Việt Nam vẫn là "miền đất hứa" thu hút vốn FDI

Trong năm 2023, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt mức cao kỷ lục 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Con số này cho thấy các nhà đầu tư rất quan tâm đến Việt Nam và là điểm đến đầu tư ổn định, hấp dẫn và tiềm năng...

dung-6395.jpeg
Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Trong bối cảnh dòng chảy đầu tư toàn cầu có nhiều biến động, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thành công nhất trong khu vực. Nguồn lực FDI cũng trở thành thành phần quan trọng của nền kinh tế và mang lại những dấu ấn tích cực, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã dành cho Tạp chí Thương Gia một cuộc trao đổi xung quanh câu chuyện thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2024.

Trong năm 2023, nền kinh tế trong và ngoài nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Song, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã vươn lên trở thành “điểm sáng” trong các bộ ngành và đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với FDI toàn cầu. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Trong năm 2023, Việt Nam đã đạt được kết quả thu hút đầu tư nước ngoài khá ấn tượng mặc dù nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt mức cao kỷ lục 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Con số này cho thấy các nhà đầu tư rất quan tâm đến Việt Nam và là điểm đến đầu tư ổn định, hấp dẫn và tiềm năng.

Đồng thời, số vốn giải ngân cũng đạt kết quả ấn tượng với 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022, cũng là mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Trong bối cảnh nền kinh tế năm 2023 gặp nhiều khó khăn thì đây là tín hiệu tốt cho thấy khối doanh nghiệp FDI vẫn duy trì tốt hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư mới tăng mạnh cả về vốn đầu tư (tăng 62,2%) cũng như số dự án đầu tư mới (tăng 56,6%), cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mới.

bieu-do-1-8779.png

Trong năm qua, Việt Nam cũng có sự cải thiện đáng kể về chất lượng các dự án đầu tư. Phần lớn các dự án tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 64,2%). Trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực điện tử, sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ tiên tiến…

Đến nay, Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn và an toàn nên đang có làn sóng đầu tư vào Việt Nam với các dự án lớn thuộc lĩnh vực công nghệ, điện tử,…

Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì chiến lược chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường…

Ngoài ra, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao, có sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu,… Đẩy mạnh các lĩnh vực khuyến khích đầu tư như: điện, điện tử, bán dẫn; năng lượng tái tạo, nông nghiệp hiệu quả cao; kinh tế số, chuyển đổi số; đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; trung tâm tài chính.

Bắt đầu từ ngày 1/1/2024, Việt Nam sẽ chính thức áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có nhiều quan điểm cho rằng, điều này ảnh hướng rất lớn tới quá trình thu hút đầu tư nước ngoài và động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước nói chung. Bộ trưởng đánh giá ra sao về quan điểm trên?

Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ có những cơ hội và thách thức trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài.

Về cơ hội, thứ nhất, giành được quyền đánh thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp thuộc phạm vi Trụ cột 2 đang hoạt động tại Việt Nam và từ các tập đoàn Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài, ngăn dòng chảy thuế sang quốc gia khác và bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Thứ hai, đây là động lực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và ban hành chính sách mới, thu hẹp khoảng cách về chính sách giữa nội luật và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước.

Thứ ba, là cơ hội để rà soát và cập nhật chính sách ưu đãi đầu tư, qua đó không ngừng hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Thứ tư là thúc đẩy quá trình thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế Việt Nam tới năm 2030 theo Quyết định 508/QĐ-TTg ngày 23 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ với 3 trụ cột về: cải cách thể chế quản lý thuế hiệu quả theo hướng hội nhập, trong đó có việc áp dụng đầy đủ các chuẩn mực kiểm toán quốc tế - một vấn đề được cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm; phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin hiện đại trong bối cảnh kinh tế số.

Về thách thức, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, qua đó làm ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài, thể hiện trên một số mặt sau:

Trước hết, khó khăn trong việc thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, nhất là các dự án thuộc diện đặc biệt ưu đãi đầu tư. Kế tiếp là việc giữ chân các nhà đầu tư lớn cũng như việc khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam gặp khó khăn nếu Việt Nam không kịp thời có các giải pháp.

Cuối cùng là những hạn chế trong việc thu hút doanh nghiệp vệ tinh thuộc chuỗi cung ứng của những nhà đầu tư lớn, nhất là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao. Trong khi hiện nay, số lượng doanh nghiệp này là đáng kể, đóng góp quan trọng đối với phát triển các ngành công nghiệp tại Việt Nam, nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt Nam và kết nối vào chuỗi giá trị sản xuất của thế giới.

