Giá NDT đang ở mốc thấp nhất lịch sử so với giá USD kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Giá đồng NDT đã giảm 5% so với giá đồng USD trong năm nay, từ mức 7,29 NDT xuống còn 7,32 NDT đổi lấy 1 USD, đánh dấu mức quy đổi thấp nhất trong 15 năm qua. Giới phân tích cho rằng, đà giảm này sẽ còn chịu thêm “nhiều cú bồi” cho dù kinh tế Trung Quốc đang dần phục hồi sau đại dịch.
NDT TRƯỢT GIÁ - VÌ ĐÂU NÊN NỖI?
Khả năng hồi phục chậm chạp của kinh tế Trung Quốc sau 3 năm chịu tác động của dịch bệnh là nguyên nhân khiến nhiều giới đầu tư đặt cược lớn vào “sự trượt giá dai dẳng” của đồng NDT. Xu thế này càng rõ ràng hơn khi thị trường bất động sản Trung Quốc rơi vào khủng hoảng kèm theo đó là hàng loạt áp lực trả nợ của các “núi nợ công” của chính quyền Bắc Kinh. Để kích cầu tiêu dùng trong nước, Trung Quốc đã buộc phải giảm lãi suất cơ bản.
Tăng trưởng chậm kèm theo nhiều đợt cắt giảm lãi suất của chính quyền Trung Quốc đã và đang thiết lập khoảng cách lớn về lãi suất đồng NDT với lãi suất đồng USD. Lãi suất đồng USD đã tăng cao nhất trong vòng 22 năm qua nhưng điều đó chưa đủ để loại bỏ lạm phát cũng như thúc đẩy kinh tế Mỹ thoát khỏi suy thoái. Bên cạnh đó, mức lãi suất hấp dẫn của Mỹ đã và đang tạo nên “cuộc tháo chạy” mới của dòng vốn trên thị trường trái phiếu Trung Quốc.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc cũng đang chuyển giao dịch từ đồng USD sang đồng NDT. Điều này được các giới phân tích của Goldman Sachs đánh giá là hành vi “trục lợi” để ăn chênh lệch lợi nhuận. Và khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm và tỷ giá hối đoái suy yếu, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc chắc chắn sẽ rơi vào thế bí.
Ông Mansoor Mohi-uddin - Kinh tế trưởng tại The Bank of Singapore cho biết: “Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Họ cần kích cầu thị trường và buộc phải cắt giảm lãi suất nhưng điều đó sẽ khiến đồng NDT tiếp tục suy yếu”.
NDT ngày càng suy yếu sẽ là đòn bẩy tuyệt vời cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vì giá cả hàng hoá sẽ trở nên mềm hơn. Nhưng với chính quyền Trung Quốc, đây không phải là điều tốt bởi họ sẽ luôn phải cảnh giác để không khiến sự suy yếu này diễn ra quá nhanh và quá xa để rồi không thể kiểm soát. Thậm chí, ở góc độ điều hành tiền tệ, mối lo ngại thực sự khi giá bất kỳ một đồng tiền quốc gia nào suy yếu chính là những rút vốn trên thị trường”, Adarsh Sinha – Đồng Giám đốc chiến lược tỷ giá và ngoại hối châu Á tại Bank of America khẳng định.
Năm 2015, kinh tế Trung Quốc đã phải hứng chịu hệ luỵ khi đồng NDT trượt giá. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phải bơm hàng tỷ USD vào nền kinh tế để hạn chế làn sóng rút vốn ồ ạt. Ngay sau đó là hàng loạt các biện pháp mạnh để kiểm soát dòng vốn rồi lại phải ngay lập tức chuyển sang quản lý theo hướng mềm mỏng. Về bản chất, cách can thiệp đó đã tạo ra hiệu quả trong những giai đoạn căng thẳng Mỹ - Trung hay lần phong toả toàn quốc để phòng chống dịch Covid-19 vào năm ngoái của Trung Quốc. Nhưng xét về lâu dài, đó không phải là một chiến lược điều hành ưu việt.
Giá NDT trượt dài đã khiến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) phải tiếp tục thực hiện các giải pháp tiền tệ. Nhưng đáng quan ngại rằng, giữa lúc PBoC đang rất cố gắng loại bỏ mối nguy hại từ những nhà đầu tư muốn “hôi của” trước tình trạng trượt giá của đồng NDT thì chính quyền Bắc Kinh cũng phải loay hoay tìm cách đưa giá NDT trở về vị trí cũ.
