8 người nổi tiếng sẽ truyền cảm hứng cho bạn để không bao giờ bỏ cuộc

"Không bao giờ bỏ cuộc" nghe thì thật sáo rỗng, nhưng lại hoàn toàn đúng khi bạn thực sự không thể biết hết được, có thể thành công chỉ ở ngay bước tiếp theo.

Vậy nên, đừng bao giờ bỏ cuộc nếu như bạn xác định đó là mục đích và mục tiêu của cuộc đời. Nếu như bạn cần bổ sung niềm tin, tôi sẽ kể cho bạn câu chuyện của những người nổi tiếng sau đây: Sarah Jessica Parker, Stephen King, J.K.Rowling… Tôi tin rằng nó sẽ là những “liều thuốc tăng lực” hữu hiệu, để truyền cảm hứng cho bạn, truyền động lực cho bạn vững vàng hơn, làm chủ cuộc đời của mình.

J.K. Rowling

Ảnh: The Times.

Rowling ly hôn, nhận viện trợ của chính phủ và hầu như không đủ khả năng để nuôi con vào năm 1994, chỉ ba năm trước khi cuốn sách Harry Potter, The Philosopher’s Stone được xuất bản. Nữ tác giả nghèo tới mức chẳng thể mua được máy tính hay thậm chí là không thể có đủ chi phí cho việc sao chép cuốn tiểu thuyết 90.000 từ. Chính vì vậy bà đã tự tay gõ từng phiên bản gửi cho các nhà xuất bản. Nó bị từ chối hàng chục lần cho đến cuối cùng Bloomsbury – một nhà xuất bản nhỏ ở London đã cho nó cơ hội tái sinh, sau khi cô con gái 8 tuổi của vị CEO nhà xuất bản này cực kỳ thích nó.

Bà đã chứng tỏ cho cả thế giới rằng Harry Potter không phải là đỉnh cao duy nhất của bà. Cho dù, bộ truyện 7 tập này đã bán được 400 triệu bản, trở thành một hiện tượng toàn cầu, biến J.K Rowling từ một bà mẹ đơn thân nghèo khó trở thành một nữ tỉ phú với khối tài sản trị giá 560 triệu bảng Anh và mang lại cho bà vô số giải thưởng danh giá.

Stephen King

Ảnh Entertainment Weekly

 
Sinh năm 1947, Stephen King lớn lên tại một vùng nông thôn nghèo tại Mỹ trong một gia đình tan vỡ từ rất sớm. Khi Stephen mới được 2 tuổi, cha cậu bé đã bỏ đi, để lại người mẹ đơn thân chăm sóc hai đứa con nhỏ.

Khi còn nhỏ, có một sự kiện kinh hoàng đã tác động rất lớn tới tâm lý của Stephen King. Đó là khi cậu bé Stephen phải chứng kiến cảnh tượng một người bạn của mình bị tàu hỏa đâm. Người thân sau này kể lại, Stephen đã trở về nhà trong câm lặng và cậu bé đã thực sự sốc.

Những gì đọng lại trong cậu bé Stephen sau này là hình ảnh xã hội không hoàn hảo, giống như trong tác phẩm đầu tay Carrie của ông về một cô bé sống trong sự kìm kẹp của người mẹ và trường học. Trong cuốn tự truyện On Writing ra mắt năm 1999, dù bản thân ông không đề cập đến nhưng nhiều người cho rằng chính sự kiện này đã góp phần khiến Stephen King tạo ra một thế giới đen tối trong văn học.

King đã phải vật lộn khi bước chân vào con đường viết. Ông sống trong xe mooc (giống caravan) cùng với vợ mình, cũng là một nhà văn và cả hai làm nhiều công việc để hỗ trợ gia đình trong khi theo đuổi nghề của họ. Họ nghèo đến mức phải mượn quần áo cho đám cưới và bỏ dùng điện thoại vì nó quá đắt.

King đã nhận được rất nhiều thư từ chối cho các tác phẩm của mình đến nỗi sau này ông đã có một bộ sưu tập riêng. Trong cuốn On Writing ông nhớ lại: “Từ lúc tôi 14 tuổi … những cái đinh trên tường tôi dùng để lưu lại những lời từ chối không còn đủ sức giữ chúng nữa. Tôi thế đinh bằng một que nhọn và lại tiếp tục viết”.

Ông đã nhận được 60 lần từ chối trước khi bán truyện ngắn đầu tiên “The Glass Floor” với giá 35 đô la. Ngay cả cuốn sách bán chạy nhất hiện nay của ông, Carrie cũng không phải là cú hit ngay từ đầu. Sau hàng chục lần từ chối, cuối cùng ông đã bán nó với số tiền ít ỏi cho nhà xuất bản Doubleday – nơi mà phiên bản bìa cứng chỉ bán được 13.000 bản. Tuy nhiên, ngay sau đó, Signet Books đã ký bản quyền bìa mềm với giá 400.000 đô la, một nửa trao lại cho King. Thành công đã mỉm cười.

