Cuộc đua Nhà Trắng: Tương lai ngành xe điện Mỹ và ván cược tỷ đô từ Hàn Quốc

Cuộc tranh cử tổng thống Mỹ đang làm dấy lên các tranh luận về tương lai của ngành công nghiệp xe điện. Trong đó, Hàn Quốc lo ngại rằng hàng tỷ USD của họ có thể gặp rủi ro khi những thay đổi chính sách có thể ảnh hưởng đến hàng loạt dự án và ưu đãi mà các doanh nghiệp nước này đang hưởng lợi…

https-d1e00ek4ebabmscloudfrontnet-production-27676a06-d86c-4801-9a71-978e6d1f810f-5779.jpg

Trong cuộc đua vào Nhà Trắng giữa Phó Tổng thống đương nhiệm Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump, một trong những chủ đề được nhắc tới nhiều nhất tại các cuộc tranh luận chính sách là về xe điện.

Mặc dù cả hai ứng viên đều bị chỉ trích vì thiếu rõ ràng và có những ý kiến mâu thuẫn về một số vấn đề quan trọng, nhưng thực tế là một nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump có khả năng sẽ gây rủi ro cho các khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD của Hàn Quốc tại Mỹ.

VÁN CƯỢC TỶ ĐÔ

Thị trường chứng khoán Hàn Quốc gần đây đã bị ảnh hưởng bởi biến động giá do lo ngại về khả năng ông Trump tái đắc cử – một yếu tố còn được gọi là “rủi ro Trump” trên sàn giao dịch – sau khi ứng viên đảng Cộng hòa thể hiện quyết tâm hủy bỏ các quy định về xe điện mà Tổng thống Joe Biden từng ban hành.

Hàn Quốc đang theo dõi sát sao cuộc bầu cử Mỹ, trong bối cảnh nước này đang trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Mỹ, vượt qua cả Đài Loan và Trung Quốc, với cam kết cho khoảng 90 dự án quy mô lớn có tổng trị giá 21,5 tỷ USD chỉ riêng trong năm ngoái. Các kế hoạch đầu tư này phần lớn đều có liên quan tới các dự án khí hậu của Tổng thống Joe Biden, trong đó yêu cầu hai phần ba số xe mới trên đường phố Mỹ phải là xe điện vào năm 2032.

Theo báo cáo từ Nhà Trắng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đầu tư hơn 200 tỷ USD vào Mỹ trong nhiệm kỳ của ông Joe Biden, trong đó Hàn Quốc chiếm tới 28% và trở thành nhà đầu tư lớn nhất.

44% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hàn Quốc đã được đổ vào Mỹ năm ngoái, trích dẫn thống kê từ Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc. Các nhà sản xuất pin nước này hiện có 17 nhà máy đang hoạt động hoặc dự kiến xây dựng tại Mỹ, trong đó 12 nhà máy mới được công bố sau khi ông Joe Biden nhậm chức.

Các công ty Hàn Quốc đã nhận được khoảng 2 nghìn tỷ won (tương đương 1,5 tỷ USD) trợ cấp thông qua chính sách Tín dụng Sản xuất Tiên tiến (AMPC) của Mỹ - cung cấp ưu đãi thuế cho các nhà sản xuất thân thiện với môi trường để sản xuất các linh kiện cụ thể tại Mỹ.

Cụ thể, AMPC hỗ trợ 35 USD mỗi kilowatt-giờ cho tế bào pin và 45 USD cho mô-đun pin, giúp các công ty Hàn Quốc tránh bị lỗ. LG Energy Solution đã ghi nhận khoản tín dụng thuế trị giá 447,8 tỷ won vào lợi nhuận hoạt động quý 2, nếu không công ty này đã lỗ 252,5 tỷ won.

727d3a32-1ee0-4d81-844d-20d8db4efb2e-5292.jpg
Phó Chủ tịch Điều hành SK Group Chey Jae-won (trái) và Thống đốc Kentucky Andy Beshear chụp ảnh kỷ niệm tại lễ động thổ nhà máy pin ở Glendale (Kentucky) năm 2022.

Quy định về xe điện dưới thời ông Biden, bao gồm Đạo luật Giảm Lạm Phát (IRA) được thông qua năm 2022, cung cấp 260 tỷ USD dưới dạng ưu đãi cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Các nhà sản xuất ô tô và pin của Hàn Quốc đã được hưởng lợi lớn từ các chính sách này và họ kỳ vọng chính sách sẽ được tiếp tục nếu bà Kamala Harris chiến thắng.

“Dù thực tế là dù ai thắng cử cũng đều gây ra rủi ro cho các công ty Hàn Quốc. Nếu bà Harris đắc cử, chi phí lao động sẽ tăng. Còn nếu ông Trump thắng, toàn bộ chính sách xe điện và các chương trình ưu đãi liên quan có thể bị cắt giảm”, giáo sư Moon Hak-hoon tại Đại học Kỹ thuật Ô tô Osan nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Moon, kịch bản bà Harris chiến thắng vẫn sẽ tốt hơn cho Hàn Quốc vì các công ty nước này đã rót hàng tỷ USD vào Mỹ và ngành công nghiệp xe điện cần được duy trì ổn định để đảm bảo lợi nhuận.

