Nước Mỹ bầu cử Tổng thống như thế nào?

Với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 đang đến gần, ứng viên Donald Trump và Kamala Harris gấp rút vận động cử tri tham gia bỏ phiếu ngày 5/11. Tuy nhiên, người chiến thắng sẽ không được quyết định dựa trên số phiếu phổ thông mà là từ một nhóm 538 đại diện trong Đại cử tri đoàn…

133565744-us-elec-guide-976-header-ncpng.jpg

Theo luật pháp nước Mỹ quy định, bầu cử tổng thống phải được tổ chức 4 năm một lần và diễn ra sau ngày Thứ Hai đầu tiên của tháng 11. Năm nay là vào Thứ Ba ngày 5/11.

QUY TRÌNH BẦU CỬ TẠI MỸ

Hệ thống chính trị Mỹ chủ yếu được chi phối bởi hai đảng đứng đầu: đảng Dân chủ theo hướng trung tả và tự do, đảng Cộng hòa với quan điểm cánh hữu và bảo thủ.

Các ứng cử viên từ hai đảng sẽ cạnh tranh để giành vị trí đại diện cho đảng trong cuộc đua tổng thống. Để chọn ứng cử viên, hai đảng tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ hoặc họp nhóm tại các bang, và người thắng cuộc sẽ chính thức nhận đề cử tại Đại hội Toàn quốc của từng đảng.

Vòng tranh cử năm nay là cuộc so tài giữa Phó Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris và cựu Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump.

Tổng thống Joe Biden ban đầu dự định tái tranh cử nhiệm kỳ hai, nhưng đã rút lui vào tháng 7 sau một buổi tranh luận không thành công, làm dấy lên nghi ngờ về điều kiện sức khoẻ và khả năng lãnh đạo của ông thêm 4 năm nữa. Ngoài ra, cũng đã có các ứng cử viên tổng thống đến từ các đảng nhỏ hoặc cá nhân độc lập như Jill Stein từ đảng Xanh, Chase Oliver từ đảng Tự do và học giả phản đối chiến tranh Cornel West.

Trong giai đoạn bầu cử, hai ứng cử viên tổng thống sẽ chọn “cánh tay phải” của mình cho vị trí ứng viên phó tổng thống - trường hợp này bà Kamala Harris chọn Thống đốc bang Minnesota Tim Walz và ông Donald Trumo chọn Thượng nghị sĩ bang Ohio JD Vance.

Vì không có cơ quan quốc gia nào phụ trách bầu cử, nên các cơ quan địa phương sẽ tổ chức bầu cử với sự hỗ trợ từ hàng nghìn nhân viên quản lý. Mỗi tiểu bang sẽ giám sát cuộc bầu cử của riêng mình, nên thời gian bỏ phiếu cũng khác nhau. Một số địa điểm bỏ phiếu đầu tiên ở Indiana và Kentucky sẽ đóng cửa vào khoảng 6 giờ vào Ngày Bầu cử, (5/11), trong khi các điểm cuối cùng như Alaska đóng cửa vào khoảng 1 giờ sáng thứ Tư (6/11). Các nơi khác sẽ có thời gian đóng cửa nằm giữa hai mốc giờ này.

Tuy nhiên, hàng triệu người Mỹ cũng có thể bỏ phiếu sớm thông qua hình thức trực tiếp hoặc qua thư.

ap24268721643143-1-1729132822.jpg

Theo hiến pháp Mỹ, công dân cần đáp ứng các điều kiện cơ bản để được tham gia bầu cử, bao gồm: là công dân Mỹ, cư trú tại tiểu bang đã đăng ký bầu cử và đủ 18 tuổi trở lên. Hiện tại, có khoảng 160 triệu cử tri Mỹ đã đăng ký, nhưng không phải tất cả đều sẽ tham gia bầu cử.

Trong kỳ bầu cử 2020, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt khoảng 66%, là mức cao nhất trong hơn một thế kỷ qua.

Rất khó có khả năng người chiến thắng sẽ được xác định ngay trong đêm bầu cử, nhưng cũng không phải là không thể. Thông thường, kết quả được công bố vào đêm bầu cử hoặc sáng hôm sau.

Khi các điểm bỏ phiếu trên toàn Mỹ đóng cửa vào Ngày Bầu cử, truyền thông sẽ báo cáo kết quả theo thời gian thực, bắt đầu từ Múi giờ Bờ Đông. Kết quả cuối cùng có thể không có ngay lập tức, đặc biệt với số lượng lớn phiếu bầu qua thư và phiếu vắng mặt. Một số bang cho phép phiếu bầu có dấu bưu điện Ngày Bầu cử được tính ngay cả khi đến muộn hơn, dẫn đến sự chậm trễ tại những bang có cách biệt hẹp.

ĐẠI CỬ TRI ĐOÀN

Để biết rõ hơn về hệ thống bầu cử Mỹ, cần hiểu thêm về Đại cử tri đoàn. Khác với Quốc hội Mỹ, nơi thành viên được bầu trực tiếp, vị trí tổng thống Mỹ không được chọn qua bầu cử phổ thông.

