Bà Chu Thị Tiến - Chủ tịch CLB Thương gia: “Sáng tạo để phát triển"

Mong ước của nữ “thủ lĩnh” đội quân trẻ này là làm sao nâng cao được năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các DN nhỏ và vừa (DNNVV) như chính DN của chị và các thành viên CLB Thương gia để mỗi DN có thể

Là nữ doanh nhân hoạt động trong ngành thép và vươn sang cả khách sạn, chị Chu Thị Tiến còn là chủ tịch Câu lạc bộ Thương gia với gần 200 hội viên là những doanh nhân trẻ, đầy nhiệt huyết. Thương Gia đã có cuộc trò chuyện cùng chị xung quanh vấn đề này.

Là một doanh nhân đi lên từ gian khó, bằng chính năng lực, ý chí và quyết tâm vươn lên chị đã cùng chồng xây dựng nên một cơ đồ của Công ty cổ phần Tiến Hà như hiện nay và biệt hiệu “Tiến Thép” được biết đến nhiều trong giới doanh nhân. Không những thế chị còn rất nhanh nhạy tìm kiếm cơ hội để mở mang kinh doanh. Chị có thể chia sẻ với độc giả của Thương Gia cụ thể hơn về sự phát triển của DN mình?

Tôi tự cho mình là người chịu khó đi và chịu khó quan sát. Càng đi xa tôi càng thấy đất nước mình đẹp nhất là bãi biển. So với các “Thiên đường du lịch” trong khu vực, ta đâu có kém nếu không muốn nói là có tiềm năng hơn. Cái kém nằm ở chất lượng dịch vụ và sự chuyên nghiệp kia. Mấy năm trước, tôi một mình đi khảo sát, thăm thú thị trường khách sạn, du lịch ở mấy tỉnh miền Trung và sau một thời gian cân nhắc, tôi quyết định dừng lại Đà Nẵng…

Gọi là cơ hội cũng được mà gọi là chuẩn bị cho thế hệ tiếp nối cũng đúng. Tôi cứ trăn trở với vấn đề mình sẽ tiếp tục như thế nào trong tình hình kinh tế đã khác trước rất nhiều. Trong đó phát triển bền vững được đặt lên hàng đầu. Tôi rất tâm đắc với câu nói của một doanh nhân từng trải “Luôn luôn đặt mình trong tâm thế khởi nghiệp và khởi nghiệp lại”.

Doanh nhân nữ có thể khó cạnh tranh bằng quy mô, tốc độ kinh doanh so với Doanh nhân nam nhưng bù lại họ có thế mạnh khi cạnh tranh bằng sự bền bỉ, linh hoạt và đặc biệt rất nhân văn và ý thức trách nhiệm xã hội cao”.

Thêm nữa hai con tôi đều học ở nước ngoài về, cũng có chí hướng theo nghề kinh doanh của cha mẹ… Tất cả những điều ấy đã khiến tôi quyết định một hướng đi mới: Xây dựng khách sạn bốn sao quốc tế bên bờ biển Đà Nẵng để phục vụ du lịch…

Khách sạn 25 tầng với 165 phòng (trong đó có 30 căn hộ) được khởi công trong tháng 12 này với thiết kế của kiến trúc sư người Đức. Con trai lớn của tôi đã tốt nghiệp kinh tế tại Anh, cháu về nước và cùng với 3 phụ tá trong lĩnh vực xây dựng, quản lý giúp tôi công việc điều hành.

Tôi rất vui và tự hào vì đó là một nhóm người trẻ đầy nhiệt huyết và trưởng thành rất nhanh. Con gái tôi sau khi tốt nghiệp trung học tại Mỹ cũng sang Thụy Sĩ học chuyên ngành khách sạn. Tôi muốn cháu được tiếp nhận một cách bài bản, chuyên nghiệp cái nghề cháu sẽ theo đuổi suốt đời.

Cái gì cũng phải được xây từ gốc. Tạo dựng cho hai con một nền tảng vững chắc để có thể thay cha mẹ quản lý điều hành DN, tôi hy vọng thế hệ sau mình sẽ kế tục một cách xứng đáng.

