Từng cười nhạo xe điện Trung Quốc, Elon Musk hiện phải câm nín, lo sợ một ngày các hãng ô tô Mỹ bị "huỷ diệt"

BYD đã vượt qua Tesla vào năm 2023 với tư cách là nhà sản xuất xe điện bán chạy nhất thế giới...

Từng cười nhạo xe điện Trung Quốc, Elon Musk hiện phải câm nín, lo sợ một ngày các hãng ô tô Mỹ bị "huỷ diệt"

Năm 2011, khi Giám đốc điều hành Tesla là Elon Musk, được hỏi về nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc BYD, ông chỉ cười trừ: “Anh có thấy xe của họ không? Họ không có sản phẩm tuyệt vời và công nghệ không mạnh lắm”.

Sự ngạo mạn vốn vẫn luôn là điều dễ thấy ở Elon Musk. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, niềm tin của ông rằng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc không phải là một mối đe doạ đáng sợ đã lan rộng ra toàn ngành công nghiệp ô tô Mỹ.

Nhưng, rất nhiều điều đã thay đổi trong 13 năm sau đó. BYD đã vượt qua Tesla vào năm 2023 với tư cách là nhà sản xuất xe điện bán chạy nhất thế giới. Cứ ba chiếc xe điện bán ra thì có một chiếc do công ty này sản xuất, tăng từ 15% vào năm 2020.

CÂM NÍN

Thay vì cười nhạo, Musk hiện đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về các mối đe dọa từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Trong một cuộc họp với các nhà đầu tư vào tháng 1, ông cho biết xe điện Trung Quốc sẽ "phá hủy khá nhiều" các nhà sản xuất ô tô Mỹ khác nếu được phép vào Mỹ. Các công ty ô tô lớn nhất của Mỹ cũng bắt đầu nhận ra rằng họ phải tìm ra cách làm cho ô tô điện trở nên rẻ càng sớm càng tốt trước khi Trung Quốc có thể đánh bại họ.

Trong khi những hãng như Tesla, GM và Ford đang tung ra một số mẫu xe điện hạng sang giá cao, thì các công ty Trung Quốc đã cung cấp một loạt tùy chọn ở nhiều mức giá: Xe điện bình dân, xe điện cao cấp... Và trong khi các nhà sản xuất ô tô Mỹ vẫn đang cố gắng thuyết phục người tiêu dùng ngay tại đất nước của họ, thì Bắc Kinh đã lên kế hoạch vượt qua các rào cản thương mại và bán những chiếc xe này trên khắp thế giới, kể cả ở Mỹ.

Tu Le, người sáng lập Sino Auto Insights, một công ty tư vấn tập trung vào thị trường xe điện Trung Quốc nói: “Đừng nên nghĩ rằng kỹ thuật và thiết kế của Trung Quốc không có chất lượng cao như các nhà sản xuất ô tô truyền thống. Ngay bây giờ, nhiều công ty lâu đời không có sản phẩm cạnh tranh. Thị trường đang có một khoảng trống. Nếu xe điện Trung Quốc được phép vào Mỹ trong năm nay hoặc năm tới, các thương hiệu lâu đời sẽ bị ăn mòn thị phần”.

1705078901885-3768.jpg
Elon Musk hiện không thể cười nhạo BYD nữa.

Chúng ta đang chứng kiến một cú sốc đối với trật tự ô tô toàn cầu chưa từng thấy kể từ khi Nhật Bản gia nhập thị trường này vào những năm 1970. Sự trỗi dậy của xe điện của Trung Quốc đã gây ra một cuộc chiến buộc các công ty phải mở rộng giới hạn về năng lực công nghệ và các nhà hoạch định chính sách phải hình dung lại nền tảng tư tưởng của chiến lược thương mại trong nhiều thập kỷ.

Điều đang bị đe dọa không gì khác hơn là một ngành công nghiệp của Mỹ trị giá 104 tỷ USD, tương đương với GDP quốc gia của Angola và tất cả 3 triệu việc làm đi kèm với đó.

