Đừng để ù tai chỉ vì... thuốc!

Chuyện đời xưa nay vẫn thế. Thà tình phụ cái rụp, tuy đau điếng nhưng rồi mau hết đau hơn đau buồn dai dẳng vì tình không phụ nhưng tình lại tẩm đầy phản ứng… phụ!
Đừng để ù tai chỉ vì... thuốc!

Với thần kinh thính giác cũng thế. Thà điếc hẳn dễ mua máy trợ thính. Đằng này điếc thì không nhưng tai cứ nghe o… o… đến độ mặc ai nói ra nói vào ta đây vẫn ngẩn ngơ như tao nhân ù ù cạc cạc thơ thẩn tìm vần thơ giữa chợ chiều!

Theo bản tin còn nóng hổi trong tạp chí Natur & Medizin bên Đức, một trong các nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều người trầm uất đến độ phân liệt cá tính là vì ù tai, khi bổng khi trầm, khi mạnh khi yếu, chữa hoài không hết! Khỏi dông dài cũng hiểu ai vui cho nổi với tiếng rù rì như ruồi bay nhởn nhơ trong óc!

Kẹt hơn nữa, cũng theo nghiên cứu của thầy thuốc bên đó, ù tai, nếu không thuyên giảm sau 3 tháng, chuyển rất nhanh sang thể mãn tính và từ đó khó chữa. Tiếng vo ve khi đó trở thành một loại kích ứng chiếm ưu thế trong hệ thần kinh, nghĩa là khó bôi xóa. Thêm vào đó là tình trạng thiếu dưỡng khí trong loa tai do các vi mạch bị chai cứng. Ù tai vì thế cũng là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp, tăng mỡ máu… Bệnh tất nhiên càng khó chữa hơn nữa nếu là đòn "hội đồng" của 2, 3 căn bệnh, bệnh nào cũng nghiêm trọng.

Đừng để ù tai chỉ vì... thuốc! ảnh 1

Bác sỹ Lương Lễ Hoàng

Vấn đề lại không chỉ có thế. Nếu tưởng ù tai lúc nào cũng do bệnh gì đó thì không sai nhưng chưa đúng hết! Nhiều nạn nhân ù tai, thậm chí điếc đột ngột, nhưng không ngờ là do hậu quả của việc lạm dụng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc dưới đây:

"Thuốc giảm đau do thói quen hở chút đã uống ngay thuốc.

"Thuốc lợi tiểu dùng lâu ngày nhưng thầy thuốc quên bổ sung các loại khoáng tố dễ thất thoát như kali, ma nhê.

"Thuốc hóa trị. Ù tai vì thế là một trong các hậu quả bất lợi khó tránh cho bệnh nhân ung thư.

"Thuốc chống sốt rét, thuốc trị lao phổi nếu thầy thuốc không kịp thời bổ sung sinh tố B6, B12 cho bệnh nhân phải dùng thuốc lâu dài.

"Một số thuốc kháng sinh nếu dùng quá lâu, nghĩa là sai liều lượng, hoặc tuy vẫn đúng liều, nhưng sai lượng vì dùng quá thường.
"Thuốc hạ huyết áp thuộc nhóm chẹn ACE dùng quá lâu, chẳng hạn trong trường hợp bệnh nhân dùng y toa cũ của bác sỹ mà không cần tái khám, hay do thầy thuốc vì quá bận rộn nên sao y bản chánh bất kể tổng trạng và huyết áp của người bệnh.

"Thuốc kháng toan, nhất là khi bệnh nhân tự điều trị đau dạ dày theo kiểu hễ đau uống thuốc, vừa hết đau thì ngừng ngay.

"Thuốc chống trầm uất theo kiểu một toa vài tháng mặc kệ bệnh nhân có bớt buồn hay vẫn chán đời.

Chuyện đời bao giờ cũng có hai mặt. Thường khi thuận lý vẫn không thiếu nghịch cảnh oái oăm. Không thiếu trường hợp thêm bệnh oan uổng chỉ vì uống thuốc quá liều! Thuốc nào dùng sai không chóng thì chầy cũng thành thuốc… độc! Riêng trong bối cảnh xứ mình, kẹt chính ở mấy ai rảnh rỗi để tìm thầy, mấy ai vui gì trong cảnh lấy số thứ tự chờ thầy dài cổ. Thôi thì cứ ra nhà thuốc tìm thuốc cho xong.

Chuyện gì cũng có ngoại lệ. Cũng có loại ù tai không do bệnh, không vì thuốc mà chẳng qua vì gia chủ không muốn nghe tiếng nói của… lương tâm! Bệnh này khó chữa!

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng.

Có thể bạn quan tâm