Đơn kiện, được đệ trình lên Tòa án Delaware vào 12/7 theo giờ địa phương, đưa ra sau khi Elon Musk nói trong một bức thư gửi tới các luật sư của Twitter rằng ông muốn chấm dứt thỏa thuận “bom tấn” trị giá 44 tỷ USD gây xôn xao dư luận trong vài tháng qua.
Luật sư của Elon Musk đã cáo buộc rằng Twitter "vi phạm nghiêm trọng nhiều điều khoản" trong thỏa thuận, đồng thời tuyên bố công ty đã không chia sẻ các dữ liệu mà Elon Musk yêu cầu để đánh giá số lượng bot và tài khoản spam trên nền tảng này. Nhóm pháp lý của Twitter đã phản pháo lại trong một bức thư hôm 11/7, gọi nỗ lực chấm dứt hợp đồng của Musk là "không hợp lệ và sai trái", cho rằng bản thân Elon Musk đã vi phạm thỏa thuận và yêu cầu ông phải tiếp tục tôn trọng thỏa thuận.
Trong đơn khiếu nại được đệ trình hôm 12/7, các luật sư của Twitter nói rằng họ đang tìm cách ngăn chặn Elon Musk vi phạm thỏa thuận hơn nữa và để "buộc vị tỷ phú phải hoàn thành việc mua lại khi hai bên cùng thống nhất một số điều kiện còn tồn tại."
"Vào tháng 4/2022, Elon Musk đã ký một thỏa thuận hợp nhất ràng buộc với Twitter, hứa sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành thỏa thuận", đơn khiếu nại viết. "Bây giờ, chưa đầy ba tháng sau, Elon Musk ngang nhiên phủi bỏ các nghĩa vụ của mình với Twitter cũng như các cổ đông khi thỏa thuận đã ký không còn phục vụ lợi ích cá nhân của ông ấy."
Ngay sau khi tin tức về vụ kiện được đệ trình, Elon Musk đã đăng ngay một bài viết trên nền tảng với nội dung: “Ôi thật trớ trêu."
Thỏa thuận giữa hai bên có khả năng dẫn đến một cuộc đấu tranh pháp lý kéo dài để xác định liệu Twitter có thể buộc Elon Musk hoàn tất thỏa thuận hay ít nhất là khiến vị tỷ phú phải bồi thường 1 tỷ USD “phí chia tay” như trong thỏa thuận ban đầu.
Mặc dù Elon Musk trong thời gian gần đây cho biết, ông lo ngại (chưa có bằng chứng) về việc có quá nhiều tài khoản ảo trên nền tảng này, nhiều hơn những gì Twitter công bố. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng Elon Musk chỉ đơn giản đang muốn tìm cớ để thoát ra khỏi một thỏa thuận dường như đã được định giá quá cao - nhất là sau sự suy thoái của cổ phiếu Twitter và thị trường công nghệ nói chung. Cổ phiếu của Tesla mà Elon Musk đang phần nào dựa vào để tài trợ cho thỏa thuận với Twitter, cũng đã giảm mạnh kể từ khi ông đồng ý với thỏa thuận mua lại.
Twitter cho biết trong đơn khiếu nại rằng, “Elon Musk đã dựng lên một viễn cảnh công khai để đưa Twitter vào ‘cuộc chơi’, sau đó tự cho mình cái quyền thay đổi ý định, phá hoại công ty, làm gián đoạn hoạt động và phá hủy giá trị cổ phiếu… Những nỗ lực của Elon Musk để thoát khỏi thỏa thuận và sự miệt thị của ông ấy đối với Twitter và nhân sự của công ty ... khiến Twitter vướng phải những tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, nhân viên và giá cổ phiếu."
Thật vậy, cổ phiếu của Twitter, đã phục hồi khoảng 4% vào 12/7 sau khi giảm mạnh vào một ngày trước đó, hiện đang giao dịch thấp hơn 37% so với giá đề nghị của Elon Musk, cho thấy sự hoài nghi sâu sắc về việc thỏa thuận được thực hiện - nhất là với mức giá đưa ra ban đầu. Giá bán trong thỏa thuận, 54,20 USD/cổ phiếu, cao hơn 38% so với giá cổ phiếu một ngày trước khi Elon Musk tiết lộ cổ phần của mình trong công ty.
"Đối với Elon Musk, có vẻ như Twitter, lợi ích của những người nắm giữ cổ phiếu và hoạt động kinh doanh đều giống như một trò đùa phức tạp", đơn khiếu nại viết.
Cùng với đơn khiếu nại, Twitter đã đệ trình một đề nghị xúc tiến các thủ tục tố tụng trong vụ việc, yêu cầu kết thúc phiên xét xử vụ tranh chấp vào tháng 9. “Các hành động pháp lý là điều cần thiết để cho phép Twitter đảm bảo lợi ích công ty, giải quyết các vi phạm của Elon Musk, bảo vệ Twitter và các cổ đông khỏi rủi ro và tổn hại từ sự ‘bắt nạt’ của Elon Musk.”