Ngay sau khi Hiệp định này được Thượng viện thông qua, Văn phòng Thủ tướng Scott Morrison đã ra thông báo nêu rõ, “thỏa thuận mang tính bước ngoặt này là một trong những giao dịch thương mại toàn diện nhất từng được ký kết khi cắt giảm 98% thuế quan cho 11 quốc gia với GDP tổng cộng hơn 13,8 tỷ đô la và gần 500 triệu người tiêu dùng”.
Theo các nghiên cứu độc lập, với tư cách là thành viên của CPTPP, Australia sẽ đạt 15,6 tỷ USD lợi nhuận ròng hàng năm vào năm 2030. Giao lưu thương mại quốc tế của Australia cũng sẽ được đẩy mạnh và tạo ra nhiều việc làm mới trong khi thu hút thêm đầu tư trong nước và nước ngoài.
Văn phòng Thủ tướng Scott Morrison cũng cho biết, CPTPP mang lại nhiều lợi thế cho các nhà xuất khẩu thịt bò của Australia khi Nhật Bản giảm thuế suất trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, CPTPP cũng mở rộng thị trường lúa mì và lúa mạch, các sản phẩm sữa của Australia. Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Morrison cũng khẳng định, Chính phủ Australia sẽ tiếp tục theo đuổi một chính sách thương mại mà ở đó mở ra các thị trường mới cho các sản phẩm của Australia.
“ Khi CPTPP được thông qua tại Thượng viện hôm nay và tại Hạ viện hôm 17/9, Australia chính thức hoàn tất thủ tục phê chuẩn hiệp định này bất chấp căng thẳng chính trị giữa các đảng phái.
Như vậy là hiện nay đã có 4 quốc gia phê chuẩn CP-TPP đó là Mexico, Nhật Bản, Singapore và Australia. Dự kiến, trong những tháng tới, New Zealand, Peru và Canada cũng sẽ xem xét để đi đến thông qua Hiệp định này.
Theo quy định, CPTPP sẽ hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi được 6 nước thành viên phê chuẩn. New Zealand và Việt Nam dự kiến cũng sẽ hoàn tất thủ tục phê chuẩn hiệp định trong vài tuần tới và sẽ có đủ tối thiểu 6 quốc gia phê chuẩn để hiệp định có thể có hiệu lực. Với việc được Thượng viện Australia, CPTPP tiến gần hơn một bước nữa tới việc Hiệp định được thực thi.