Thưa chị phải chăng từ chính hoạt động của DN mình mà chị cũng cho rằng vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh đang là nhiệm vụ cốt tử trong giai đoạn này của DN?

Tôi rất tâm huyết với lời nhắn nhủ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp với các DNNVV: “Cho dù những cái bắt tay giữa DNNVV Việt Nam và tập đoàn đa quốc gia có thể ví như cuộc chơi của người bé nhỏ với gã khổng lồ nhưng đó chính là con đường ngắn nhất, tốt nhất để doanh nghiệp chúng ta lớn nhanh và ghi tên mình vào chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng và phân phối toàn cầu”.

Nhưng để có được cái bắt tay ấy thì năng lực cạnh tranh của các DN lại là một vấn đề. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt Nam là mong muốn tự thân của DN, đồng thời của Chính phủ cũng như cả cộng đồng. Mỗi DN đều tự biết mình mạnh yếu ra sao, sẽ tiếp tục phát triển thế nào trong tình hình kinh tế đã khác trước rất nhiều, đặc biệt trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng.

Nếu DN không có năng lực cạnh tranh thực sự, không có sự sáng tạo thì rất khó có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, rất dễ bị tụt hậu và bị bỏ rơi. Thêm vào đó cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự ra đời của các công nghiệp mới như internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, rô bốt cao cấp, công nghệ nano, công nghệ in 3D… đang làm thay đổi rất lớn cách nghĩ cách làm ra của cải vật chất và thay đổi cuộc sống của mỗi người trên thế giới.

Trong khi đó, các DN nhỏ và vừa với trình độ công nghệ, năng lực tài chính còn nhiều hạn chế sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Nhưng ở mặt khác họ lại có những thế mạnh riêng, bởi nhỏ gọn nên dễ thay đổi, dễ thích nghi và thực sự đây là nhóm DN năng động.

Tôi cho rằng với cả những thế mạnh và cả các hạn chế ấy, DN nhỏ và vừa rất cần nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển để có thể mở rộng quy mô, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội. Đối với các cơ quan hỗ trợ DN nhỏ và vừa, yêu cầu đặt ra là họ cũng phải theo kịp xu thế của thời đại kỹ thuật số, tạo môi trường thuận lợi và áp dụng các phương pháp hỗ trợ hợp lý để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển cho hoạt động kinh doanh của DN. Bởi DN có phát triển mới tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội, đóng góp vào ngân sách của Nhà nước. Dân có giàu thì nước mới mạnh.

Được biết tại Diễn đàn Doanh nhân Nữ APEC, chủ đề Nữ Doanh nhân – động lực cho tăng trưởng bền vững cũng là nội dung của một phiên thảo luận chính, xin chị cho biết ý kiến của mình về nội dung này?

Tôi cho rằng phụ nữ Việt Nam nói chung và Doanh nhân nữ nói riêng rất đáng tự hào và quả thật họ là động lực cho tăng trưởng bền vững. Từ kinh nghiệm của bản thân và qua các đồng nghiệp, tôi nhận thấy trải qua khủng hoảng kinh tế, các Nữ Doanh nhân đã thể hiện rõ bản lĩnh của mình - vượt qua được khó khăn, thách thức. Doanh nhân nữ ngoài việc cần cù, chăm chỉ, biết lo toan thu vén thì còn linh hoạt mềm dẻo “lúc cương lúc nhu” trong công việc.

Đặc biệt DN do nữ làm chủ luôn phát triển chắc chắn, bền vững (có lẽ do tính cẩn thận lo xa của phụ nữ chăng). Doanh nhân nữ có thể khó cạnh tranh bằng quy mô, tốc độ kinh doanh so với Doanh nhân nam nhưng bù lại họ có thế mạnh khi cạnh tranh bằng sự bền bỉ, linh hoạt và đặc biệt rất nhân văn và ý thức trách nhiệm xã hội cao. Phụ nữ là người giữ lửa trong gia đình và doanh nhân nữ cũng luôn là người thắp lửa và truyền lửa kinh doanh sang những người thân và thế hệ kế tiếp của mình. Phát triển bền vững luôn luôn là tâm niệm của tất cả các nữ doanh nhân trong đó có tôi.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này.

Có thể bạn quan tâm