Trong một báo cáo mới đây được công bố bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Vương quốc Anh có khả năng là quốc gia công nghiệp lớn duy nhất chứng kiến nền kinh tế của mình bị thu hẹp trong năm nay.
GDP hàng năm của Vương quốc Anh dự kiến sẽ giảm khoảng 0,6% trong năm tới, do các chính sách tài chính và tiền tệ chặt chẽ hơn cũng như các điều kiện tài chính và giá bán lẻ năng lượng vẫn ở mức cao đè nặng lên ngân sách hộ gia đình. Theo IMF, triển vọng kinh tế của Anh giờ đây còn có vẻ xấu hơn nhiều so với Nga, quốc gia đang hứng chịu một loạt biện pháp trừng của phương Tây.
IMF cho biết, trong khi mọi thành viên khác trong nhóm các quốc gia phát triển hàng đầu G7 đều dự kiến có được mức tăng nhẹ trong tăng trưởng GDP năm 2023, thì lãi suất tăng và thuế cao hơn đã khiến triển vọng của Vương quốc Anh trở nên ảm đạm hơn.
Ông Pierre-Olivier Gourinchas, cố vấn kinh tế của IMF đánh giá, năm 2023 sẽ khá khó khăn đối với Vương quốc Anh khi nước này trượt xuống cuối bảng xếp hạng của G7.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang thắt chặt các điều kiện tài chính làm giảm nhu cầu trong lĩnh vực nhà ở và hơn thế nữa. Vào 2/2 vừa qua, BoE đã đưa ra quyết định tăng lãi xuất thêm 0,5 điểm phần trăm lên 4%, lần tăng thứ 10 liên tiếp.
Cũng theo ông Pierre-Olivier Gourinchas, việc Vương quốc Anh phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên, giá năng lượng tăng cao, "vết sẹo" từ Covid-19 đối với quy mô việc làm cùng xu hướng thắt chặt tiền tệ sẽ tác động đến tăng trưởng.
Các số liệu sơ bộ được công bố cũng cho thấy tăng trưởng ở khu vực đồng euro được dự đoán sẽ ở mức 0,7% vào năm 2023 trước khi tăng lên 1,6% vào năm 2024. Trong đó, Pháp dự kiến tăng 0,7%, Ý là 0,6% và Đức là 0,1%.
Trong khi đó tại Mỹ, tốc độ tăng trưởng được dự đoán vào khoảng 1,4% vào năm 2023. Đã có sự điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm trong dự báo của IMF đối với tăng trưởng hàng năm vào 2023, phản ánh hiệu ứng chuyển đổi từ khả năng phục hồi của nhu cầu trong nước.
Cũng theo báo cáo, tăng trưởng ở Nhật Bản dẫn đầu mức tăng trong nhóm G7 với 1,8% vào năm 2023, được hỗ trợ bởi chính sách tài khóa và tiền tệ của chính phủ.
Đối với các nền kinh tế đang phát triển, tăng trưởng dự kiến sẽ tăng nhẹ 0,1% từ 3,9% năm 2022 lên 4% năm 2023 và tăng thêm 0,2% lên 4,2% năm 2024. Khoảng một nửa nền kinh tế thị trường mới nổi được cho là có mức tăng trưởng thấp hơn vào năm 2023 so với một năm trước đó.
Nhìn chung, tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ vào khoảng 2,9% vào năm 2023 và được kỳ vọng tăng lên lên 3,1% vào năm 2024.
Cùng với đó, lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ giảm từ 8,8% trong năm 2022 xuống 6,6% vào năm 2023 và 4,3% năm 2024. Con số này vẫn cao hơn mức 3,5% trước đại dịch (2017–2019).