Tỉnh Hà Giang hướng đến năm 2030 phát triển xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện

Tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh đạt khoảng 8%/năm...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Sáng ngày 18/2, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại quyết định phê duyệt quy hoạch, Hà Giang đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Đồng thời, kinh tế phát triển xanh và năng động, nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Không gian kinh tế - xã hội được tổ chức, phát triển hài hòa, hợp lý gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo đảm về môi trường, sinh thái.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh đạt khoảng 8%/năm. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp - thủy sản chiếm khoảng 22 - 23%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 29,0%; dịch vụ chiếm khoảng 43 - 44%; thuế sản phẩm, trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 4 - 5%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt khoảng 95 triệu đồng; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7%/năm; thu ngân sách trên địa bàn đạt khoảng 6.000 tỷ đồng; khách du lịch đạt khoảng 5 triệu lượt người…

Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, phấn đấu xây dựng tỉnh Hà Giang là tỉnh phát triển trung bình khá của cả nước, theo hướng xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện; giữ vị trí quan trọng của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ về phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới, du lịch và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Để thực hiện được mục tiêu trên, quy hoạch tỉnh Hà Giang nêu rõ, các nhiệm vụ đột phá được tỉnh thực hiện là, ưu tiên nguồn lực để xây dựng, hoàn chỉnh tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang với quy mô 4 làn xe; đầu tư tuyến nối đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai với quy mô 4 làn xe.

Cùng với đó, khai thác tiềm năng du lịch gắn với bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc. Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng chú trọng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có lợi thế của tỉnh; sắp xếp ổn định sản xuất, đời sống dân cư nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng thương mại dịch vụ của khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy để thu hút đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu; phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với vùng nguyên liệu tập trung.

Phát triển bền vững chất lượng giáo dục các cấp; phát triển giáo dục nghề nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh, giảm nhẹ tác động của thiên tai.

Xây dựng bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn, hiệu quả, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành; chú trọng cung cấp các dịch vụ số hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính và thu hút đầu tư…

toan-canh-7952.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, mặc dù quy hoạch tỉnh Hà Giang đã được phê duyệt nhưng chặng đường trước mắt để triển khai thực hiện quy hoạch là vô cùng quan trọng và còn nhiều thách thức, khó khăn.

Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị Hà Giang cần bám sát các chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của tỉnh về phát triển trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế với các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Đồng thời, phải huy động tốt các nguồn lực để thực hiện quy hoạch. Trong quá trình triển khai cần đặc biệt chú ý đến việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực, các tài nguyên, nhất là đất đai. Chủ động nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách đột phá; xác định có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên đầu tư các công trình có tính chất chiến lược, các dự án động lực, có tính lan tỏa lớn và có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong quy hoạch. Rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành theo quy định, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh.

Tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; chú trọng phát triển văn hóa, con người, nâng chất lượng cuộc sống của người dân; quản lý tổng hợp, thống nhất các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu…

Với tinh thần “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, phát triển” cùng với khát vọng vươn lên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin rằng, tỉnh Hà Giang sẽ ngày càng phát triển, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, hướng tới mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Hà Giang phát triển xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện.

Có thể bạn quan tâm