Trung Quốc giúp các nhà sản xuất ô tô ở Nga “hồi sinh”

Từ những nhà máy sản xuất ô tô ngừng sản xuất, Trung Quốc đã giúp Nga hồi sinh chúng khiến các biện pháp trừng phạt của phương Tây dường như vô hiệu...

Sau khi Nga bị hàng loạt các quốc gia phương Tây bao vây, cấm vận từ cuối tháng 2/2022, khi nước này phát động cuộc tấn công vào Ukraine, gần như toàn bộ các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới đều đã đồng loạt “tháo chạy” khỏi thị trường Nga.

Điều này ngay lập tức khiến cho thị trường ô tô Nga gặp khủng hoảng, hàng loạt các dây chuyền sản xuất xe hơi liên doanh với nước ngoài phải dừng đột ngột do bị cắt nguồn cung cấp linh kiện.

Tuy nhiên, các biện pháp cấm vận này dường như bị vô hiệu hóa khi Trung Quốc sẵn sàng lấp đầy chỗ trống mà các hãng ô tô phương Tây bỏ lại. Một báo cáo cho biết có những nhà máy ở Nga không hoạt động vào năm ngoái hiện đang sản xuất ô tô dựa trên các mẫu xe Trung Quốc dưới nhãn hiệu riêng của Nga.

Trung Quốc lấn át thị trường ô tô Nga

Vào tháng 11/2022, một công ty nhà nước Nga cho ra mắt lại chiếc ô tô cổ điển thời Liên Xô, Moskvich, do đích thân Thị trưởng Moscow tổ chức, cho thấy khả năng phục hồi của ngành công nghiệp ô tô Nga trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.

"Đây là một sự kiện lịch sử", Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin nói khi Moskvich được ra mắt tại một nhà máy mà chính quyền Nga đã mua từ nhà sản xuất ô tô Pháp Renault vào năm ngoái, với giá chỉ một rúp (tương đương 0,01 USD).

Song song, nhiều người lại nêu quan điểm, sự kiện "tái sinh" của xe Moskvich cũng là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc ngày càng lấn át một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga.

Những chiếc xe lăn bánh ra khỏi nhà máy ô tô Moscow Moskvich rộng lớn ở phía nam thủ đô nước Nga không giống với những mẫu Moskvich kim loại hình hộp thời Liên Xô. Thực tế, có thể nhìn thấy rõ ràng những chiếc SUV bốn cửa kiểu dáng đẹp có các bộ phận động cơ và bọc từ JAC Motors đều của Trung Quốc.

Mẫu xe Moskvich của Nga được cho là đã lắp ráp dựa trên bản thiết kế của một hãng xe Trung Quốc

Nguồn tin giấu tên tiết lộ, mẫu Moskvich 3 là JAC Sehol X4 được lắp ráp tại Moscow bằng cách sử dụng các linh kiện mua từ đối tác Trung Quốc.

"Sản xuất nội địa đang dần được tăng cường", Moskvich cho biết với Reuters, đồng thời nói thêm rằng họ hy vọng sẽ bắt đầu giai đoạn sản xuất thứ hai vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024 liên quan đến lĩnh vực hàn và sơn tại nhà máy ở Moscow, kết hợp nhiều nhà cung cấp địa phương hơn với các linh kiện nội địa của Nga.

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang giành thị phần ở Nga, tận dụng sự ra đi của các đối thủ phương Tây từng thống lĩnh thị trường này trước cuộc xung đột Ukraine.

Ô tô nhập khẩu của Trung Quốc hiện đang chiếm 49% thị trường Nga, đạt 40.000 chiếc vào tháng 6, so với mức trước xung đột chỉ là 7% vào tháng 6/2021, theo dữ liệu từ công ty phân tích Autostat.

Theo thống kê của hải quan Trung Quốc, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc sang Nga từ tháng 1 đến tháng 5 đã tăng 5,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên gần 3,6 tỷ USD, riêng trong tháng 4 đạt trị giá gần 1 tỷ USD.

Ngoài những con số này, các công ty Trung Quốc cũng đang tăng doanh số bán hàng ở Nga bằng việc lắp ráp xe tại những nhà máy do các hãng xe phương Tây là Renault và Nissan từ bỏ.

