Hơn thập kỷ qua, các doanh nghiệp Trung Quốc đã bành trướng khắp nơi trên thế giới với việc đầu tư không tiếc tay. Sự hiện diện từ châu Á, châu Phi, đến Mỹ và Mỹ Latin như một minh chứng họ là cường quốc thế giới mới nổi. Tuy nhiên, sự khuếch trương dù rải rác nhưng rộng khắp ở châu Âu lại chưa được biết nhiều.
Theo số liệu của Bloomberg, Trung Quốc đã bỏ ra 318 tỷ USD để đầu tư ở châu Âu trong vòng 10 năm qua. Về mặt giá trị, đầu tư của Trung Quốc ở châu lục này nhiều hơn hoạt động tương tự của Mỹ đến 45%.
Quy mô và tính chất của một số khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở Đông và Nam Âu cho đến các công ty công nghệ cao ở Tây Âu đã khiến cả Liên minh châu Âu (EU) cảnh giác. Lãnh đạo khối này, gồm có Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đang thúc đẩy một chiến lược chung nhằm kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc, và họ cũng đối mặt với cả sự phản đối ngoài EU.
Bloomberg đã phân tích số liệu tài chính công khai của 678 hợp đồng ở 30 quốc gia từ năm 2008, kết quả cho thấy các công ty tư nhân và nhà nước Trung Quốc đã tham gia vào các thương vụ trị giá ít nhất 255 tỷ trên toàn châu Âu. Họ đã mua đứt 360 công ty, trong đó có hãng sản xuất lốp Pirelli & C. SpA của Ý và công ty cho thuê máy bay Avolon Holdings Ltd. của Ai Len, sở hữu một phần hoặc toàn bộ 4 sân bay, 6 cảng biển, và nhiều nhà máy điện gió ở 9 quốc gia, kể cả 13 đội bóng đá chuyên nghiệp.
Đáng chú ý là các con số đưa ra không bao gồm 355 vụ sáp nhập, đầu tư, và liên doanh nên vẫn chưa đánh giá đúng quy mô và phạm vi tham vọng của Trung Quốc ở châu Âu.
Bloomberg đã đánh giá hàng chục thương vụ lớn về các lĩnh vực trên và đưa ra con số tăng thêm đến 13,3 tỷ USD, chưa kể đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới hay các hoạt động trên thị trường chứng khoán lên đến 40 tỷ USD như Viện Doanh nghiệp Mỹ và Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR) đưa ra, cũng như cổ phần trị giá 9 tỷ USD mà công ty Zhejiang Geely Holding Group sở hữu ở tập đoàn Daimler AG – công ty mẹ của Mercedes-Benz.
Điển hình cho sự thâu tóm của Trung Quốc là tại London, nơi họ vung tiền mua hàng chục tòa tháp ở trung tâm London và trung tâm tài chính Canary Wharf.
Số khoản đầu tư của Trung Quốc ở các nước thuộc EU. Nguồn: Bloomberg
Năm 2016 đánh dấu một năm gặt hái các thương vụ thâu tóm của Trung Quốc ở châu Âu khi Tập đoàn Hóa chất quốc gia (ChemChina) tuyên bố mua hãng thuốc bảo vệ thực vật Thụy Sỹ Syngenta AG với giá 46,3 tỷ USD.
Ngoại trừ thương vụ khổng lồ Syngenta, giá trị đầu tư dao động trong khoảng 20 tỷ USD mỗi năm, và tăng dần kể từ năm 2014. Càng ngày, giá trị các thương vụ càng giảm, trung bình 290 triệu USD/vụ vào năm 2016-2017, so với 740 triệu USD/vụ những năm 2008-2009, còn từ đầu năm đến nay, trung bình khoảng 127 triệu USD/vụ.
Hơn một nửa các khoản đầu tư tập trung ở năm nền kinh tế lớn nhất châu Âu, chỉ riêng ở Anh lên đến 70 tỷ USD. Nhưng các thương vụ đình đám lại ở các nước nhỏ khác như vụ mua cảng lớn nhất Hy Lạp Piraeus, đây cũng là một trong những vụ thâu tóm cơ sở hạ tầng lớn nhất mà Trung Quốc thực hiện.
Châu Âu cũng thể hiện sự phân hóa trong đón nhận dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc. Trong khi Đức, Pháp và Ý đang thúc đẩy cơ chế sàng lọc đầu tư rộng khắp châu Âu thì Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Cộng hòa Síp lại hoài nghi động thái đó, cho rằng sẽ cản trở khả năng thu hút nguồn vốn mà các nước này đang cần.
