Video: Rời INF, Mỹ lập tức thử nghiệm tên lửa hành trình

Mỹ vừa tiến hành thử nghiệm tên lửa hành trình phóng trên mặt đất có tầm bắn 500 km, sau chưa đầy ba tuần chính thức rút khỏi hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Video: Rời INF, Mỹ lập tức thử nghiệm tên lửa hành trình

Defense News dẫn nguồn thông báo của Lầu Năm Góc đưa tin, cuộc thử nghiệm diễn ra vào lúc 2:30 pm ngày 18.08.2019 theo giờ Thái Bình Dương, tại đảo San Nicolas, California.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ, tên lửa phóng đi từ hệ thống phóng di động trên mặt đất, tấn công chính xác mục tiêu theo dự kiến sau khi vượt qua 500 km đường bay. Dữ liệu và những số liệu thống kê từ lần thử nghiệm này sẽ được cung cấp cho Bộ Quốc phòng để phát triển các loại vũ khí tầm trung và tầm gần trong tương lai .

Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung ngày 02.08.2019. Thực tế, từ cuối năm 2018, Nhà Trắng đã khẳng định hiệp ước không còn mang lại hiệu quả cho lợi ích của Mỹ.

INF là hiệp ước được Mỹ ký với Liên Xô (cũ) năm 1987, nội dung cơ bản cấm các tên lửa đạn đạo và hành trình thông thường phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.000 km. Mỹ và các đồng minh NATO trong nhiều năm thường xuyên cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận này.

Các quan chức Mỹ nhấn mạnh, Nhà Trắng không có kế hoạch xây dựng lực lượng tên lửa đạn đạo và hành trình mang đầu đạn hạt nhân phóng từ mặt đất. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cho biết, Lầu Năm Góc sẽ thúc đẩy sự phát triển các tên lửa mang đầu đạn thông thường phóng từ mặt đất như là một phản ứng trước những động thái của Nga.

Phát triển tên lửa tầm trung và tầm gần là một phần trong danh mục đầu tư rộng hơn cho quân đội Mỹ để có thể tiến hành các đòn tấn công phối hợp bằng nhiều loại vũ khí thông thường.

Video ghi lại cuộc thử nghiệm cho thấy tên lửa hành trình Tomahawk được phóng từ Hệ thống phóng thẳng đứng Mark 41, cùng loại trang thiết bị phóng trong hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore. 

Đáng chú ý, Nga thường xuyên tuyên bố, sự hiện diện của hệ thống phóng Mk41 ở châu Âu là vi phạm Hiệp ước INF. Các chuyên gia Nga cho rằng, các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore ở Ba Lan và Romania có thể được chuyển đổi thành vũ khí tấn công.

Trung tá Robert Carver, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho biết: Hệ thống phóng được sử dụng trong thử nghiệm ngày 18.08.2019 cũng là MK 41, nhưng hệ thống phóng thử nghiệm không giống với Hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore, đang hoạt động ở Romania và đang được xây dựng ở Ba Lan. Hệ thống Aegis Ashore hoàn toàn là hệ thống phòng thủ, không thể phóng được tên lửa Tomahawk. Aegis Ashore không được cấu hình phóng bất cứ loại vũ khí tấn công nào.

Ông Carver nhấn mạnh: Vũ khí thử nghiệm là một biến thể của hệ thống tên lửa hành trình Tomahawk tấn công mặt đất (Tomahawk Land Attack) do tập đoàn Raytheon chế tạo.

Mỹ thử nghiệm phóng tên lửa hành trình từ hệ thống phóng trên mặt đất. Video Bộ quốc phòng Mỹ

Defence Blog

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…