TS. Lê Duy Bình: Nghị quyết 128/NQ-CP thay đổi cục diện kinh tế năm 2021

Mặc dù qua hơn hai tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa hoàn toàn trở lại, nhưng bước đầu cho thấy sự phục hồi của sản xuất kinh doanh, đóng góp rất lớn cho các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam tăng lên.
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam.
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam đã có chia sẻ với Thương Gia về câu chuyện qua hơn 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP và những kết quả đạt được.

Tính đến hết quý IV/2021 qua hơn 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP Ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu qủa dịch COVID-19” của Chính phủ, TS. thấy đâu là điểm sáng?

TS. Lê Duy Bình: Có thể nói, Nghị quyết 128 được ban hành kịp thời trong bối cảnh nền kinh tế quý III/2021 tăng trưởng âm. Việc triển khai Nghị quyết đã khôi phục lại sản xuất và lưu thông hàng hoá, đặc biệt ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề như Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước…

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 70-80% lao động đã quay trở lại làm việc so với lúc đỉnh điểm. Mặc dù chưa hoàn toàn quay trở lại, nhưng điều này cũng cho thấy sự phục hồi của sản xuất kinh doanh, đóng góp rất lớn cho các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam tăng lên. Hay nông nghiệp và dịch vụ cũng tăng, có sự đóng góp rất lớn từ sự phục hồi kinh tế sau khi thực hiện Nghị quyết 128.

Chỉ số CPI tháng 11 tăng 0,32% so tháng 10; 11 tháng tăng 1,84% so cùng kỳ; tháng 12/2021 giảm 0,18% so với tháng trước và tăng 1,81% so với tháng 12/2020.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá xăng dầu, giá gas trong tháng giảm theo giá nhiên liệu thế giới; dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước; học phí học kỳ I năm học 2021-2022 tiếp tục được miễn, giảm tại một số địa phương là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 giảm.

Hết tháng 11, thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 100% dự toán năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 12/2021 ước tính tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, quý IV tăng 6,4%. Nếu tính riêng tháng 11, tháng thứ 2 thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP thì IIP tăng 5.5% so với tháng trước.

Thưa TS, có thời điểm nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã “rục rịch” có ý định dịch chuyển nhà máy sản xuất của họ sang các nước trong khu vực, đến nay, sau khi thực hiện Nghị quyết 128, liệu đã thực sự tạo niềm tin cho các nhà đầu tư?

TS. Lê Duy Bình: Việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP đã đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu hàng hoá như hàng nông nghiệp, may mặc, da giày, điện tử cho thị trường nước ngoài (Mỹ, Nhật, châu Âu…) kịp thời để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng.

Điều này được thể hiện qua con số tháng 12 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 12/2021, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 66,5 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng khôi phục nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2021 tăng 28,1% so với quý trước, quý nhiều tỉnh thành thực hiện theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Kết quả này khẳng định thêm niềm tin của nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại hoạt động. Số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy số lượng doanh nghiệp quay trở lại sản xuất tăng, số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh. Tác động rất lớn đến niềm tin của nhà đầu tư được phục hồi, vốn đăng ký đầu tư nước ngoài tăng mạnh.

Trong quý IV/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 31,4 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký 415,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 205,1 nghìn lao động, tăng 70,4% về số doanh nghiệp, tăng 64,1% về số vốn đăng ký và tăng 24,7% về số lao động so với quý III/2021.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11 tăng 14,7% so tháng 10/2021; đạt 73,8% kế hoạch năm. Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm 11 tháng tăng 11%; vốn thực hiện đạt 17,1 tỷ USD, cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ông thấy ngành nào ít được hưởng lợi? Thời gian tới, theo ông, các bộ ngành và chính quyền các địa phương cần gỡ khó điều gì?

TS. Lê Duy Bình: Qua hơn 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128, một bộ phận của nền kinh tế chưa được hưởng lợi, như du lịch và giao thông vận tải (GTVT) do một số hạn chế chưa được dỡ bỏ, như hạn chế đường bay, đón tiếp khách du lịch. Từ tháng 1/2022, đường bay quốc tế được mở cửa sẽ giúp cho doanh nghiệp du lịch, hộ sản xuất kinh doanh, GTVT và các ngành phụ trợ xung quanh đó hưởng lợi từ Nghị quyết này.

Để gỡ khó cho các doanh nghiệp này cần phải đặt ưu tiên cho ngành du lịch, trước tiên du lịch trong nước, khi du lịch được khai thông điểm nghẽn, như đi lại giữa các địa phương, các điểm du lịch thì kinh tế sẽ thêm được khoản thu ngân sách.

Tiếp theo là nối lại các đường bay quốc tế, nối lại các chuyến bay thuê bao cho 1 nhóm. Kết quả ban đầu cho thấy, đường bay quốc tế đã được trở lại dần và trên nguyên tắc kiểm soát, bớt ngặt nghèo cho du khách, giảm bớt thời gian, giảm bớt tiền bạc cho du khách cũng như người Việt ở nước ngoài về Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán. Đề xuất họ cách ly tại nhà hoặc khách sạn 2-3 ngày, có thể là cú hích giúp cho du lịch quốc tế dần dần trở lại bình thường trong năm 2022.

Nghị quyết 128/NQ-CP là một hướng đi đúng của Chính phủ, đã thay đổi mạnh mẽ cục diện kinh tế của Việt Nam trong năm 2021. Từ lúc sản xuất kinh doanh bị đóng băng ở nhiều địa phương đã thay đổi bức tranh kinh tế tăng trưởng âm quý III, sang tăng trưởng dương quý IV. Nhưng một số địa phương cần thực hiện triệt để Nghị quyết 128, cùng với sự hỗ trợ của việc tiêm vắc xin và biện pháp chống dịch khác, để các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cả nước tăng trưởng được như kỳ vọng. 

Xin cảm ơn TS!

Có thể bạn quan tâm