Cách đây ít ngày, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã đưa ra sao kê ngân hàng, tuyên bố Trung Nguyên chi sai gần 1.000 tỷ để làm truyền thông, mua siêu xe cùng một loạt khoản chi khác. Đây là số tiền chi ra trong khoảng thời gian từ 1/1/2015 đến 24/1/2017 tại một tài khoản trên tổng số 20 tài khoản của CTCP Tập đoàn Trung Nguyên mở tại ngân hàng Vietcombank.
Chưa bàn tới việc các khoản chi tiêu mà bà Thảo đề cập có thực sự là "chi sai" hay không nhưng việc Trung Nguyên có thể chi tới 300 tỷ đồng để mua siêu xe, chi 200 tỷ cho chương trình "Lập chí vĩ đại - khởi nghiệp kiến quốc"... chỉ trong 2 năm cho thấy Trung Nguyên vẫn có tiềm lực tài chính rất dồi dào.
Mặc dù doanh thu có chững lại và lợi nhuận có chiều hướng sụt giảm nhưng có thể đánh giá kết quả kinh doanh của Trung Nguyên vẫn duy trì ổn định trong 4 năm qua, từ 2014 đến 2017 bất chấp những mâu thuẫn nội bộ chưa có hồi kết giữa hai nhân vật chủ chốt là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Doanh thu của Trung Nguyên đi ngang trong bối cảnh mảng cà phê của Vinacafe Biên Hòa sụt giảm sâu
Theo số liệu chúng tôi có được, doanh thu thuần của Trung Nguyên dao động quanh mức 3.800-4.000 tỷ đồng trong 4 năm gần nhất. Doanh thu không tăng trưởng có thể do sự chững lại nói chung của ngành kinh doanh cà phê khi mà đối thủ chính của Trung Nguyên là Vinacafe Biên Hòa thậm chí ghi nhận sự sụt giảm mạnh.
Doanh thu của riêng mảng cà phê của Vinacafe Biên Hòa từ mức 2.300 tỷ năm 2014 xuống còn 1.700 tỷ đồng vào năm 2017 - tương đương 1/2 tổng doanh thu.
Nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của dòng sản phẩm mới là nước tăng lực nên Vinacafe Biên Hòa đã bù đắp được sự sụt giảm của mảng cà phê, giữ cho doanh thu dao động trong khoảng 3.000-3.300 tỷ trong giai đoạn trên.
Lợi nhuận sụt giảm dần
Năm 2014, Trung Nguyên ghi nhận 1.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế - gấp 4 lần so với năm 2013. Bên cạnh hoạt động kinh doanh tốt lên thì một nguyên nhân đáng kể khác đưa lợi nhuận 2014 tăng vọt là do trong năm này các công ty con chủ chốt của Trung Nguyên như CTCP Cà phê Trung Nguyên, CTCP Cà phê hòa tan Trung Nguyên đã kết chuyển hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận tích lũy được trong giai đoạn 2012-2014 về cho công ty mẹ dẫn đến doanh thu tài chính tăng đột biến lên 518 tỷ đồng.
Lợi nhuận năm 2014 của Trung Nguyên tăng cao bất thường do kết chuyển lợi nhuận từ công ty con
Nếu loại trừ khoản thu nhập bất thường này thì lợi nhuận trong năm 2014 của Trung Nguyên chỉ vào khoảng 800 tỷ đồng, tương đương với kết quả của năm 2015. Trong năm 2015, Trung Nguyên diễn ra một biến cố lớn khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ ra quyết định miễn nhiệm bà Lê Hoàng Diệp Thảo khỏi vị trí Phó Tổng giám đốc thường trực kể từ ngày 14/4/2015, qua đó dẫn tới nhiều mâu thuẫn, tranh chấp cho đến hiện nay.
Hai năm 2016-2017, lợi nhuận của Trung Nguyên tiếp tục suy giảm xuống còn lần lượt là 768 tỷ và 681 tỷ đồng.
Lợi nhuận sụt giảm do chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng lên mạnh cộng với việc công ty phải trích khấu hao vài chục tỷ đồng mỗi năm cho lượng siêu xe "hùng hậu" mới mua trong thời gian qua.
Mức lợi nhuận mỗi năm trên dưới 700 tỷ đưa Trung Nguyên đứng trong Top đầu lợi nhuận của ngành Thực phẩm - Đồ uống, giúp cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ có nguồn lực tài chính để thực hiện những tham vọng lớn lao của mình.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận thực tế là dù kết quả kinh doanh vẫn giữ ở mức cao nhưng Trung Nguyên đang bí cửa tăng trưởng khi doanh thu không thể tăng còn lợi nhuận đang trong xu hướng đi xuống khi mà cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Trong lúc Trung Nguyên vẫn còn bề bộn nhiều vấn đề phải giải quyết thì Vinacafe Biên Hòa đã tìm lại được động lực tăng trưởng từ dòng sản phẩm mới là nước tăng lực, qua đó thu hẹp đáng kể khoảng cách lợi nhuận giữa 2 công ty.
Nếu những tranh chấp về sở hữu không sớm được giải quyết hay Trung Nguyên tiếp tục chi lớn cho những khoản mục không giúp ích cho hoạt động kinh doanh như lời bà Thảo thì việc lợi nhuận của tập đoàn này tiếp tục đi xuống cũng không có gì bất ngờ.
Theo Tri Thức Trẻ/Cafef