Trong tháng 12, khởi công cao tốc trị giá 11 nghìn tỷ từ vốn doanh nghiệp tư nhân

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái trị giá 11 nghìn tỷ đồng sẽ chính thức được khởi công trong tháng 12 tới. Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm được Quảng Ninh tích cực đưa vào khai thác.
Trong tháng 12, khởi công cao tốc trị giá 11 nghìn tỷ từ vốn doanh nghiệp tư nhân

Tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn sẽ kết nối với tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Đây là dự án giao thông không có vốn góp của doanh nghiệp Nhà nước mà là sự hợp tác được ký giữa UBND tỉnh Quảng Ninh (cơ quan nhà nước có thẩm quyền) và Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Long Vân - Công ty cổ phần Mặt Trời Vân Đồn - Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Công Thành (nhà đầu tư).

Liên danh 3 đơn vị này sẽ cùng góp vốn đầu tư 11.195,403 tỷ đồng, thành lập doanh nghiệp dự án mang tên Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn để triển khai dự án trên diện tích 456,2ha thuộc địa bàn các huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và TP Móng Cái với tổng chiều dài xây dựng tuyến là 80,2km, đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h theo TCVN 5729-2012.

Trong đó điểm đầu tại Km70+108 (xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn), điểm cuối tại Km150+339 (giao với đường tỉnh 335, trùng với điểm cuối Dự án cầu Bắc Luân II, TP Móng Cái).

Thời gian kinh doanh, khai thác theo phương án tài chính tại thời điểm đàm phán: 18,56 năm. Thời gian thực tế sẽ được xác định từ thời điểm dự án hoàn thành, được quyết toán vốn đầu tư theo quy định của pháp luật và điều chỉnh theo quy định của hợp đồng dự án.

Giá phí sử dụng dịch vụ sẽ từ 1.500-6.000 đồng/km tùy loại phương tiện. Mức tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các năm tiếp theo (sau 3 năm đầu) là 18%/3 năm. Mức tăng này là tạm tính và sẽ được điều chỉnh theo quy định của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP, Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT và các văn bản khác có liên quan.

Chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng lựa chọn được nhà đầu tư được tỉnh này đánh giá là đủ tiềm lực, phù hợp để sẵn sàng khởi công theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Để đối ứng, hợp tác theo hình thức đối tác công - tư, đảm bảo mặt bằng sạch thi công dự án trong 22 tháng, trước đó UBND tỉnh đã tách công tác GPMB thành dự án độc lập, sử dụng ngân sách địa phương. Trong đó, giao cho UBND các huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và TP Móng Cái làm chủ đầu tư đối với công tác GPMB theo phạm vi chiếm dụng của dự án.

Theo thông tin từ các địa phương, đến nay tổng khối lượng mặt bằng sạch có thể bàn giao cho chủ đầu tư đạt 72,06/80,2km, bằng gần 90%. Phần còn lại đang vướng tại TP Móng Cái, do diện tích GPMB lớn. Tuy nhiên, Móng Cái đã quyết tâm, chậm nhất hết tháng 12/2018 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng tuyến.

Có thể bạn quan tâm