Hôm qua (27/11), Thủ tướng Anh Theresa May đã bắt đầu chiến dịch vận động ủng hộ thỏa thuận sơ bộ đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU) trên toàn quốc với khẳng định Anh sẽ có quyền tự quyết các thỏa thuận thương mại với các quốc gia ngoài EU.
Phát biểu tại Builth Wells, xứ Wales, bà Theresa May khẳng định, Anh sẽ có chính sách thương mại độc lập và sẽ có thể đàm phán thỏa thuận thương mại với các quốc gia khác trên toàn thế giới.
Đề cập tới Mỹ, bà May cho biết hai bên đã trao đổi về thỏa thuận thương mại trong tương lai, mà Brussels sẽ không còn có thể can thiệp sau khi Anh rời EU.
Tại Bắc Ireland, Thủ tướng Anh đã gặp lãnh đạo đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP), đảng từng lập thỏa thuận hợp tác với đảng Bảo thủ của bà May để đảm bảo thế đa số tại quốc hội nước này.
Tuy nhiên, thỏa thuận Brexit mới đạt được bao gồm một điều khoản "rào chắn" giúp duy trì biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland và CH Ireland lại không nhận được sự đồng tình của chính giới Bắc Ireland.
Lãnh đạo DUP Arlene Foster cho rằng thỏa thuận có thể tạo ra những rào cản thương mại giữa vùng Bắc Ireland và lục địa Anh, đồng thời kêu gọi bà May tìm phương án thứ ba.
Sau khi tới xứ Wales và Bắc Ireland, bà May sẽ tiếp tục di chuyển tới Scotland để vận động ủng hộ thỏa thuận trong ngày 28/11.
Tại đây, thỏa thuận sơ bộ Brexit cũng được cho sẽ gặp khó khăn. Trong cuộc trưng cầu ý dân hồi năm 2016 về vấn đề Brexit, 62% người dân tại vùng lãnh thổ này ủng hộ ở lại, nhưng kết quả sau cùng nghiêng về phe Brexit.
Thêm vào đó, trong thỏa thuận Brexit mới đạt được, khả năng tiếp cận các thị trường xuất khẩu, quyền đánh bắt cá và những ảnh hưởng tới quyền tự quyết của vùng lãnh thổ này lại là vấn đề gây tranh cãi, càng khiến thách thức thêm chồng chất với nữ Thủ tướng Anh.
Một nhóm các chính trị gia tại vùng lãnh thổ này thậm chí đã nhờ các luật sư xem xét khả năng Quốc hội Anh có thể đơn phương dừng tiến trình kích hoạt Brexit bằng cách rút "điều 50" của hiệp ước Lisbon về việc Anh chính thức muốn rời EU.
Trước đó, ngày 25/11, Thủ tướng Anh đã chính thức khép lại quãng thời gian đàm phán Brexit kéo dài 17 tháng đầy chông gai bằng việc ký vào các thỏa thuận liên quan tới Brexit với lãnh đạo 27 quốc gia thành viên còn lại của EU. Tuy nhiên, chặng đường thuyết phục Quốc hội Anh thông qua bản thỏa thuận này được đánh giá là không hề dễ dàng.
Các thỏa thuận được ký kết bao trùm các nội dung như mức "phí chia tay" trị giá 39 tỷ bảng mà Anh sẽ phải thanh toán, quyền công dân và thỏa thuận "rào chắn" cho vấn đề biên giới giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland, giúp duy trì một biên giới mở giữa hai bên cho tới khi đạt thỏa thuận thương mại song phương.
Thỏa thuận "rào chắn" tưởng như đã tháo được nút thắt trong các cuộc đàm phán giữa Anh và EU nay lại biến thành trở ngại lớn nhất gây ra tranh cãi trong nội bộ Anh, đe dọa làm tan biến mọi nỗ lực đàm phán trong thời gian qua.
Trong thế điều hành một chính phủ thiểu số, bà May rất cần sự ủng hộ từ DUP hoặc sự ủng hộ hiếm hoi của các nghị sĩ đối lập để bảo vệ thỏa thuận.
Tuy nhiên, không ít ý kiến phản đối gay gắt điều khoản này từ đảng đối lập cũng như trong chính đảng cầm quyền, gồm cả phe ủng hộ cũng như phe phản đối Brexit. Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn còn cho rằng thỏa thuận này là "cách tự làm tổn hại quốc gia".
Tuy nhiên, bà May luôn tỏ ra cứng rắn trước mọi lời chỉ trích. Bà thậm chí đã thách thức lãnh đạo Công đảng đối lập tranh luận trực tiếp trên sóng truyền hình để bảo vệ thỏa thuận vì tự tin có một kế hoạch trong tay.
Dự kiến, cuộc tranh luận này sẽ diễn ra vào ngày 9/12. Thủ tướng May có 2 tuần để vận động ủng hộ thỏa thuận Brexit trước khi quốc hội bỏ phiếu quyết định thành quả hơn 1,5 năm đàm phán "nhọc nhằn" của Chính phủ Anh vào ngày 11/12 tới.
Theo kế hoạch, Brexit sẽ chính thức diễn ra vào ngày 29/3/2019.