TRUNG QUỐC CÓ THỂ LÀM GÌ?
Giới quan sát cho rằng, vấn đề lớn nhất của Trung Quốc hiện nay chính là “không còn dư địa để thực thi chính sách”. Ông Ken Cheung - Chiến lược gia về ngoại hối Châu Á - Ngân hàng Mizuho cho biết: “BPoC đã sử dụng hầu hết các công cụ điều hành để duy trì sự ổn định của đồng NDT. Vũ khí điều hành tiền tệ lớn nhất của BPoC là kiểm soát dòng tiền giao dịch trong nước. Trước giờ giao dịch hàng ngày của thị trường ngoại hối, PBoC đều đặt ra một ngưỡng nhất định mà đồng NDT được phép giao dịch so với đồng USD theo cả chiều mua và bán. Thông thường, con số sẽ phản ánh chính xác kỳ vọng của thị trường cũng như biến động qua đêm của tỷ giá hối đoái.
Tuy nhiên, trong khoảng 1 tháng qua, ngưỡng trung bình của các giao dịch đã vượt xa mức dự đoán của thị trường. Có thời điểm, PBoC đã ấn định tỷ giá chỉ cách khoảng 0,1 điểm phần trăm so với mong đợi của thị trường. Điều này giống như một lời cảnh báo rõ rệt của chính quyền Bắc Kinh dành cho các nhà đầu tư muốn đặt cược vào đà suy giảm của đồng NDT.
Hệ thống ngân hàng trung ương Trung Quốc thậm chí còn hỗ trợ rất tích cực BPoC bằng cách tích trữ đồng NDT và bán mạnh đồng USD tại thị trường nội địa. Chiến lược này cũng được thực hiện tương tự trên thị trường quốc tế nhằm đảm bảo rằng tỷ giá không đi quá xa so với thời điểm thị trường Trung Quốc đóng cửa. Nhưng như một hệ quả tất yếu, khi chính sách điều hành tiền tệ của Trung Quốc không được lòng giới đầu tư thì sự “kìm kẹp” đồng NDT chắc chắn sẽ diễn ra. Đồng NDT từng bị kiểm soát nghiêm ngặt vào năm 2018 do sự điều hành cứng rắn của Trung Quốc.
Trên thị trường giao ngay, giới đầu tư đã liên tục bán tháo USD, mua vào NDT nhưng lại thực hiện điều ngược lại trên thị trường ngắn hạn. “Đây là chiến thuật” khiến việc làm giá các loại tiền trở nên khó khăn hơn tại thị trường Hồng Kông, London và New York. Nhưng có một biện pháp mà đến giờ, chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa sử dụng. Đó là hạn chế các giao dịch ngoại hối phi chính thức trên thị trường liên ngân hàng. Những hạn chế giao dịch đã được bãi bỏ từ tháng 9 năm ngoái khi Trung Quốc phải đối mặt với sự tháo chạy của dòng vốn trên thị trường trái phiếu NDT do giới đầu tư chuyển sang mua trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ có lãi suất cao hơn.
TỶ GIÁ NDT/USD CÓ THỂ CÒN XUỐNG ĐẾN ĐÂU?
Giới phân tích đang hạ dự báo về tỷ giá hối đoái của đồng NDT so với đồng USD. Goldman Sachs vừa mới dự báo tỷ giá hối đoái của đồng NDT và đồng USD sẽ giảm thêm 0,1 điểm trong vòng 3 tháng tới, từ 7,2 NDT xuống 7,3 NDT đối lấy 1 đồng USD. Tổ chức Société Générale’s thậm chí còn dự báo đà giảm sẽ còn “tệ hại hơn”. Điều này có nghĩa, đồng NDT sẽ tiếp tục rớt giá, giảm khoảng 10% trong năm nay. Đây là mức giảm hàng năm lớn nhất kể từ khi Trung Quốc bãi bỏ chế độ neo giá đối với đồng USD từ 2005.
Kiyong Seong - Chiến lược gia vĩ mô châu Á tại SocGen – một trong những tổ chức tài chính lớn nhất Châu Âu cho biết: “Họ (chính quyền Trung Quốc _PV) không thể thay đổi được những nguyên tắc cơ bản trong ấn định tỷ giá. Chính vì vậy, trong trung hạn, Trung Quốc sẽ phải tìm ra giải pháp để đưa ra được một tỷ lệ mà thị trường có thể chấp nhận”.