Theo đánh giá của Bộ trưởng, bước sang năm 2024, Việt Nam sẽ đối mặt với những thách thức nào trong việc thu hút dòng vốn FDI? Xin Bộ trưởng cho biết, để nâng cao khả năng thu hút vốn FDI, chúng ta cần có những giải pháp như thế nào?

Bước sang năm 2024, việc thu hút đầu tư nước ngoài Việt Nam có thể tiếp tục đối mặt với vô vàn khó khăn.

Trên thế giới, xung đột địa chính trị thế giới vẫn tiếp tục phức tạp và khó lường. Mặt khác, lạm phát toàn cầu vẫn được dự báo ở mức cao 5,8%, thậm chí cao hơn năm 2023 (5,2%).

Các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào quốc gia lân cận để rút ngắn bớt chuỗi cung ứng. Nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản - nằm trong nhóm những nguồn FDI lớn nhất của Việt Nam, Mỹ và một số nước trong EU, đều đang cố gắng hạn chế đầu tư ra nước ngoài bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng cường ưu đãi đầu tư trong nước để thu hồi vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, đồng tiền của Hàn Quốc, Nhật Bản bị mất giá 20-25% nên ảnh hưởng đến đầu tư ra nước ngoài của hai đối tác lớn nhất này.

Nhiều tập đoàn đa quốc gia đang tái cơ cấu chuỗi sản xuất và hạn chế hoạt động đầu tư mới do triển vọng tăng trưởng toàn cầu suy giảm, trong khi chi phí đầu tư tiếp tục tăng cao.

Cạnh tranh trong thu hút đầu tư ngày càng khốc liệt, một số nước từ khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia với nguồn lực tốt hơn, giảm thuế hoặc hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đòi hỏi Việt Nam phải không ngừng hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, khẳng định vị trí của mình trong bản đồ đầu tư nước ngoài.

Việc các nước tiến tới áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm mất đi vai trò của những hình thức ưu đãi truyền thống (như ưu đãi về thuế, đất đai…) trong cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong nước, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam còn tồn tại một số khâu gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, thủ tục hành chính “sau đầu tư” như đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy,… còn nhiều điểm bất cập, gây ảnh hưởng đến tiến trình thuận lợi hóa môi trường đầu tư.

Các ngành cần ưu tiên thu hút, tạo sự phát triển đột phá tại Việt Nam như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng,… chưa có cơ chế tương xứng để thu hút đầu tư. Mặc dù một số chính sách ưu đãi đầu tư đã được ban hành song kết quả chưa đáp ứng kỳ vọng.

Tình trạng thiếu hụt lao động, nguyên vật liệu cục bộ tại một số ngành, địa phương chưa được giải quyết triệt để dẫn đến nguy cơ gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng cục bộ trong ngắn hạn.

Trước những khó khăn nêu trên, để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần phải thực hiện linh hoạt những giải pháp sau:

Một là tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài phù hợp với xu hướng đầu tư toàn cầu, trong đó đặc biệt quan tâm đến các ngành, lĩnh vực có khả năng đóng góp cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số như: năng lượng tái tạo, xử lý rác thải, phát triển đô thị xanh, nông nghiệp sạch, nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo.

Hai là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan,…

Ba là nghiên cứu, xây dựng cơ chế đột phá liên quan đến các chính sách về tài chính, chứng khoán, tiền tệ. Tập trung xây dựng và hoàn thiện đề án Trung tâm tài chính tại TP.HCM và Đà Nẵng để tạo động lực đột phá và phát triển kinh tế xã hội.

Bốn là đẩy mạnh việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp cũng như đón đầu xu hướng để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong thời gian tới.

Năm là hỗ trợ đồng bộ cho việc thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự bứt phá như công nghệ cao, bán dẫn, đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện tối đa và khuyến khích các doanh nghiệp triển khai hoạt động R&D hoặc hợp tác chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Sáu là sớm ban hành các chính sách phù hợp để thích ứng hiệu quả, linh hoạt trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư, duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Bảy là chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về hạ tầng, đất sạch, năng lượng, nguồn nhân lực để thu hút những dự án đầu tư lớn, thực sự có ý nghĩa cho phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, đặc biệt các dự án trong lĩnh vực hạ tầng giao thông để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

Tám là chọn những lĩnh vực đột phá như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trung tâm tài chính, sản xuất chip bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo,… từ đó, định vị các tập đoàn đa quốc gia tiềm năng có công nghệ, có nguồn lực tài chính trong các lĩnh vực nêu trên thông qua các kênh có tầm ảnh hưởng đến người ra quyết định đầu tư để chủ động tiếp cận, trao đổi và mời gọi đầu tư vào Việt Nam.