QUAN ĐIỂM ĐỐI NGHỊCH

Trong các phát biểu của mình, bà Kamala Harris nhấn mạnh rằng nếu đắc cử, bà sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu từ thời chính quyền Joe Biden để đảm bảo nước Mỹ có thể duy trì vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng sạch. Bà cũng khẳng định chuỗi chính sách của ông Biden đã cho thấy nước Mỹ có khả năng ứng phó với thách thức và xây dựng các ngành công nghiệp tương lai, đồng thời tạo ra việc làm chất lượng cao trong chuỗi cung ứng xe điện và pin.

“Chiến thắng của bà Kamala Harris sẽ thuận lợi hơn cho ngành pin của Hàn Quốc cũng như thị trường chứng khoán, vốn đang phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp năng lượng”, nhà nghiên cứu tại KB Securities Ha In-hwan đánh giá.

Trong khi đó, ông Donald Trump coi biến đổi khí hậu là “trò lừa đảo” và tuyên bố sẽ chấm dứt quy định xe điện ngay ngày đầu tiên nếu tái đắc cử, đồng thời hủy bỏ IRA - đạo luật mà theo ông là đang hủy hoại ngành công nghiệp ô tô Mỹ.

Mặc dù ông Trump gần đây đã dịu giọng hơn về vấn đề xe điện sau khi nhận được ủng hộ từ CEO Tesla Elon Musk, nhưng nếu đắc cử, vẫn có khả năng ông Trump sẽ cắt giảm mạnh các ưu đãi năng lượng sạch vì cho rằng chúng mang lại lợi ích cho Trung Quốc hơn là Mỹ.

Thực tế, trong nhiệm kỳ trước của mình, cựu Tổng thống Mỹ đã bãi bỏ khoảng 130 chính sách năng lượng liên quan đến giảm thiểu khí thải nhà kính.

“Nếu Trump tái đắc cử, ông ấy sẽ tìm cách hủy bỏ IRA hoặc ít nhất là sửa đổi lớn để hạn chế ưu đãi cho các công ty nước ngoài”, Kang Gu-sang, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc nêu ý kiến.

Tuy nhiên, việc hủy bỏ hoàn toàn IRA được cho là không khả thi vì phần lớn các khoản trợ cấp và ưu đãi do ông Joe Biden thúc đẩy đã được thực hiện ở cả những bang do đảng Cộng hòa kiểm soát.

e3f23e13-51fb-4130-b5fd-2942fd9fed37-3020.jpg
Rất nhiều nhà máy của doanh nghiệp Hàn Quốc được xây dựng và vận hành tại Mỹ

Bang Georgia, do Thống đốc Brian Kemp thuộc Đảng Cộng hoà lãnh đạo, có 15,3 tỷ USD dự án liên quan đến IRA. Đây cũng là nơi tập trung nhiều khoản đầu tư lớn nhất của ngành ô tô Hàn Quốc. Bang Indiana, nơi có ba nhà máy pin của Samsung SDI, do Thống đốc Eric Holcomb thuộc Đảng Cộng hoà lãnh đạo, còn bang Tennessee cũng có thành viên Đảng Cộng hoà Bill Lee đứng đầu.

“Thay vào đó ông Donald Trump có thể cắt giảm trợ cấp xe điện bằng cách giới hạn số lượng xe đủ điều kiện nhận ưu đãi và áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn”, ông Kang Gu-sang dự đoán.

Và đây có thể là lý do ứng viên Đảng Cộng hoà đang dồn lực vận động ở các bang thuộc "Rust Belt" (vành đai gỉ sét) ở phía đông bắc Mỹ, bao gồm Pennsylvania, Wisconsin và Michigan – ba trong số bảy bang chiến trường quan trọng – với lực lượng lao động lớn trong ngành sản xuất ô tô, những người phản đối các quy định về xe điện vì lo ngại mất việc làm.

Bà Harris và ông Trump đều đang cạnh tranh quyết liệt tại 3 tiểu bang này, với tổng cộng 44 phiếu đại cử tri, trong đó Pennsylvania chiếm tới 19 phiếu, lớn nhất trong bảy bang chiến trường. Khu vực này từng được gọi là "Bức tường Xanh" vì truyền thống ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ, nhưng đã thay đổi vào năm 2016 khi ông Donald Trump đánh bại bà Hillary Clinton. Tổng thống Joe Biden đã giành lại ba bang này trong cuộc tranh cử năm 2020.

“Thái độ có phần thận trọng của Harris đối với các chính sách xe điện gần đây được coi là nỗ lực lấy lòng các bang thuộc Bức tường Xanh, trong khi ông Trump luôn khẳng định rằng các dự án năng lượng sạch của ông Biden đang đe dọa việc làm trong ngành sản xuất”, giáo sư Moon Hak-hoon lưu ý.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…