Xuất khẩu sang Anh tăng mạnh nhờ tận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh

Dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh trong năm 2021 đã đạt được “kỳ tích” mới.

Theo Bộ Công thương, sau 1 năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực tạm thời (từ ngày 1/1/2021) và 7 tháng có hiệu lực chính thức (từ ngày 1/5/2021), trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Anh đã có những tăng trưởng tốt.

Số liệu thống kê của Hải quan cho thấy, 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Anh đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó Việt Nam thặng dư thương mại 4,46 tỷ USD.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 5,24 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đều tăng trưởng tốt. Dẫn đầu tốc độ tăng trưởng lần lượt là các mặt hàng: sắt thép (1.183%); cao su (82,3%); nông sản (70,8%); sản phẩm mây, tre, cói và thảm (60,3%); hạt tiêu (48%); phương tiện vận tải và phụ tùng (35,3%); gốm sứ (35,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (21%). Bên cạnh những nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ngoạn mục, vẫn có nhóm hàng có kim ngạch giảm đáng kể như thủy sản; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; dây điện và cáp điện.

Ngược lại, xuất khẩu của Anh 11 tháng đầu 2021 sang Việt Nam đạt 778.178.006 USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2020. Các mặt hàng nhập khẩu từ Anh có tốc độ tăng trưởng lớn nhất lần lượt như kim loại thường khác (637%); điện thoại các loại và linh kiện (184%); nguyên liệu dệt, may, da giày (38,1%); dược phẩm (34,2%); ô tô nguyên chiếc các loại (23,1%).

Mức tăng trưởng thương mại kỳ vọng cho cả năm 2021 và 2022 dự báo khả quan khi kinh tế Anh phục hồi cộng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam và sự tiếp sức, hướng dẫn của các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.

Theo Bộ Công thương, hiện nay, Chính phủ Anh đã chủ động thực hiện chiến lược thương mại “Global Britain” nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Anh cũng sẵn sàng mở cửa thị trường nội địa theo phương thức “có đi có lại” với các đối tác nước ngoài thông qua các FTA. Đồng thời, thúc đẩy đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 19 quốc gia hoặc Liên minh các quốc gia trong đó tập trung ưu tiên các đối tác thương mại lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ đồng thời chủ trương kế thừa toàn bộ các FTA của EU đang có hiệu lực trên cơ sở đồng thuận với bên ký kết của các này trong đó có FTA giữa Việt Nam – EU (EVFTA).

Ngoài ra, Anh cũng quyết tâm gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng nghĩa với việc Anh sẵn sàng mở của thị trường cho nhiều sản phẩm của 11 nước thành viên tham gia Hiệp định này để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho các sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp Anh. Khi đó, nhiều sản phẩm Việt Nam tại thị trường Anh sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh đến từ các nước CPTPP.

Vì vậy, Bộ Công thương cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ UKVFTA mang lại. Trong đó, doanh nghiệp phải tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn Anh, châu Âu, đồng thời tích cực chủ động xây dựng và phát triển quan hệ bạn hàng với các các Tập đoàn phân phối lớn như Tesco, Sainburry, Whole Foods, Waitrosse, Mark & Spencers, Liddle, Cosco, Aldi, Strada, Westmill.

Đặc biệt, phải chủ động được công nghệ bảo quản và vận chuyển nông sản bằng đường biển; sử dụng tốt chính sách tín dụng ưu đãi và dịch vụ đánh giá, xác minh tín nhiệm của khách hàng của các ngân hàng Anh.

Có thể bạn quan tâm