Từ những thách thức cũng như thành tựu đạt được trong năm 2023, Việt Nam cần rút ra bài học gì trong việc thu hút vốn FDI để đây tiếp tục là động lực quan trọng góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP của cả nước, thưa Bộ trưởng?

Từ những thách thức và thành tựu đạt được trong năm 2023, Việt Nam cần rút ra nhiều bài học để tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, giữ sự ổn định của môi trường đầu tư, đặc biệt là các cam kết mà chính quyền đã ký kết và sự ổn định của chính sách.

bieu-do-3-393.jpg

Liên tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan,… để hỗ trợ hoạt động đầu tư nước ngoài.

Cần có sự hỗ trợ đồng bộ cho việc thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự bứt phá như công nghệ cao, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, hydrogen xanh,…; tạo điều kiện tối đa và khuyến khích các doanh nghiệp triển khai hoạt động R&D hoặc hợp tác chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

bieu-do-4-1875.jpg

Cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về hạ tầng, đất sạch, năng lượng, nguồn nhân lực để thu hút những dự án đầu tư lớn, thực sự có ý nghĩa cho phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, đặc biệt các dự án trong lĩnh vực hạ tầng giao thông để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

Tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, nghiên cứu đề xuất các giải pháp thiết thực, cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Lựa chọn các nhà đầu tư tiềm năng trong các lĩnh vực trọng điểm (công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ chất lượng cao,…) để chủ động tiếp cận trao đổi, mời gọi vào đầu tư tại Việt Nam.

Trân trọng cám ơn Bộ trưởng!

Xem thêm

Vợ chồng doanh nhân Nguyễn Ngọc Trung và Đào Thị Hương

Háo hức mong chờ Tết đến Xuân về

Đó là chia sẻ với Thương Gia của doanh nhân Nguyễn Ngọc Trung - Chủ thương hiệu Nhà may Ba Thành và vợ anh – nữ doanh nhân Đào Thị Hương – Giám đốc kinh doanh của Nhà may...

Chuyển đổi xanh: Thách thức năm 2024

Chuyển đổi xanh: Thách thức năm 2024

Hiện nay, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường nhập khẩu phải được coi là bắt buộc đối với các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất khẩu...

Từ quê đến phố, Tết là đoàn viên

Từ quê đến phố, Tết là đoàn viên

Tết quê - Tết Việt! Như những dòng sông muôn phương quần tụ về biển mẹ, và những dòng hải lưu sẽ cuộn chảy về với vầng mặt trời quê hương...

Xu hướng thiết kế nội thất năm 2024: Đặt con người làm trung tâm

Xu hướng thiết kế nội thất năm 2024: Đặt con người làm trung tâm

Nội thất không chỉ là những vật dụng cần thiết mà còn là biểu tượng của phong cách và dấu ấn cá nhân. Những biến chuyển trong ngành thiết kế và trang trí nội thất đang tạo ra những xu hướng mới, làm thay đổi cách mỗi người nhìn nhận và trải nghiệm không gian sống…

Kinh tế toàn cầu 2024: Kiên cường trước “sóng lớn”

Kinh tế toàn cầu 2024: Kiên cường trước “sóng lớn”

Khi thế giới tiến gần đến điểm giữa của giai đoạn phát triển được dự đoán là một thập kỷ chuyển đổi, nền kinh tế toàn cầu có thể vẫn phải đối mặt với vô số khó khăn vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng GDP nửa thập kỷ ghi nhận mức chậm nhất trong 30 năm…

Có thể bạn quan tâm

Những niềm vui lớn của cổ đông Masan Consumer trong năm 2024

Những niềm vui lớn của cổ đông Masan Consumer trong năm 2024

Năm 2024 thực sự là một năm bội thu đối với cổ đông Masan Consumer với những bước tiến vượt bậc, doanh nghiệp này không chỉ khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành hàng tiêu dùng mà còn mang đến những niềm vui bất ngờ cho các nhà đầu tư...

GS.TS. Phạm Hùng Việt giới thiệu công trình nghiên cứu khoa học công nghệ về giá trị khoa học và tính ưu việt của các bài thuốc dân gian có tác dụng điều trị bệnh gan, mật của các dân tộc vùng Tây Bắc

Cần sự chung tay nhiều bên để tài sản trí tuệ đi vào cuộc sống

“Chuyển giao tri thức và thương mại hóa tài sản trí tuệ không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của chúng ta trong việc tạo ra giá trị bền vững từ tri thức. Điều này đòi hỏi sự chung tay của nhiều bên, từ các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ quan quản lý đến các nhà đầu tư và tổ chức hỗ trợ”...