Sáng ngày 29/4, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 với nhiều số liệu quan trọng.
Theo báo cáo, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2024 bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký cấp mới có 966 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 7,11 tỷ USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 73,2% về số vốn đăng ký.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt gần 5 tỷ USD, chiếm 70,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,6 tỷ USD, chiếm 22,5%; các ngành còn lại đạt 519,6 triệu USD, chiếm 7,3%.
Trong số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 2,59 tỷ USD, chiếm 36,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 898,6 triệu USD, chiếm 12,6%; Nhật Bản 814,1 triệu USD, chiếm 11,4%; Trung Quốc 740,2 triệu USD, chiếm 10,4%; Thổ Nhĩ Kỳ 730,1 triệu USD, chiếm 10,3%; Đài Loan 512,3 triệu USD, chiếm 7,2%.
Vốn đăng ký điều chỉnh có 345 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 1,23 tỷ USD, giảm 25,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,03 tỷ USD, chiếm 72,3% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,68 tỷ USD, chiếm 20,1%; các ngành còn lại đạt 635,1 triệu USD, chiếm 7,6%.
Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 902 lượt với tổng giá trị góp vốn 929,6 triệu USD, giảm 70,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, có 327 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 629,6 triệu USD và 575 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 300 triệu USD.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, hoạt động vận tải kho bãi đạt 277,2 triệu USD, chiếm 29,8% trị giá góp vốn; vốn đầu tư vào hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 228,7 triệu USD, chiếm 24,6%; ngành còn lại 423,7 triệu USD, chiếm 45,6%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,93 tỷ USD, chiếm 78,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 607,6 triệu USD, chiếm 9,7%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 259,8 triệu USD, chiếm 4,1%.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2024 có 36 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 98,3 triệu USD, giảm 29,8% so với cùng kỳ năm trước; có 3 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 580 nghìn USD, giảm 95,7%.
Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 98,9 triệu USD, giảm 35,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khai khoáng đạt 58,6 triệu USD, chiếm 59,3% tổng vốn đầu tư; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 11,5 triệu USD, chiếm 11,7%; dịch vụ khác đạt 10 triệu USD, chiếm 10,1%; hoạt động xây dựng đạt 5,5 triệu USD, chiếm 5,6%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5,4 triệu USD, chiếm 5,4%.
Trong 4 tháng đầu năm 2024 có 14 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Hà Lan là nước dẫn đầu với 54,6 triệu USD, chiếm 55,2% tổng vốn đầu tư; Lào 16,3 triệu USD, chiếm 16,5%; Hoa Kỳ 6,7 triệu USD, chiếm 6,7%; New Zealand đạt 5,9 triệu USD, chiếm 5,9%; Đức 5,4 triệu USD, chiếm 5,4%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 4/2024 ước đạt gần 44 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn Trung ương quản lý đạt 8,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5%; vốn địa phương quản lý 35,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 142,8 nghìn tỷ đồng, bằng 20,1% kế hoạch năm và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 bằng 18,4% và tăng 5,5%). Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý ước đạt 24,3 nghìn tỷ đồng, bằng 22% kế hoạch năm và giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải đạt 15,6 nghìn tỷ đồng, giảm 16,8%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 2,1 nghìn tỷ đồng, tăng 32,1%; Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 206,6 tỷ đồng, giảm 6,3%; Bộ Y tế đạt 175,6 tỷ đồng, giảm 6,8%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt 143,2 tỷ đồng, giảm 31,4 %; Bộ Công Thương đạt 141,3 tỷ đồng, tăng 9,9%.
Vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý ước đạt 118,5 nghìn tỷ đồng, bằng 19,7% kế hoạch năm và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 79,6 nghìn tỷ đồng, bằng 18,7% và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2023; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 33,7 nghìn tỷ đồng, bằng 22% và tăng 8,6%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 5,2 nghìn tỷ đồng, bằng 24,9% và tăng 4,8%.