Hết nửa năm tài chính, Vietnam Airlines vẫn chưa thể chuẩn bị tài liệu ĐHĐCĐ

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa thông báo thay đổi thời gian tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 từ ngày 28/7/2020 sang ngày 10/8.
Hết nửa năm tài chính, Vietnam Airlines vẫn chưa thể chuẩn bị tài liệu ĐHĐCĐ

Ngày cuối cùng để cổ đông đăng ký tham dự đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 của Vietnam Airlines vẫn giữ nguyên là ngày 15/6/2020. Trước đó, doanh nghiệp này công bố ĐHĐCĐ lần đầu vào ngày 29/6, sau đó đổi sang ngày 16/7 và tiếp tục rời thời gian tới 28/7.

Lý do Vietnam Airlines tiếp tục lùi thời điểm đại hội là vì “công tác chuẩn bị các nội dung họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 chưa hoàn thành”. Nguyên nhân này được đưa ra trong bối cảnh năm tài chính 2020 đã chuẩn bị bước sang tháng thứ 8.

Trước thềm đại hội này, Vietnam Airlines đã thông tin về ba giải pháp tổng công ty đề nghị hỗ trợ khẩn cấp, bao gồm: khoản vay tái cấp vốn với quy mô 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi mức thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, thời hạn 3 năm; phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn với quy mô phát hành cân đối với phương án vay để đảm bảo 12.000 tỷ đồng; trong trung và dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thời hạn 10 năm, quy mô 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay (giai đoạn 2021 - 2025).

Theo ông Dương Trí Thành - Tổng giám đốc công ty cho biết, hãng sẽ rơi vào trạng thái mất thanh khoản từ cuối tháng 8/2020 nếu không có hỗ trợ về tài chính. Thông tin này được đưa ra tại cuộc tọa đàm do Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tổ chức hôm 13/7.

Vietnam Airlines cho biết tính đến tháng 5/2020 Covid-19 đã “đốt” gần 50% (tương đương 190 tỷ USD) giá trị vốn hoá của 115 hãng hàng không niêm yết trên thế giới và ước tính cần 250 tỷ USD từ các Chính phủ để hỗ trợ ngành hàng không.

Liên tục từ 2010 đến 2019, Vietnam Airlines liên tục tăng trưởng. Kết quả kinh doanh của năm 2019 thậm chí còn tốt nhất. Tuy nhiên, đến năm 2020, doanh nghiệp này dự kiến lỗ ròng 13.000 tỷ đồng sau khi đã triển khai hàng loạt giải pháp như áp dụng việc tính chậm khấu hao cũng như chính sách thuế xăng dầu, giảm bớt được lỗ 2.200 tỷ so với con số ước tính ban đầu là lỗ hơn 15.000 tỷ.

Vietnam Airlines đã cắt giảm các chi phí hơn 5.000 tỷ đồng (trong đó 1.700 tỷ đồng cắt giảm lương); giảm hơn 24.000 tỷ đồng do cắt giảm sản lượng khai thác (trong đó có hơn 1.800 tỷ đồng thu nhập người lao động); giãn thuế máy bay hơn 2.300 tỷ đồng, nhiên liệu bay xấp xỉ 1.700 tỷ đồng/tháng, giãn vay gốc lãi 1.940 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm