nam đang tích cực hoàn thiện và phát triển thương mại điện tử, với mục tiêu trở thành 1 trong 4 quốc gia lớn ở Đông Nam Á vào năm 2025; tiếp tục là một trong những lĩnh vực kinh tế sáng nhất, tăng trưởng nhanh và ổn định nhất. Dự báo tốc độ phát triển thương mại điện tử của Việt Nam năm 2025 có thể lên đến 29% và tổng quy mô thị trường có thể đạt mức 39 tỷ USD, theo nghiên cứu của Statista.
Đi cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong nước, bức tranh về thị trường sàn thương mại điện tử trong quý 1/2024 cũng hiện lên nhiều gam màu tươi sáng. Theo báo cáo của Metric (nền tảng số liệu E-commerce), tổng doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam hiện nay là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã đạt mức 71.200 tỷ đồng, tăng 78,69% so với cùng kỳ năm 2023. Con số này vượt xa kỳ vọng bởi theo nhiều dự báo, doanh số thị trường thương mại điện tử năm 2024 sẽ chỉ tăng khoảng 35% so với 2023.
Đồng thời, trong 3 tháng đầu năm 2024, có tới 766,7 triệu đơn vị sản phẩm đã được giao thành công tới người tiêu dùng, tăng 83,21% so với cùng kỳ. Với nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa được triển khai, người dân đang có xu hướng chi tiêu thoải mái hơn so với giai đoạn hậu Covid-19. Cùng với đó, mua sắm online đang ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong thói quen tiêu dùng.
Dự báo trong quý 2/2024, tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam hiện nay sẽ đạt mức 84.870 tỷ đồng với 882,12 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra; tăng lần lượt 19,2% và 13,57% so với quý 1/2024. “Đây là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được khi thị trường đã có bước khởi đầu hết sức tích cực”, Metric nhấn mạnh.
Đáng chú ý, mặc dù "sinh sau, đẻ muộn" nhưng nền tảng TikTok Shop tại Việt Nam lại có mức tăng trưởng ấn tượng. Sức hút của nền tảng Tiktok Shop dường như càng được khẳng định rõ ràng hơn khi vượt qua Lazada để trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai, chỉ sau nền tảng thương mại điện tử Shopee.
Trong báo cáo mới đây, YouNet ECI - Công ty phân tích và tư vấn phát triển kênh thương mại điện tử cho biết, trong quý 1/2024, Tiktok Shop chiếm 23,2% thị phần giá trị giao dịch (GMV), với 18,36 nghìn tỷ đồng.
So với quý trước, nền tảng TikTok Shop tăng 15,5% thị phần giá trị giao dịch, “ngược dòng” thị trường qua đó chiếm thêm 6,3 điểm thị phần, gấp 3 lần Lazada.
Chia sẻ về động lực tăng trưởng của TikTok Shop, ông Nguyễn Phương Lâm, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường, YouNet ECI cho rằng: "Shoppertainment (hình thức mua sắm kết hợp giải trí) là động lực chính giúp thương mại điện tử Việt Nam giữ đà tăng trưởng tiến tới 2025. Theo dữ liệu của YouNet ECI, thời trang và làm đẹp là hai ngành hàng dẫn đầu xu hướng này. Tuy nhiên, không chỉ hai ngành hàng này mà cả những ngành hàng giá trị cao như công nghệ, gia dụng cũng đang tăng trưởng trên TikTok Shop nhanh hơn trên các nền tảng khác".
Mặc dù thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển vô cùng mạnh mẽ, nhưng theo nhiều chuyên gia đánh giá, đây mới chỉ là sự khởi đầu. Điều này cho thấy, dư địa cho sự phát triển thương mại điện tử còn rất lớn.
SỰ “ĐỔ BỘ” CỦA CÁC NHÀ ĐẦU TƯ NGOẠI
Với tốc độ phát triển nhanh chóng, cùng với việc Chính phủ Việt Nam cam kết thúc đẩy chuyển đổi số nền kinh tế đã tạo đòn bẩy cho thương mại điện tử tiếp tục bứt phá. Từ đó, thương mại điện tử Việt Nam đã thu hút rất nhiều sự đầu tư của nhiều “đại gia” nước ngoài, trong đó đầu tư nhiều nhất là các công ty, doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…
Điển hình như Tiki, một trong những sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam đã huy động thành công 130 triệu USD từ NorthStar Group. Bên cạnh đó, tập đoàn thương mại điện tử lớn thứ hai ở Trung Quốc là JD.com cũng rót một khoản tiền đầu tư chiến lược vào Tiki. Theo thỏa thuận, Tiki sẽ hợp tác với JD.com trong một loạt các lĩnh vực khác nhau từ thương mại xuyên biên giới, vận tải, hậu cần, công nghệ, tài chính…
Trong lần gọi vốn gần nhất, Sendo cũng nhận được khoản đầu tư lên tới 61 triệu USD từ một số nhà đầu tư cũ và 2 nhà đầu tư mới là EV Growth (Indonesia) và Kasikornbank (Thái Lan).
Không chỉ vậy, các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài cũng đang dần “bước chân” vào thị trường Việt Nam như Amazon, Alibaba… với hình thức mua sắm trực tuyến dễ dàng, chi phí vận chuyển thấp và nhiều chương trình ưu đãi.
Tháng 7/2023, Tập đoàn Alibaba - nền tảng thương mại điện tử toàn cầu tuyên bố sẽ tăng cường đầu tư tại các trung tâm sản xuất mới nổi của Việt Nam gồm Bình Dương, Bắc Ninh, Long An, Đà Nẵng, Hải Phòng. Từ đó thu hút nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (SME) tham gia xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Mặc dù quy mô đầu tư cụ thể không được tiết lộ nhưng 3 năm tới, tập đoàn này cho biết sẽ hoàn tất việc lập các đội chuyên trách hoạt động tại các trung tâm sản xuất mới nổi nói trên.
Đồng thời cung cấp các gói hỗ trợ về kinh doanh, hậu cần, giúp giảm gánh nặng cho doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng thông qua thương mại điện tử.
Trao đổi với báo chí, ông Mike Zhang, Giám đốc quốc gia Alibaba Việt Nam tái khẳng định Việt Nam đang sở hữu nhiều chỉ dấu tốt cho tương lai của xuất khẩu online. Đó cũng là lý do mà Alibaba sẽ tiếp tục có những chính sách phát triển cho thị trường Việt Nam, tập trung vào nhóm các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong năm 2024.
Nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới Amazon đã gia tăng sự hiện hiện tại Việt Nam thông qua việc cho phép Amazon Global Selling thành lập đội ngũ chuyên trách để đẩy mạnh hoạt động, khai thác khách hàng tại thị trường 100 triệu dân.
Động thái này của Amazon nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam liên quan đến hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới và mở rộng kinh doanh, thông qua các thị trường khách hàng quốc tế trên Amazon.
Như vậy, với sự gia nhập của Amazon và Alibaba, cũng như sự hiện diện của các đại gia khác như Lazada, Shopee… thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp Việt có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng thị trường và đưa sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng thông qua các nền tảng mua sắm trực tuyến này.