Trung Quốc phê chuẩn Hiệp định RCEP, cơ hội mới cho nền kinh tế sau đại dịch

Chính phủ Trung Quốc công bố đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Trung Quốc phê chuẩn Hiệp định RCEP, cơ hội mới cho nền kinh tế sau đại dịch

Ngày 8/3, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào (Wang Wentao) thông báo, Chính phủ nước này đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Cách đây ít ngày, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự luật phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Hiệp định này sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 60 ngày kể từ ngày được thông qua bởi ít nhất 6 nước thành viên ASEAN và 3 nước thành viên không thuộc ASEAN.

RCEP được khởi động vào năm 2012 theo sáng kiến của ASEAN nhằm khuyến khích thương mại giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 đối tác ban đầu là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Tuy nhiên, đến tháng 11/2019, việc Ấn Độ tạm đứng ngoài Hiệp định đã làm giảm số lượng các quốc gia đàm phán RCEP từ 16 xuống còn 15 quốc gia.

Việc thực thi RCEP sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp... góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực.

Với những thách thức mà nền kinh tế thế giới phải đối mặt do đại dịch Covid-19, khi RCEP chính thức có hiệu lực, sẽ mở ra cơ hội và sức bật mới cho nền kinh tế. Hiệp định thương mại này được ký kết vào tháng 11/2020, khi được 15 thành viên thực thi sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.

Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và áp dụng một quy tắc xuất xứ chung giữa 15 nước (thay vì áp dụng năm bộ quy tắc xuất xứ theo năm hiệp định tự do thương mai của ASEAN+1 như hiện nay) giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia.

Có thể bạn quan tâm