Jim Carrey

Ảnh The Talks

Khi Carrey 14 tuổi, cha ông mất việc và gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Họ chuyển vào ở trong một chiếc xe van Volkswagen trong vườn của một người họ hàng, và nhà hài kịch trẻ tuổi – người vốn rất tâm huyết với đam mê của mình, gửi bản CV tới chương trình The Carroll Burnett Show khi mới lên 10 – đã phải chấp nhận công việc 8 tiếng một ngày trong nhà máy sau giờ học để có thể trang trải cuộc sống.

Năm 15 tuổi Carrey đã thực hiện chương trình hài kịch trên sân khấu lần đầu tiên trong bộ đồ mà mẹ ông tự làm. Nó không thành công, thậm chí còn được coi là thảm hại. Nhưng ông không nản lòng. Năm sau, 16 tuổi, ông bỏ học để tập trung hoàn toàn vào hài kịch. Sau đó chuyển đến Los Angeles, nơi sau này gắn tên tuổi của ông với Mulholland Drive mỗi đêm. Ông đã viết một tấm séc 10 triệu đô cho “Acting Services Rendered” vào lễ tạ ơn năm 1995. Trước đó ông đã kiếm được một gia tài nhờ “Dumb and Dumber”.

Khẳng định khả năng diễn xuất của mình không dừng lại ở giới hạn phim hài, Jim Carrey tham gia vào những phim chính kịch như Eternal sunshine of the spotless mind (2004) và đoạt được 2 giải Quả cầu vàng từ 2 bộ phim The Truman show (1998), Man on the moon (1999). Có lẽ, cuộc đời và những thành công trong sự nghiệp của Jim chính là một minh chứng hùng hồn rằng khi con người ta còn nghĩ đến tiếng cười và còn biết quý nụ cười trong những ngày tháng tăm tối nhất thì sự lạc quan ấy sẽ chẳng bao giờ khiến ta thất vọng.

Tyler Perry

Ảnh Ebony Magazine

Trước khi trở thành diễn viên và tác giả của những ca khúc bất hủ cùng gia tài khủng, ít ai biết rằng, cuộc sống của ông từng là một chuỗi cơ cực. Tyler Perry nhớ lại hồi bé ông thường bị người bố nghiện rượu đánh bằng dây thừng cho đến khi da lưng của ông bị bong ra. Không chỉ thế, ông còn từng bị xâm hại tình dục khi là một đứa trẻ. Những điều ấy đã tạo nên động lực để cậu bé đáng thương ngày nào trở thành một trong những người giàu có và thành đạt trong ngành giải trí.

Để đến với thành công, không chỉ tuổi thơ đầy biến động, Perry còn gặp rất nhiều khó khăn. Phải mất đến gần cả chục năm long đong, lận đận với những vị trí khác nhau Perry cuối cùng mới có được sự đột phá và được ghi nhận. Kể từ đó ông được biết đến là một đạo diễn cực kỳ thành công, một nhà văn, một diễn viên. Năm 2011 ông được Forbes đánh giá là người đàn ông được trả lương cao nhất trong ngành giải trí.

Colonel (Harland) Sanders

Ảnh New York Daily News

Ông lão tóc trắng trên logo của KFC có lẽ chẳng ai là không biết. Nhưng câu chuyện về đại tá Harland Sanders lập nghiệp ở tuổi cao và những chặng đường gian khó của cuộc đời ông thì ít người biết đến. Vị đại tá này bị sa thải nhiều công việc khác nhau trước khi quyết định sẽ nấu món gà trong Shell Service Station vào năm 1930, khi đó ông đã 40 tuổi, cô đơn một mình.

10 năm tiếp theo, ông đã hoàn thiện công thức nấu ăn bí mật và món gà rán của ông nổi tiếng. Tuy nhiên, khó khăn lại tới khi những quán gà rán của ông buộc phải đóng cửa do ảnh hưởng tới giao thông. Lo lắng về cuộc sống phía trước khi chỉ còn khoản lương hưu ít ỏi 105 đô la mỗi tháng. Nhưng rồi người đàn ông tóc trắng này đã nghĩ ra phương thức nhượng quyền. Ông đã lái xe vòng quanh và bị từ chối hơn 1.000 lần trước khi cửa hàng nhượng quyền đầu tiên được ký kết.

Ngày nay nói đến KFC thì chắc khỏi nói về độ phủ sóng rồi.

Shania Twain

Ảnh USA Today

Nhắc đến nhạc đồng quê, khó ai có thể quên được Shania Twain nữ ca sĩ thông minh, quyến rũ với tiếng hát ngọt ngào. Sinh trưởng tại Windsor, tỉnh Ontario, Canada với tên thật là Eilleen Regina Edwards, với một tuổi thơ đầy khổ hạnh. Cha mẹ ly dị lúc cô mới hai tuổi. Shania sống trong cảnh nghèo đói cùng mẹ và cha dượng khi bà tái hôn với một người Ấn Độ. Cô thường phải cùng cha dượng đi trồng cây thuê và săn thỏ để kiếm tiền.