Sáu nhà máy ở Nga trước đây thuộc sở hữu của các nhà sản xuất châu Âu, Nhật Bản và Mỹ hiện sản xuất các mẫu xe Trung Quốc.

Vladimir Bespalov, một chuyên gia về lĩnh vực ô tô cho hay, sự hiện diện ngày càng tăng của các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc có lợi cho Nga, cho phép nước này khởi động lại các nhà máy và tạo việc làm cho công nhân. Tổng thống Vladimir Putin cho biết, năm 2020, ngành công nghiệp ôtô sử dụng khoảng 300.000 lao động.

"Một số công nghệ sẽ được chuyển giao, một số sẽ được bản địa hóa, nhưng chúng sẽ không phải là những công nghệ tiên tiến nhất", ông Vladimir Bespalov nói.

Bộ Công thương Nga không bình luận về các thông tin trên.

Thị trường ô tô Nga được "hồi sinh"

Kể từ khi các công ty phương Tây rút lui do cuộc xung đột chính trị, Chính phủ Nga cho biết, ô tô sản xuất trong nước hiện chiếm chưa đến 40% thị trường ô tô của Nga, giảm từ 70-75% so với trước khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Andrey Olkhovsky, người đứng đầu chuỗi đại lý Avtodom nói: "Không còn nghi ngờ gì nữa, việc mở rộng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc trên thị trường Nga sẽ tiếp tục. Không có lựa chọn thay thế cho ngành công nghiệp ô tô của Nga".

Avtodom, công ty đã mua các công ty con của Mercedes-Benz ở Nga, đang đàm phán với một số nhà sản xuất ô tô Trung Quốc về việc lắp ráp một chiếc ô tô cao cấp của Trung Quốc tại nhà máy cũ ở Moscow của hãng ô tô Đức và một đối tác có thể được công bố vào cuối năm nay.

Theo dữ liệu bán hàng tháng 6 từ Autostat, thị phần 6/10 thương hiệu hàng đầu ở Nga là các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. 

Khi các công ty phương Tây rút khỏi Nga vào năm ngoái, Moscow đã dàn xếp việc các doanh nghiệp do nhà nước kiểm soát tiếp quản tài sản nước ngoài để đảm bảo hoạt động sản xuất từ lĩnh vực quan trọng này sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Nga lại là một trong số ít các cơ quan nhà nước thừa nhận ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Không thể phủ nhận được rằng Trung Quốc đã giúp khôi phục lại thị trường sản xuất ô tô ở Nga

Theo báo cáo vào giữa tháng 7, một số nhà máy ở miền Trung và Tây Bắc nước Nga không hoạt động vào năm ngoái hiện đang sản xuất ô tô dựa trên các mẫu xe Trung Quốc... dưới nhãn hiệu riêng.

"Nếu trước đây ô tô từ Nhật Bản và châu Âu chiếm ưu thế, thì hiện nay hơn 70% xe nhập khẩu là từ Trung Quốc", báo cáo nêu rõ.

Nền sản xuất nội địa của Nga ngày càng phụ thuộc vào việc nhập khẩu các bộ dụng cụ lắp ráp từ Trung Quốc, lợi nhuận cũng vì vậy mà phụ thuộc vào tỉ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ.

“Việc đầu tiên các nhà sản xuất cần làm vào mỗi buổi sáng là nhìn tỉ giá nhân dân tệ, bởi tỉ suất lợi nhuận và giá cả phụ thuộc vào điều này”, một nguồn tin giấu tên nói với Reuters.

Thị trường ô tô Nga đã trải qua một cuộc hồi sinh ngoạn mục, vượt qua cuộc khủng hoảng do cấm vận và đón nhận sự thay đổi mạnh mẽ từ Trung Quốc. Sự đa dạng và  phát triển trong ngành công nghiệp ô tô đã mở ra một chương mới trong câu chuyện kinh tế của Nga. Sự hồi sinh này là một minh chứng rõ ràng cho khả năng thích ứng và khéo léo của người Nga trong môi trường kinh doanh cạnh tranh quốc tế đầy khốc liệt.

Có thể bạn quan tâm