Derek Scissors, nhà nghiên cứu về Trung Quốc ở Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng: “Tiền sẽ đổ về nơi nào cần nó. Cho đến khi châu Âu có cơ chế rà soát đầu tư nước ngoài (đến nay mới chỉ Mỹ và Úc có cơ chế này), châu lục này sẽ thu hút lượng lớn vốn đầu tư Trung Quốc. Hy vọng châu Âu sẽ có hành động điều chỉnh đầu tư của Trung Quốc, nhưng rõ ràng hiện tại nó là điểm đến số 1”.
Dù mua bất động sản thương mại ở London, các công ty công nghệ của Đức như hãng sản xuất robot Kuka AG, hãng xe hơi Volvo Personvagnar AB, hay các công ty năng lượng như Addax Petroleum của Thụy Sỹ, đầu tư của Trung Quốc vẫn tập trung vào một số ngành công nghiệp chủ chốt.
Các ngành công nghiệp đó bao gồm tài chính, năng lượng truyền thống, bất động sản, hóa chất, và Internet/phần mềm.
Việc biết được ai đứng đằng sau các thương vụ thâu tóm sẽ giúp hiểu được mục đích chính sách đối ngoại chính thức và phi chính thức của Trung Quốc. Kể từ 2008, có đến 670 công ty Trung Quốc và có trụ sở ở Hồng Kông đầu tư vào châu Âu, trong đó có gần 100 công ty được các công ty nhà nước hoặc các quỹ đầu tư hậu thuẫn. Theo Bloomberg, họ thực hiện nhiều thương vụ trị giá đến 162 tỷ USD, chiếm 63% giá trị các thương vụ được biết.
Tuy nhiên, ranh giới giữa công ty nhà nước và tư nhân ở Trung Quốc mờ nhạt hơn ở châu Âu. Nhóm các công ty của Tập đoàn Cosco lại có các chi nhánh giao dịch công khai của công ty nhà nước là Tập đoàn Vận tải Đại dương (China Ocean Shipping Group Co.), đã mua cổ phần hoặc đang hoạt động tại các cảng từ Bosphorus ở Hy Lạp đến biển Baltic. Họ đang thách thức ưu thế vận tải biển của châu Âu.
Tám trong số 10 công ty thâu tóm đều thuộc sở hữu nhà nước hoặc do chính phủ hậu thuẫn, gồm có Tổng công ty Đầu tư Trung Quốc (China Investment Corp), Tổng công ty Nhôm Trung Quốc (Aluminum Corp. of China Ltd.), và Silk Road Fund Co. (một quỹ đầu tư quốc gia có quan hệ mật thiết với Sáng kiến Vành đai và Con đường)
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị lại quả quyết hồi tháng Ba rằng không có sự hậu thuẫn nào hết, tất cả đều minh bạch, cũng không có kẻ chiến thắng mà chỉ là các dự án các bên đều có lợi.
Có hai cách giao dịch chính của Trung Quốc ở châu Âu, đó là các vụ thâu tóm cổ phiếu lớn trên thị trường mở, ví dụ Ping An Insurance Group nắm cổ phần trị giá 10 tỷ USD ở HSBC Holdings Plc; và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hoặc các dự án xây dựng trên đất chưa khai thác.
Phân tích của Bloomberg dựa trên dữ liệu của Dereck Scissors cùng với nghiên cứu của ECFR cho thấy có ít nhất 9 dự án FDI mà tập trung chủ yếu ở London. Thêm cả vài trường hợp ngoại lệ như dự án đại siêu thị trị giá 3,4 tỷ USD ngoại ô Paris mà công ty bất động sản Dalian Wanda Group Co. đang theo đuổi nhằm cạnh tranh với chuỗi siêu thị Pháp là Auchan Holding SA.
Theo dữ liệu của Bloomberg và báo cáo của Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR), các công ty Trung Quốc đã thể hiện quan tâm đến một loạt các thương vụ ở châu Âu chưa chính thức công bố, như xây lò phản ứng hạt nhân ở Romania và Bulgaria, mua cảng container ở Croatia, xây một cảng ở Thụy Điển, tiếp quản hãng sản xuất ô tô Skoda Transportation AS của Cộng hòa Séc và công ty sản xuất dầu và khí đốt của Ai-len, đầu tư vào công ty thang máy trượt tuyết Pháp Compagnie des Alpes, công ty điều hành lưới điện của Đức, đầu tư vào một cây cầu ở Croatia và tuyến đường sắt Budapest-Belgrade.
Theo Linh Phạm/ Bizlive