Thâm hụt ngân sách Mỹ chạm mốc cao thứ 3 trong lịch sử

Thâm hụt ngân sách Mỹ đã vượt lên mức 1,8 nghìn tỷ USD trong năm tài chính 2024 do khoản lãi cho nợ công tăng gần 30% và chi tiêu cho an sinh xã hội, y tế và quốc phòng gia tăng đáng kể…

Thâm hụt ngân sách Mỹ chạm mốc cao thứ 3 trong lịch sử

Theo báo cáo mới được công bố bởi Bộ Tài chính Mỹ, thâm hụt chính sách của nền kinh tế số 1 thế giới đã tăng lên 1.833 tỷ USD trong năm tài chính 2024. Đây là mức thâm hụt cao thứ 3 trong lịch sử nước Mỹ, chỉ xếp sau mức 3 nghìn tỷ USD vào năm 2020 và 2,7 nghìn tỷ USD vào tài khóa 2021.

Tổng mức thâm hụt năm 2024 (tính từ 1/10/2023 - 30/9/2024) đã tăng 8%, tương đương 138 tỷ USD so với mức 1.695 tỷ ghi nhận trong năm tài chính 2023.

Tính theo phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mức thâm hụt ngân sách của Mỹ là 6,4%, cao hơn so với 6,2% của năm trước.

Trên thực tế, mức thâm hụt năm 2023 giảm nhờ việc đảo ngược khoản chi 330 tỷ USD liên quan đến chương trình xóa nợ sinh viên của Tổng thống Joe Biden sau khi bị Tòa án Tối cao bác bỏ. Nếu không có sự điều chỉnh này, thâm hụt sẽ vượt 2 nghìn tỷ USD.

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thâm hụt trong năm nay là chi phí lãi tăng cao và khối lượng nợ nhiều hơn. Con số này thậm chí đã vượt cả ngân sách dành cho chương trình chăm sóc sức khỏe Medicare cho người cao tuổi và chi tiêu quốc phòng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề này có thể gây khó khăn cho Phó Tổng thống Kamala Harris trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ mặc dù trước đó, bà Harris đã nhiều lần khẳng định rằng mình sẽ có cách quản lý tài chính tốt hơn so với đối thủ Donald Trump. Theo ước tính của Ủy ban Trách nhiệm Ngân sách Liên bang, các kế hoạch của ông Trump có thể khiến nợ công tăng thêm 7,5 nghìn tỷ USD, gấp đôi mức 3,5 nghìn tỷ USD từ các đề xuất của bà Harris.

Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, lãi suất bình quân gia quyền của nợ công là 3,32% trong tháng 9, tăng 0,35 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, nhưng đã giảm từ mức 3,35% vào tháng 8. Đây là lần giảm đầu tiên theo tháng kể từ tháng 1/2022.

Một số yếu tố khác đã góp phần làm tăng chi tiêu của Mỹ trong năm 2024 bao gồm an sinh xã hội tăng 7% lên 1.520 tỷ USD; chương trình sức khoẻ Medicare tăng 4% lên 1.050 tỷ USD và chi tiêu quốc phòng tăng 6% lên 826 tỷ USD.

Trong khi đó, nguồn thu ngân sách trong năm tài chính 2024 đạt kỷ lục 4.919 tỷ USD, tăng 11% (tương đương 479 tỷ USD) so với năm trước, chủ yếu nhờ sự gia tăng từ thuế thu nhập không khấu trừ và thuế doanh nghiệp. Chi tiêu cho năm 2024 cũng tăng 10%, tương đương 617 tỷ USD, lên 6.752 tỷ USD.

Xem thêm

Cuộc đua Nhà Trắng: Tương lai ngành xe điện Mỹ và ván cược tỷ đô từ Hàn Quốc

Cuộc đua Nhà Trắng: Tương lai ngành xe điện Mỹ và ván cược tỷ đô từ Hàn Quốc

Cuộc tranh cử tổng thống Mỹ đang làm dấy lên các tranh luận về tương lai của ngành công nghiệp xe điện. Trong đó, Hàn Quốc lo ngại rằng hàng tỷ USD của họ có thể gặp rủi ro khi những thay đổi chính sách có thể ảnh hưởng đến hàng loạt dự án và ưu đãi mà các doanh nghiệp nước này đang hưởng lợi…

Có thể bạn quan tâm

Xung đột Trung Đông đẩy Fed vào thế khó

Xung đột Trung Đông đẩy Fed vào thế khó

Căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran khiến giá dầu tăng vọt, làm dấy lên lo ngại lạm phát toàn cầu và có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tiếp tục trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất…

Đảo quốc nhỏ thành “ngư ông đắc lợi” nhờ đòn thuế Mỹ

Đảo quốc nhỏ thành “ngư ông đắc lợi” nhờ đòn thuế Mỹ

Trước áp lực từ các mức thuế cao và bất ổn thương mại toàn cầu, nhiều doanh nghiệp Mỹ đang chuyển hướng sản xuất sang Cộng hòa Dominica, một điểm đến gần gũi, chi phí thấp và đầy tiềm năng. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức lớn mà đảo quốc Caribean này đang gặp phải…

Bò Mỹ mất dần lợi thế tại Trung Quốc

Bò Mỹ mất dần lợi thế tại Trung Quốc

Hàng loạt sản phẩm nông sản Mỹ đang dần biến mất khỏi nhiều siêu thị và nhà hàng tại Trung Quốc khi sự bất ổn liên quan đến thuế quan khiến các nhà nhập khẩu chuyển hướng tìm nguồn cung thay thế…