“Đây là một trò chơi toàn cầu và trên thực tế đã là một trò chơi toàn cầu”, Le nói. "Chỉ là chưa thu hút đủ sự chú ý mà thôi". Có thể nói rằng xe điện đã vượt qua giai đoạn "tiếp nhận sớm" của vòng đời công nghệ và hiện đang nỗ lực chinh phục những người mua ô tô phổ thông ở Mỹ.

Vào năm 2023, lần đầu tiên 1 triệu chiếc đã được bán ra trong nước, tăng từ 918.500 chiếc vào năm 2022. Bất chấp sự tăng trưởng này, đã có những dấu hiệu đỏ cho thấy chiến lược của các nhà sản xuất ô tô Mỹ - sản xuất xe điện giống như ô tô động cơ đốt trong nhưng có giá đắt hơn khoảng 10.000 USD - không hiệu quả.

Các dự báo về tăng trưởng doanh số bán hàng trong những năm tới đã giảm xuống và người tiêu dùng bày tỏ sự không hài lòng với số lượng ô tô hiện có. Để khắc phục điều đó, các hãng ô tô nhận ra rằng họ phải thu hút khách hàng bằng những mẫu xe rẻ hơn.

Đầu tháng này, Giám đốc điều hành Ford Jim Farley cho biết công ty của ông đã tập trung "toàn lực" vào việc phát triển một mẫu xe giá cả phải chăng hơn dành cho thị trường đại chúng. Tesla thì đã nói về một chiếc xe rẻ hơn đang được triển khai trong nhiều năm nhưng vẫn chưa thành công.

Trong khi các nhà sản xuất ô tô Mỹ vẫn đang tìm cách làm hài lòng nhiều đối tượng khách hàng khác nhau thì các thương hiệu Trung Quốc lại có xe điện ở mọi hình thức.

Bạn muốn một chiếc ô tô trị giá 10.000 USD? Hãy thử BYD Seagull. Bạn muốn một chiếc SUV sang trọng có thể nổi trên mặt nước? Đó là BYD U8 Premium Edition. Nếu vẫn muốn một cái gì đó sang trọng hơn? Chery, một nhà sản xuất ô tô khác của Trung Quốc, đã tung ra một chiếc xe thể thao EV mang tên iCar, có giá từ 21.800 đến 58.000 USD.

Khả năng mở rộng gói dịch vụ của Trung Quốc phụ thuộc vào chi phí. Tất nhiên, Mỹ có chi phí lao động cao hơn, nhưng Trung Quốc cũng đã rất nỗ lực để sở hữu chuỗi cung ứng xe điện.

Các nhà sản xuất ô tô truyền thống vẫn đang tìm kiếm trên khắp thế giới nguồn nguyên liệu thô và phụ tùng họ cần, một dự án mà chính phủ Trung Quốc đã thực hiện trong hơn một thập kỷ. Trên thực tế, nhiều công ty trong số này đang bán sản phẩm của mình cho các công ty Mỹ: Chẳng hạn như Tesla mua pin từ BYD.

Năm Musk cười khúc khích trước ý tưởng xe điện Trung Quốc vượt mặt Tesla, nước này chỉ sản xuất được 5.000 xe điện. Nhưng kế hoạch thống trị lĩnh vực xe điện toàn cầu của Bắc Kinh đã được tiến hành tốt bằng việc đặt mục tiêu đưa xe điện chiếm 25% tổng số ô tô bán ra ở Trung Quốc vào năm 2025 và rót tiền vào các công ty có bất kỳ kế hoạch nào có khả năng đóng góp cho mục tiêu đó.

Đồng thời, chính phủ bắt đầu sắp xếp tất cả các nguyên liệu thô mà các công ty Trung Quốc cần cho pin và hệ thống truyền động xe điện, tạo ra một hệ sinh thái trong nước cho các nhà cung cấp.

Nhưng vào năm 2016, chính phủ đã chuyển hướng. Tiền tài trợ cho nghiên cứu và phát triển xe điện ngày càng cạn kiệt và chính phủ tuyên bố rằng đến năm 2027, họ sẽ loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhằm hạ giá ô tô điện cho người tiêu dùng.