Khi người dân Mỹ đi bỏ phiếu, họ thực chất đang chọn ra một nhóm “đại cử tri” của bang, những người sẽ đại diện cho họ tại Đại cử tri đoàn và bỏ phiếu cho các ứng viên tổng thống và phó tổng thống dựa trên số phiếu phổ thông tại bang đó.

Mỗi tiểu bang được phân bổ số lượng đại cử tri nhất định dựa trên dân số. Sau khi phiếu được kiểm và xác nhận, các đại cử tri chính thức bỏ phiếu bầu tổng thống của họ.

Để giành chiến thắng, ứng viên cần đạt 270 phiếu đại cử tri, chiếm đa số trong tổng số 538 phiếu. Mỗi tiểu bang có số lượng đại cử tri bằng với tổng số ghế của bang đó trong Hạ viện và Thượng viện. Có tổng cộng 538 đại cử tri trên cả nước Mỹ: 535 đại cử tri từ 50 bang của Mỹ và 3 đại cử tri từ thủ đô Washington, D.C.

Trong 48 bang, hệ thống “được ăn cả” (winner-takes-all) được áp dụng, nghĩa là các ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống nhận được số phiếu phổ thông nhiều nhất sẽ giành được toàn bộ phiếu đại cử tri của bang đó. Riêng Nebraska và Maine áp dụng phương pháp khác, theo đó ứng cử viên thắng phiếu phổ thông trên toàn bang sẽ nhận được hai phiếu đại cử tri, còn các phiếu đại cử tri còn lại được phân bổ cho người chiến thắng ở từng khu vực bầu cử quốc hội của bang.

Hệ thống này có thể tạo ra những kết quả bất ngờ: một ứng viên có thể thắng phiếu phổ thông nhưng thua trong Đại cử tri đoàn. Trường hợp này từng xảy ra năm lần trong lịch sử nước Mỹ, và gần đây nhất là vào năm 2016 khi ông Donald Trump giành chiến thắng trước bà Hillary Clinton dù bà Clinton hơn ông Trump gần ba triệu phiếu phổ thông.

Khi ngày bầu cử 2024 đến gần, cả hai ứng cử viên năm nay là bà Kamala Harris và ông Donald Trump đều đang “chạy nước rút” để chiếm lấy ưu thế ở các bang dễ dao động. Những cử tri chưa quyết định tại các bang này có thể làm nghiêng cán cân về bất cứ phía nào. Theo dõi của FiveThirtyEight cho thấy, bà Harris đang dẫn trước ông Trump với cách biệt nhỏ 1,5 điểm trên toàn quốc, tuy nhiên ông Donald Trump đang dần thu hẹp khoảng cách một cách nhanh chóng. Cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos chỉ ra rằng bà Harris chỉ dẫn trước một điểm, nằm trong khoảng sai số.

https-d1e00ek4ebabmscloudfrontnet-production-27676a06-d86c-4801-9a71-978e6d1f810f.jpg

Trên thực tế, ông Donald Trump đang chiếm ưu thế về các vấn đề kinh tế và nhập cư, trong khi bà Kamala Harris lại có lợi thế về các vấn đề xã hội. Tại các bang như Pennsylvania, Georgia và Arizona, cách biệt hiện là rất mong manh. Mặc dù nhiều cuộc thăm dò quốc gia đang ủng hộ bà Harris, nhưng kết quả cuối cùng của Đại cử tri đoàn vẫn chưa thể đoán định.

Nếu không có ứng viên nào đạt được 270 phiếu đại cử tri, một cuộc bầu cử theo thể thức Contingent Election sẽ diễn ra. Khi đó, Hạ viện sẽ chọn tổng thống với mỗi bang có một phiếu, còn Thượng viện chọn phó tổng thống. Ứng viên ở Hạ viện cần đa số (26 bang) để chiến thắng.

Lần gần nhất mà quy trình này diễn ra là vào năm 1824 khi ông John Quincy Adams được bầu bởi Hạ viện sau khi ông Andrew Jackson thắng cả phiếu phổ thông và phiếu đại cử tri nhưng không đạt được đa số.

Các mốc thời gian quan trọng:

Ngày Bầu cử 5/11/2024: Phần lớn người Mỹ đi bầu cử trực tiếp hoặc qua thư.

Thời hạn xác nhận kết quả 6/11 – 11/12/2024: Các bang xác nhận kết quả bầu cử trong khoảng thời gian này.

Phiếu bầu của Đại cử tri 17/12/2024: Đại cử tri đoàn họp để bỏ phiếu chính thức.

Quốc hội kiểm phiếu đại cử tri 6/1/2025: Quốc hội họp để kiểm và xác nhận phiếu đại cử tri.

Ngày tuyên thệ nhậm chức 20/1/2025: Tổng thống đắc cử tuyên thệ nhậm chức, đánh dấu quá trình chuyển giao quyền lực.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…