Theo số liệu được công bố từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt khoảng 57 tỷ USD. Mức vốn hóa toàn thị trường đạt 1.508 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cuối năm 2015, tương đương 36% GDP.
Quy mô giao dịch bình quân phiên trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 5.854 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm trước, trong đó giao dịch trái phiếu chính phủ đạt 3.068 tỷ đồng/phiên, tăng 25%; giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ mỗi phiên đạt 2.786 tỷ đồng/phiên, tăng 12%.
Tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán thông qua phát hành cổ phiếu (cả phát hành riêng lẻ), đấu giá cổ phần hóa và đấu thầu trái phiếu chính phủ đạt 206 nghìn tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, nếu so với nhu cầu huy động vốn hiện nay của các doanh nghiệp, quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam còn quá nhỏ. Và nếu so với các thị trường trong khu vực thì quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam là không đáng kể. Trong khi đó, việc huy động vốn ở Việt Nam hiện nay chủ yếu qua kênh ngân hàng - một kênh gián tiếp.
Theo các chuyên gia phân tích, ngoài các nguyên nhân như chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán không đồng đều, hàng hóa chưa đa dạng do sự chậm trễ đưa các DNNN đã cổ phần hóa lên niêm yết trên thị trường tập trung, tính tuân thủ về công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết chưa cao… thì nguyên nhân đáng chú ý nhất đó là sự phân tán thị trường chứng khoán Việt Nam thành hai sàn giao dịch, hai nhóm công ty niêm yết khiến tốc độ trưởng thành của thị trường chậm lại những năm qua.
Phía sau sự chậm trễ ấy là chi phí cơ hội của các cá nhân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế bị lãng phí. Từ thông tin về một công ty chứng khoán thành viên của thị trường đã phải chi trả cho việc kết nối với hai sở giao dịch chứng khoán hàng năm khá nhiều, lên tới cả tỷ đồng mỗi năm cho thấy, việc tồn tại hai sở giao dịch như hiện nay đang khiến các thành viên thị trường bị tăng chi phí lên gấp đôi vì phải trả phí kết nối và các phí dịch vụ khác với hai sở thay vì một sở.
Theo giới phân tích, tại các quốc gia trên thế giới, nếu quốc gia nào chỉ có một sở giao dịch chứng khoán thống nhất mang tính đại diện cho thì khi đi ra quốc tế, hình ảnh của quốc gia đó sẽ tốt hơn, giảm chi phí đối ngoại và phí vận hành cho tất cả các bên.
Theo giới phân tích, tại các quốc gia trên thế giới, nếu quốc gia nào chỉ có một sở giao dịch chứng khoán thống nhất mang tính đại diện cho thì khi đi ra quốc tế, hình ảnh của quốc gia đó sẽ tốt hơn, giảm chi phí đối ngoại và phí vận hành cho tất cả các bên. Việt Nam chúng ta việc phân tán thành hai sở giao dịch đặt tại 2 thành phố lớn là Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội là lý do đặc thù riêng nhằm kích thích nền kinh tế hai đầu đất nước phát triển.
Tuy nhiên, để tăng tính cạnh tranh giữa các thị trường chứng khoán từng khu vực và thậm chí toàn cầu trong việc thu hút vốn nước ngoài rất mạnh mẽ, khiến mô hình phân tán hai sở không còn phù hợp. Mặt khác, cũng do 2 sở giao dịch phân tán nên hiện nay thị trường chứng khoán đang tồn tại 2 bộ chỉ số VN Index (của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh – HOSE; và chỉ số HNX Index của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội -HNX).
Mỗi bộ chỉ số được xây dựng để cho nhà đầu tư nhìn thấy phân khúc thị trường riêng biệt của từng Sở và trên mỗi bộ chỉ số được xây dựng dựa trên những nguyên tắc riêng. Điều này cản trở nhà đầu tư trong và ngoài nước khi muốn có tìm hiểu rõ về thị trường chứng khoán Việt Nam dựa trên góc nhìn tổng thể, từ đó ra quyết định đầu tư.