Bắc Kinh cũng thiết lập các chính sách mở cửa cho các nhà sản xuất ô tô nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào ngành công nghiệp nội địa Trung Quốc và chuyển hoạt động sản xuất sang đó.

Kết quả là ngành công nghiệp xe điện nội địa của Trung Quốc chịu một cơn bão lớn. Các công ty phụ thuộc vào trợ cấp của Bắc Kinh bắt đầu sụp đổ và những công ty nhỏ bị đẩy ra khỏi thị trường. Nhưng sự hỗn loạn cuối cùng đã củng cố ngành ô tô của đất nước, đảm bảo rằng các nhà sản xuất ô tô cạnh tranh nhất sẽ giành được thị phần.

Những gì nổi lên bắt đầu trông giống một ngành công nghiệp trưởng thành hơn - một ngành có khả năng sản xuất các sản phẩm đẳng cấp thế giới. Năm ngoái, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới.

NHỮNG RÀO CẢN

Điều này không có nghĩa là con đường phía trước sẽ dễ dàng hơn đối với những người chiến thắng trong cuộc chiến xe điện của Bắc Kinh. Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hiện phải đối mặt với nhu cầu nội địa chậm lại khi nền kinh tế Trung Quốc bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm kéo dài.

Chậm lại không phải là một lựa chọn. Lĩnh vực này dự kiến sẽ bổ sung thêm công suất cho 5 triệu ô tô nữa (hầu hết là xe điện) vào năm 2025. Doanh số bán hàng trong nước dự kiến chỉ đạt 3,7 triệu chiếc trong cùng kỳ. Doanh thu của các công ty khởi nghiệp nổi bật như Nio, Li Auto và XPeng hiện đang thấp hơn dự kiến. Chỉ riêng BYD đã xây dựng đủ công suất để sản xuất 4 triệu ô tô tại Trung Quốc. Vào năm 2023, hãng đã bán được tổng cộng 3 triệu ô tô.

Tất cả những chiếc xe này đều cần một nơi nào đó để đi, và lựa chọn có lợi hơn là chuyển chúng tới phía tây - đầu tiên là đến châu Âu, nơi các rào cản thương mại dễ dàng vượt qua hơn và cuối cùng là đến Mỹ. Đó là lý do tại sao các thương hiệu như BYD, Chery và SAIC đều đang thảo luận với chính phủ Mexico để mở rộng hoạt động tại đó.

Họ cần một chỗ đứng ở Bắc Mỹ để bắt đầu chinh phục thị trường Mỹ. Trong khi đó, chính phủ Mỹ đang cố gắng tạo ra hệ sinh thái linh kiện xe điện, một phần bằng cách cấp các khoản tài trợ từ Bộ Năng lượng cho các công ty trong nước nghiên cứu về công nghệ pin.

Để thống trị thị trường toàn cầu, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc phải tìm cách vượt qua các rào cản khác nhau mà các quốc gia phương Tây đã dựng lên. Để chinh phục châu Âu, BYD đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Hungary. Việc bước vào nước Mỹ phức tạp hơn. Họ có nhiều biện pháp bảo vệ bằng rào cản thương mại hơn nhưng tương lai chưa thể chắc chắn được bất kỳ điều gì.

2254254-6956.jpg
Xpeng là một trong những hãng xe điện Trung Quốc nổi bật.

Mary Lovely, một nhà kinh tế và thành viên cấp cao tại Viện Peterson nói: “Rất có thể, cách các công ty Trung Quốc có thể tham gia vào thị trường xe điện của Mỹ là đầu tư vào lĩnh vực phụ tùng ô tô của Mexico”.

Các linh kiện đến từ Mexico sẽ được coi là do Bắc Mỹ sản xuất và phải chịu những hạn chế nhẹ hơn theo hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada. Xe điện được sản xuất hoàn chỉnh ở Trung Quốc cũng sẽ không đủ điều kiện được giảm thuế 7.500 USD cho người tiêu dùng được tạo ra theo Đạo luật Giảm phát của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, chúng sẽ đủ điều kiện nếu được sản xuất ở Mexico và đáp ứng các yêu cầu về nguồn cung cấp pin cụ thể.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…