Còn 718 doanh nghiệp cần “thúc” cổ phần hoá

Theo Cục tài chính Doanh nghiệp, trong 10 tháng năm 2016 đã thực hiện cổ phần hóa được 48 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), nâng tổng số lên 639 đã cổ phần hoá từ 2011-2016.
Còn 718 doanh nghiệp cần “thúc” cổ phần hoá

Hội nghị phổ biến chính sách về CPH, giao dịch và niêm yết chứng khoán

Đây là kết quả thực hiện cổ phần hoá DNNN được báo cáo ngày 15/12 tại “Hội nghị phổ biến một số chính sách mới về cổ phần hóa và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán”. Hội nghị do Sở GDCK Hà Nội (HNX) phối hợp với Cục Tài chính Doanh nghiệp - Bộ Tài chính tổ chức nhằm phổ biến chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính về đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN gắn với phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán.

Tại hội nghị, ông Hoàng Văn Thu, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, khẳng định việc xắp xếp, cổ phần hóa DNNN là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình đổi mới DNNN. Trong đó gắn cổ phần hóa với phát triển thị trường chứng khoán là một trong những cơ chế, chính sách quan trọng nhằm thực hiện việc tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ. Chính sách này cũng đồng thời là nhiệm vụ, là quyền lợi của doanh nghiệp, của nhà đầu tư.

Trong giai đoạn 2011-2015, cả nước đã sắp xếp được 591 DNNN, trong đó cổ phần hóa được 499 doanh nghiệp, đạt 96% kế hoạch. Riêng 10 tháng năm 2016 đã cổ phần hóa được 48 DNNN.

Đến nay cả nước đã sắp xếp được 5.950 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 4.460 doanh nghiệp, tính đến hết tháng 10/2016 còn 718 DNNN cần phải cổ phần hóa.

“Nhiệm vụ cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020 là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách hoạt động, đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước”, ông Thu nhấn mạnh.

Về hoạt động của các DNNN sau cổ phần hoá cũng có những tiến triển tốt hơn, nhiều doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, tăng trưởng cao và ổn định. Đánh giá hoạt động của 350 DNNN sau cổ phần hóa năm 2015 cho thấy, lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp này tăng 49%, nộp NSNN tăng 27%, vốn điều lệ tăng 72%, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu tăng 29%.

Tuy nhiên, việc thực hiện đăng ký lưu ký, đăng ký giao dịch cổ phần theo quy định của Nghị định 60/2015/NĐ-CP và Quyết định 51/2015/QĐ-TTg còn hạn chế. Hiện, còn gần 400 DNNN đã cổ phần hóa chưa đưa cổ phiếu lên giao dịch tập trung khiến giao dịch của nhà đầu tư gặp khó khăn, việc đấu giá cổ phần hóa DNNN trở nên kém hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo Thông tư số 115/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 30/6/2016, khi doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) qua Sở GDCK, phải đồng thời thực hiện việc đăng ký, lưu ký cổ phần trên VSD và đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

Còn 718 doanh nghiệp cần “thúc” cổ phần hoá ảnh 1

Có 50 doanh nghiệp đăng ký giao dịch UPCoM chỉ trong tháng 11 và 12 năm nay

Tháng 11/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 145 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, và chứng khoán phái sinh. Trong đó, Nghị định 145 quy định mức phạt từ 10 -400 triệu đồng nếu doanh nghiệp không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán không đúng hạn.

Kể từ khi Nghị định 145 được ban hành (ngày 1/11/2016), số lượng doanh nghiệp đăng ký giao dịch UPCoM tăng đáng kể, với 50 công ty chỉ trong tháng 11 và 12 năm nay.

Theo số liệu của HNX, đến nay, thị trường UPCoM đang có 387 doanh nghiệp đăng ký giao dịch (cao gấp 11,4 lần cuối năm 2009) với giá trị đăng ký giao dịch đạt hơn 119.390 tỷ đồng.

Hải Hà

>> Cổ phiếu của Sabeco tăng trần, chạm mốc 200.00 đồng/CP 

Có thể bạn quan tâm