Ngoài ra, việc tồn tại song song 2 bộ chỉ số trong một thị trường chứng khoán cũng gây bất cập khi phát triển các sản phẩm tài chính như chứng khoán phái sinh, Quỹ ETF…
Sớm quy thị trường chứng khoán về một mối
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của thị trường cần có một chỉ số đại diện cho toàn thị trường chứng khoán Việt Nam trong việc tham chiếu và đầu tư, hỗ trợ cho việc thu thập thông tin, đánh giá, phân tích; làm cơ sở để phát triển các sản phẩm tài chính khác dựa trên chỉ số, từ đó hướng đến việc thống nhất và tiêu chuẩn hóa hệ thống chỉ báo cho TTCK Việt Nam, HOSE đã phối hợp với HNX xây dựng chỉ số chung với thành phần của chỉ số gồm các cổ phiếu trên cả 2 sàn HOSE và HNX với tên gọi là VNX ALLSHARE INDEX.
Theo đại diện của HOSE, bộ chỉ số VNX ALLSHARE INDEX bao gồm tất cả các cổ phiếu đang niêm yết tại HOSE và HNX. Sau khi gom toàn bộ tất cả các cổ phiếu trên 2 sở giao dịch thì bước tiếp theo tất cả các cổ phiếu này sẽ phải qua 3 bước sàng lọc sau: thứ nhất, sàng lọc về tư cách; thứ hai, sàng lọc về tỷ lệ tự do chuyển nhượng (free float); và thứ ba, sàng lọc về thanh khoản (turnover ratio). Sau khi qua 3 bước trên tất cả cổ phiếu sẽ được đưa vào bộ chỉ số HOSE-Index.
Dựa trên sự mô phỏng của bộ chỉ số chỉ số HOSE-Index với 306 cổ phiếu đang giao dịch trên HOSE và 377 cổ phiếu đang giao dịch trên HNX, sau khi qua sàng lọc chỉ còn lại 208 cổ phiếu trên HOSE và 180 cổ phiếu trên HNX đủ tiêu chuẩn vào rổ chỉ số VNX Allshare Index.
Các cổ phiếu này xét về chỉ số chứng khoán thì chỉ số VNX Allshare Index sẽ đại diện cho khoảng 87,55% giá trị vốn hóa toàn thị trường, trong đó tỷ trọng của các cổ phiếu sàn HOSE chiếm 92,65%, sàn HNX chiếm 7,35%. Về tính thanh khoản, chỉ số này đại diện cho 83,68% toàn thị trường, trong đó nhóm cổ phiếu sàn HOSE chiếm khoảng 78,09% và HNX chiếm 21,91%.
Về lộ trình triển khai thì hiện nay cả 2 Sở Giao dịch Chứng khoán đã nỗ lực để thống nhất một bộ quy tắc chung để xây dựng chỉ số này. Dự kiến đến tháng 10/2016 chỉ số chung sẽ được “diện kiến” thị trường. Theo giới phân tích, việc đưa chỉ số chung vào vận hành sẽ tạo thêm các giá trị mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam, cung cấp thêm thông tin tham chiếu, tăng cường độ minh bạch, tin cậy của thị trường.
Đồng thời, việc xây dựng một bộ chỉ số chung cho HOSE và HNX được coi là những bước đi đầu tiên trong quá trình hợp nhất hai Sở. Gần đây, khi trả lời báo giới về vấn đề hợp nhất HOSE và HNX thành Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, TS. Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HOSE cho biết, trong cuộc họp chiều ngày 27/6/2016 Chủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với các kiến nghị của Tp. Hồ Chí Minh đặt trụ sở Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh sau khi sáp nhập hai sở giao dịch chứng khoán.
Khi thị trường chứng khoán Việt Nam xây dựng được một chỉ số chứng khoán chung và một sở giao dịch chứng khoán thống nhất là bước quan trọng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như xây dựng sự minh bạch của thị trường chứng khoán trong mắt bạn bè quốc tế. Ngoài ra, việc gom tất cả cổ phiếu tại HOSE và HNX về một mối sẽ hình thành sàn giao dịch chung của hơn 1.000 cổ phiếu niêm yết, hứa hẹn một thị trường sôi động với quy mô không còn quá xa các nước trong khu vực./.
Mai Hạ/Theo Thương Gia