Tại đại hội, ông Nguyễn Minh Hải, Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết thị trường hàng không năm 2022 gặp rất nhiều khó khăn và thách thức bởi đại dịch. Tuy nhiên, doanh thu và biên lợi nhuận năm 2022 của công ty tăng trưởng vượt trội.
Năm 2024 phải hòa hoặc có lãi
Trong đó, doanh thu thuần năm 2022 đạt 11.732 tỷ đồng, tăng trưởng 230% so với năm 2021. Lỗ trên tổng doanh thu thuần cũng được cải thiện đáng kể về mức -27%, so với mức -114% trong năm 2021. Khoảng cách giữa doanh thu và chi phí ngày một thu hẹp, hướng đến điểm hòa vốn.
Ông Hải cũng cho hay, số lỗ 17.619 tỷ đồng ghi nhận năm 2022 là của cả một thời kỳ và đưa vào năm 2022 chứ không phải riêng năm này. Kết thúc năm 2022, Bamboo Airways đã hết giai đoạn hình thành và bây giờ sẽ phát triển.
Về phần vốn của Bamboo Airways, ông Hải khẳng định: "Đến thời điểm này, giá trị vốn điều lệ tại thời điểm tháng 5/2023 đạt 26.220 tỷ đồng, tỷ lệ vay nợ/tổng tài sản của Bamboo Airways là 0,7 lần".
Bamboo Airways cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu thuần của Bamboo Airways đạt 51% so với tổng doanh thu thuần năm 2022. Từ tháng 1/2023, Bamboo đã đạt điểm hoà vốn từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Tuy nhiên, năm nay vẫn là một giai đoạn khó khăn của các hãng hàng không trong đó có Bamboo Airways. Trên toàn cầu, các thị trường châu Âu và châu Mỹ đã có lãi trở lại do sức mua tốt hơn và tương đối nhạy bén so với khủng hoảng, cùng tăng cùng giảm. Nhưng với các hãng châu Á, IATA vẫn dự báo khu vực này sẽ lỗ khoảng 6 tỷ USD trong năm 2022.
Do nhu cầu nén vào năm 2022 đã bung ra nên năm 2023 người dân sẽ tiết kiệm trở lại, đây là một trong những yếu tố không thuận lợi với ngành hàng không. Ngoài ra, giá nhiên liệu cũng là vấn đề đau đầu với các hãng hàng không, hiện đã ổn định nhưng ở mức cao. Một số thị trường phục hồi tốt không tốt như kỳ vọng, ông Hải cho hay.
Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, Bamboo Airways dự kiến khai thác đội bay đạt 30 - 36 tàu đến cuối năm 2023, duy trì hệ số sử dụng ghế đạt 81,5%, tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ đạt trên 90%. Doanh thu vận tải hành khách và hàng hoá kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 15-20% so với năm 2022.
Về mạng đường bay, Bamboo Airways đặt kế hoạch tiếp tục duy trì mạng đường bay nội địa kết nối toàn bộ 22 sân bay dân dụng; và duy trì, mở rộng đường bay tới các thị trường quốc tế mục tiêu tại Châu Âu, Châu Úc, Đông Bắc Á, Đông Nam Á…
Hãng cũng đẩy mạnh chuyển đổi hệ thống dịch vụ hành khách (PSS) để dễ dàng mở rộng mạng lưới đường bay, đàm phán và kí kết hợp tác toàn diện với các hãng hàng không quốc tế. Bên cạnh đó, Bamboo Airways đang xây dựng hệ sinh thái hàng không, như thành lập các công ty vận chuyển hàng hóa hàng không, công ty dịch vụ mặt đất, công ty kỹ thuật hàng không, công ty cung ứng suất ăn hàng không,… nhằm gia tăng hiệu quả trên toàn mạng.
Cũng tại đại hội lần này, ông Lê Minh Hải, Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết, Hội đồng quản trị đã giao mục tiêu cho ban lãnh đạo công ty "phải hoà hoặc có lãi vào năm 2024" chứ không phải là "hy vọng có hết lỗ nữa".
Để đạt được mục tiêu chấm dứt lỗ vào năm 2024, ông Hải cho biết, Bamboo Airways muốn có lãi thì vẫn phải tăng quy mô sản xuất, 30 tàu bay là không đảm bảo hiệu quả. Do đó, Bamboo Airways sẽ tiếp tục tăng tàu bay bằng việc thuê, mua tàu, nhưng phải đảm bảo hiệu quả.
"Giá tàu bay cho thuê hiện cao hơn và nguồn cung khan hiếm, rất may là trong năm 2021-2022, ban lãnh đạo Bamboo Airways đã chớp được cơ hội và nâng đội tàu bay lên 30 chiếc", ông Hải nói.
Bamboo Airways đặt mục tiêu từ năm 2024 trở đi, hãng đặt mục tiêu mỗi năm tăng 8 - 10 tàu bay để nâng đội bay lên 100 tàu.
Kiện toàn nhân sự cấp cao
Đại hội đồng cổ đông Bamboo Airways đã bầu ra 7 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023 – 2028 gồm: ông Nguyễn Ngọc Trọng, ông Doãn Hữu Đoàn, ông Lê Bá Nguyên, ông Lê Thái Sâm, ông Trần Hoà Bình, ông Oshima Hideki, ông Phan Đình Tuệ, bổ sung và thay thế cho các thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2019 – 2024 đã từ nhiệm.
Đại hội đồng cổ đông cũng đã bầu 3 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023 – 2028 là bà Nguyễn Thị Hữu, bà Nguyễn Bích Ngọc, ông Nguyễn Đăng Khoa, bổ sung và thay thế cho các thành viên cũ đã từ nhiệm.
Cùng ngày, Hội đồng quản trị Bamboo Airways đã họp và thống nhất bầu ông Oshima Hideki là Chủ tịch Hội đồng quản trị Bamboo Airways; ông Nguyễn Ngọc Trọng giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Phan Đình Tuệ đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Bamboo Airways.
Phát biểu tại sự kiện, ông Oshima Hideki, tân Chủ tịch Hội đồng quản trị Bamboo Airways nhấn mạnh, tính an toàn là yếu tố tiên quyết trong hàng không, tiếp theo đó là việc cung cấp dịch vụ chất lượng cho hành khách.
Ông Oshima Hideki cho hay: "Để làm được điều này, sự vui vẻ và hạnh phúc của các nhân viên, đặc biệt là đội ngũ nhân sự tuyến đầu là yếu tố then chốt. Bởi vậy, tôi sẽ luôn nỗ lực hỗ trợ và sát cánh với các nhân viên để thúc đẩy tinh thần đồng đội xuyên suốt từ ban lãnh đạo".
Theo ông Oshima Hideki, yếu tố quan trọng để cải thiện lợi nhuận trong lĩnh vực hàng không xuất phát từ việc mỗi nhân viên sẽ phải có trách nhiệm với chi phí của chính bộ phận mình. Nói cách khác, mỗi cá nhân phải có ý thức và tư duy của người làm quản trị doanh nghiệp. Đây cũng là văn hóa doanh nghiệp mà ông mong muốn sẽ xây dựng và lan toả tại Bamboo Airways.
Tân Chủ tịch Bamboo Airways có gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý cấp cao tại các cảng hàng không, hãng bay lớn của châu Á như: Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Japan Airlines - Nhật Bản, Phó Tổng giám đốc Sân bay Narita Tokyo - Nhật Bản, Giám đốc dự án Sân bay Haneda Tokyo - Nhật Bản…