Shania say mê âm nhạc ngay từ nhỏ. Cô học chơi guitar, viết nhạc và ca hát ngay khi mới tập đánh vần. Biết được năng khiếu của con, cha dượng và mẹ cô bắt con đi hát ở các quán bar để kiếm thêm thu nhập. Năm lên 8 tuổi, Shania vừa hát vừa phục vụ cho các nhà hàng địa phương.

Năm 21 tuổi, cha mẹ cô qua đời trong một vụ tai nạn giao thông và nghiễm nhiên, cô trở thành chủ gia đình, phải làm việc vô cùng vất vả nuôi 4 em nhỏ và trả hết mọi nợ nần.Được một luật sư giúp đỡ, Shania đã và gửi băng demo của mình cho nhà sản xuất Norro Wilson thuộc hãng thu thanh Nashvill. Một năm sau, cô cho ra album đầu tay mang tên mình. “Shania” trong tiếng Ojbwa có nghĩa là “tôi tự lập”. Tuy không được thành công như mong muốn, song cô không chịu đầu hàng.

Tháng 12 năm 1993, cô làm đám cưới với John “Mutt” Lange, một nhà viết nhạc rock & roll kỳ cựu, người từng sáng tác những ca khúc nổi tiếng cho Bryan Adams, Michael Bolton. Với sự giúp đỡ của Lange, cô cho ra đời đĩa The woman in me và nhận được giải Grammy cho Album nhạc đồng quê xuất sắc nhất với 9 triệu đĩa được bán ra trên khắp nước Mỹ. Không chỉ có thế, cô còn được mời biểu diễn ở Nhà Trắng. Shania lại đánh dấu một một thành công mới với album Come on over. Với các ca khúc như Man! I feel like a woman, Don’t be stupid, You’ve got a way…, Shania đã thống trị toàn bộ các bảng xếp hạng Billboard, top 10 của Mỹ, Anh và liên tục gây sóng gió trên MTV. Shania được đánh giá là nữ nghệ sĩ xuất sắc nhất năm 2000 và album của cô trở thành một trong những album bán chạy nhất mọi thời đại, vượt qua cả nữ hoàng nhạc pop Whitney Houston.

Emily Blunt

Ảnh Harper’s Bazaar

Vào năm 7 tuổi đến 14 tuổi Emily Blunt mắc tật nói lắp. Cô không thể trò chuyện với các bạn cùng lớp. Cô từng chia sẻ với tạp chí W “Tôi là một đứa trẻ thông minh, và có rất nhiều điều để nói, nhưng tôi không thể nói điều đó. Nó ám ảnh tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể và nói chuyện với ai đó như tôi đang nói chuyện với bạn ngay bây giờ”.

Cô đã được một giáo viên giúp đỡ vượt qua tật nói lắp bằng diễn xuất. Quá trình đó diễn ra không hề dễ dàng. Nhưng Emily đã vượt qua tật nói lắp đó và cuối cùng đã đạt được sự nghiệp thành công như hiện tại, một ‘bông hồng nước Anh’ nhờ sở hữu vẻ ngoài xinh đẹp, là ‘con ong chăm chỉ’ bởi khả năng làm việc phi thường dù cô đã trở thành ngôi sao hạng A của Hollywood và là bà mẹ của hai đứa con.

Oprah Winfrey

Ảnh Epicurious

Câu chuyện của nữ hoàng truyền thông da màu này quả thực làm xao xuyến bất cứ trái tim nào. Oprah Winfrey là hiện thân của một nữ lãnh đạo, một nguồn cảm hứng mạnh mẽ, không chỉ về sự nghiệp lẫy lừng, mà còn là tổng hợp những bài học cuộc sống, dành cho những ai phải trải qua biến cố của cuộc đời.
Tuổi thơ với nhiều chuyện buồn, nhà nghèo, bị phân biệt đối xử. Lớn hơn chút nữa thì trở thành nạn nhân của lạm dụng tình dục và liên tục bị anh họ, chú, và một người bạn của gia đình quấy rối. Sau đó bà mang thai và sinh con ở tuổi 14. Nhưng chẳng may, đứa trẻ qua đời sau đó hai tuần.
Oprah vẫn kiên trì học hết cấp ba với tư cách là học sinh danh dự, kiếm được học bổng toàn phần vào đại học, vượt qua hàng ngũ tài năng ở truyền hình và trở thành một nữ tỷ phú, siêu sao quốc tế…

Đối với 9 nhân vật trên đôi khi chúng ta chỉ nhìn thấy cái hào quang của hiện tại mà quên đi quá trình đến với thành công. Có câu nói, thành công là một quá trình tuần tự từ A đến Z. Vậy nên đừng vội vàng đánh giá khi chúng ta mới chỉ đi được một nửa nấc thang và vội buông bỏ. Giống như những mẫu hình ở trên, nếu họ dừng lại, thì bây giờ chúng ta đâu có những ngôi sao, những doanh nhân, tỷ phú giàu có, tài năng, tỏa sáng đến như vậy. Thế nên, đừng bao giờ bỏ cuộc, sáo rỗng đó nhưng cũng chính là sự thật, dành cho những ai quyết tâm để thành công.

Có thể bạn quan tâm