Hôm 24/8, Chính phủ Trung Quốc thông báo sẽ hình thành gói chính sách gồm 19 điểm có quy mô lên tới 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 146 tỷ USD). Trong đó cấp bổ sung 300 tỷ nhân dân tệ cho các ngân hàng chính sách quốc gia để rót vào dự án cơ sở hạ tầng. Các chính quyền địa phương sẽ được phát hành thêm 500 tỷ nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt.
Khi hạn hán gây thiếu điện trên khắp Trung Quốc, các công ty điện quốc doanh cũng được phép bán 200 tỷ nhân dân tệ trái phiếu. Ngành nông nghiệp sẽ được cung cấp khoảng 10 tỷ nhân dân tệ
Trong cuộc họp hôm qua (24/8) do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chủ trì, chính phủ nước này cam kết sử dụng "các công cụ sẵn có" để duy trì chính sách hợp lý. Họ cũng khẳng định sẽ không kích thích tăng trưởng kinh tế quá đà và cũng không thay đổi lập trường kiểm soát thận trọng về tốc độ tăng trưởng nền kinh tế trong năm nay.
Việc Trung Quốc phong tỏa – mở phong tỏa liên tục do chính sách Zero Covid, cùng khủng hoảng trên thị trường bất động sản đã khiến tăng trưởng nước này suy yếu. Mục tiêu tăng GDP "quanh 5,5%" năm nay ngày càng xa vời. Bloomberg dự báo nước này chỉ có thể tăng trưởng gần 4% năm nay.
Giới kinh tế học tại Goldman Sachs thì nhận định các chính sách được thông báo hôm qua không đủ kéo tăng trưởng của Trung Quốc lên. Hiện tại, ngân hàng này dự báo GDP Trung Quốc chỉ có thể tăng 3%.
Các bước đi mới nhất này "có thể bù đắp lại sự sụt giảm trong nguồn thu của chính phủ và hỗ trợ tăng trưởng đầu tư vào cơ sở hạ tầng", Goldman Sachs nhận định. Tuy nhiên, tăng trưởng nhìn chung "sẽ vẫn trì trệ" do ngành bất động sản vẫn rất yếu và sự gián đoạn do các chính sách chống dịch.
Gần đây, Trung Quốc liên tiếp tung chính sách kích thích. Đến nay, các ngân hàng chính sách được phân bổ tổng cộng 1.100 tỷ nhân dân tệ để cho vay các dự án cơ sở hạ tầng. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bất ngờ hạ lãi suất thêm 10 điểm cơ bản. Hồi tháng 5, Bắc Kinh cũng công bố gói hỗ trợ trị giá 1.900 tỷ nhân dân tệ, trong đó có hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.